Ông Tập có thể không tới Davos, bỏ lỡ cơ hội gặp ông Trump
Nguồn thạo tin nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không dự sự kiện thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không có kế hoạch tham dự chuỗi sự kiện thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự kiến diễn ra ở Davos, Thụy Sỹ vào tháng 1/2020 - hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho hay.
Như vậy, khả năng diễn ra một cuộc gặp trực tiếp giữa ông Tập với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Davos đã bị loại bỏ.
Nguồn tin đề nghị không tiết lộ danh tính nói rằng Bắc Kinh vẫn có kế hoạch cử Phó thủ tướng Lưu Hạc, nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Trung Quốc, tới Washington để ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ-Trung vào đầu tháng 1.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã nói rằng thỏa thuận dài 86 trang có thể sẽ được ký bởi ông và ông Lưu - nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Trung Quốc - trong tháng 1. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 19/12 xác nhận thỏa thuận sẽ được ký vào đầu tháng 1/2020.
Chuỗi sự kiện của WEF dự kiến sẽ kéo dài từ ngày 21 đến ngày 24/1/2020 tại Davos, thị trấn nghỉ dưỡng trên dãy núi Alps của Thụy Sỹ. Sự kiện kết thúc đúng vào ngày Trung Quốc bắt đầu đón Tết Nguyên đán. Trước Tết cổ truyền hàng năm, ông Tập thường đi thăm và chúc tết các địa phương trên cả nước - một truyền thống của các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ đầu thập niên 1990.
Giới chức Mỹ tiết lộ rằng ông Trump dự kiến sẽ tới Davos dự chuỗi sự kiện của WEF 2020, sau khi bỏ qua diễn đàn này vào đầu 2019. Lần đầu tiên ông Trump dự WEF trên cương vị Tổng thống Mỹ là vào năm 2018.
Cho tới nay, ông Tập mới có một lần duy nhất dự sự kiện của WEF ở Davos, đó là vào năm 2017, với bài phát biểu đề cao thương mại toàn cầu và chủ nghĩa đa phương ngay trước lễ nhậm chức của ông Trump.
Những hoạt động chuẩn bị diễn ra ở Davos sẽ là sự kiện thường niên lần thứ 50 của WEF và mang chủ đề "Stakeholders for a Cohesive and Sustainable World" (tạm dịch: "Các bên nắm giữ lợi ích trong một thế giới gắn kết và bền vững").
Dự kiến sẽ có 3.000 đại biểu tới Davos để dự sự kiện này, bao gồm các lãnh đạo quốc gia và doanh nghiệp trên khắp thế giới. Nội dung của các cuộc thảo luận trong khuôn khổ diễn đàn sẽ tập trung vào việc thúc đẩy các mục tiêu cải thiện xã hội, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường - một thông cáo báo chí mới đây của WEF cho hay.
Chủ đề của sự kiện WEF tại Davos 2020 được cho là trái ngược với chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump. Trong khi WEF đặt mục tiêu "tạo cầu nối để giải quyết xung đột tại các điểm nóng trên toàn cầu", ông Trump là người đã "gây chiến" về thương mại với nhiều đối tác của Mỹ kể từ khi lên cầm quyền. Không chỉ châm ngòi thương chiến Mỹ-Trung, ông Trump còn dọa áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ các nước châu Âu, đặc biệt là mặt hàng ôtô.
Chính quyền ông Trump cũng cản trở việc bổ nhiệm một số vị trí mới trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), theo đó làm suy yếu quyền lực của định chế này trong việc giải quyết tranh chấp thương mại.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Nhà Trắng đã đạt một số bước tiến quan trọng về thương mại, bao gồm đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ-Trung và đạt nhất trí với phe Dân chủ trong Hạ viện về thúc đẩy thỏa thuận thay thế Hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA).