13:38 10/09/2014

Ông Tập Cận Bình muốn gì trong chuyến thăm Ấn Độ?

Diệp Vũ

Ông Tập Cận Bình thăm Ấn Độ giữa lúc Nhật Bản cũng đang thể hiện rõ mong muốn thắt chặt quan hệ với nước này

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Bloomberg.<br>
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Bloomberg.<br>
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp có chuyến thăm chính thức Ấn Độ đầu tiên trên cương vị nguyên thủ quốc gia. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước đông dân nhất thế giới muốn tiến tới giải quyết tranh chấp biên giới và cải thiện tình trạng mất cân đối trong quan hệ thương mại.

Hãng tin Bloomberg dẫn thông tin do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố hôm qua (9/9) cho biết, ông Tập Cận Bình sẽ thăm Ấn Độ, Sri Lanka và Tajikistan trong thời gian từ ngày 12-19/9. Kế hoạch thăm Pakistan của Chủ tịch Trung Quốc bị hủy bỏ, cho dù trước đó ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ ký kết các thỏa thuận đầu tư trị giá 34 tỷ USD trong chuyến thăm này, vì bất ổn chính trị.

“Trung Quốc bắt đầu nhìn nhận khu vực của mình như một khu vực Indo-Thái Bình Dương rộng lớn hơn, nơi mà các tuyến đường biển, nguồn cung năng lượng và các tuyến thương mại Đông-Tây có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của Trung Quốc”, ông Rory Medcalf, Giám đốc Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney, nhận định.

Trung Quốc tìm cách tăng cường quan hệ với Ấn Độ giữa lúc quan hệ giữa Bắc Kinh với Nhật Bản, Việt Nam và Philippines bị mây đen bao phủ do tranh chấp lãnh thổ trên biển. Giữa Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước chiếm hơn 1/3 dân số thế giới, đã tồn tại tranh chấp biên giới trong suốt 5 thập kỷ qua, và thi thoảng, các vụ xung đột vẫn xảy ra ở khu vực biên giới giữa hai quốc gia này.

Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc chiếm 38.000 km2 lãnh thổ của mình tại các bang Jammu và Kashmir, trong khi Bắc Kinh tố New Delhi chiếm 90.000 km2 lãnh thổ của Trung Quốc ở bang Arunachal Pradesh.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, Thủ tướng Ấn Độ Modi hứa sẽ có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc trong việc bảo vệ biên giới. Căng thẳng giữa về vấn đề lãnh thổ đã khiến quan hệ giữa hai nước trở nên phức tạp kể từ sau một cuộc chiến tranh diễn ra vào năm 1962. Hồi tháng 2 năm nay, ông cảnh báo Trung Quốc nên từ bỏ “tư tưởng lãnh thổ” và nói rằng, Trung Quốc dựa vào điểm yếu của Ấn Độ để đưa quân đội vào lãnh thổ Ấn trong năm 2013.

Tuy nhiên, sau khi ông Modi trúng cử, cả hai bên đều tỏ thái độ mềm mỏng hơn. Trong một cuộc gặp hồi tháng 7 ở Brazil, ông Modi nói với ông Tập Cận Bình rằng, một giải pháp mềm dẻo cho tranh chấp biên giới giữa hai nước sẽ là một ví dụ để thế giới học tập theo. Tân Hoa Xã nói, ông Tập Cận Bình kêu gọi “giải pháp dựa trên đàm phán” để sớm giải quyết các tranh chấp này.

Giới quan sát nói rằng, tiến triển trong giải quyết tranh chấp biên giới sẽ cho phép Ấn Độ dành nhiều nguồn lực hơn cho việc tăng cường quan hệ kinh tế. Thủ tướng Modi đã kêu gọi Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng của Ấn Độ như một cách để giảm khoản thâm hụt thương mại 34 tỷ USD mà Ấn Độ có với Trung Quốc. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ.

Ông Tập Cận Bình thăm Ấn Độ giữa lúc Nhật Bản cũng đang thể hiện rõ mong muốn thắt chặt quan hệ với nước này.

“Xét cho cùng, một mối quan hệ chủ chốt ở châu Á sẽ là quan hệ Bắc Kinh-New Delhi”, ông Ralf Emmers, một chuyên gia thuôc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận xét. “Tôi cho rằng, đây là một động thái khá khôn ngoan của Ấn Độ, sau khi [Thủ tướng Modi] đã có sự khởi đầu khá tốt đẹp với Nhật Bản”.

Trong chuyến thăm Nhật mới đây của Thủ tướng Ấn, ông Modi và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe đã khẳng định cam kết về an ninh hàng hải, tự do hàng hải, và giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế.

Phát biểu trước giới doanh nhân ở Tokyo, ông Modi nói, “thế giới được chia ra làm hai phe. Một phe tin vào chính sách bành trướng, còn phe kia tin vào sự phát triển”. Trong khi đó, Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với một số quốc gia châu Á, bao gồm tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông.

Tại một cuộc họp báo hôm 8/9, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nói rằng, tuyên bố này của ông Modi không nhằm vào Trung Quốc.

Theo số liệu của Bloomberg, năm 2013, Trung Quốc chiếm 9% tổng kim ngạch thương mại của Ấn Độ, từ mức 6% cách đây 1 thập niên. Tỷ trọng thương mại Ấn-Nhật trong tổng kim ngạch thương mại của Ấn Độ trong cùng khoảng thời gian giảm từ 3% xuống còn 2%.

Theo dự kiến, vào ngày sinh nhật của mình hôm 17/9, Thủ tướng Modi sẽ mời ông Tập Cận Bình tới thăm quê ở bang Gujarat.

Khi Thủ tướng Ấn Độ Ôn Gia Bảo thăm Ấn Độ vào năm 2010, các công ty Trung Quốc đã ký các thỏa thuận tổng trị giá 16 tỷ USD với các đối tác Ấn Độ, trong đó có một thỏa thuận 8,3 tỷ USD bán các lò nhiệt điện của công ty Shanghai Electric Group cho tập đoàn Reliance Power.