07:47 14/02/2025

Ông Trump áp thuế quan có đi có lại, tuyên bố sẽ có thêm thuế quan mới

An Huy

“Họ áp thuế quan và thuế khác lên chúng tôi, và chúng tôi đánh thuế lại họ”, ông Trump nói...

Ông Trump ký biên bản ghi nhớ về áp thuế quan có đi có lại, ngày 13/2 tại Nhà Trắng - Ảnh: Reuters.
Ông Trump ký biên bản ghi nhớ về áp thuế quan có đi có lại, ngày 13/2 tại Nhà Trắng - Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/2 ký một biên bản ghi nhớ vạch ra kế hoạch áp “thuế quan có đi có lại” lên các quốc gia khác.  Ông cũng phát tín hiệu sắp công bố một loại thuế quan mới.

“Họ áp thuế quan và thuế khác lên chúng tôi, và chúng tôi đánh thuế lại họ”, ông Trump nói tại một cuộc họp báo tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Ông cho biết theo kế hoạch này, Mỹ sẽ coi các hàng rào thương mại phi thuế quan của các quốc gia khác là các hành vi thương mại không bình đẳng cần được đáp trả bằng thuế quan.

Các hàng rào đó bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) và các hành vi khác mà Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) xác định là hạn chế thương mại không bình đẳng. Ông Trump cũng nói các quốc gia khác sẽ không được phép tuồn hàng hóa qua quốc gia thứ ba rồi mới vào Mỹ nhằm mục đích né thuế quan.

Ngoài ra, người đứng đầu Nhà Trắng hé lộ rằng thuế quan mới, bao gồm thuế đánh vào ô tô nhập khẩu, sắp được đưa ra. “Chúng tôi muốn một sân chơi bình đẳng”, ông Trump nói.

VAT là một dạng thuế tiêu thụ được đánh ở các giai đoạn khác nhau của chuỗi cung ứng và thuế này “trung tính về mặt thương mại” - tổ chức phi đảng phái Tax Foundation viết trong một báo cáo hôm thứ Tư cáo buộc chính quyền Trump sai lầm khi cho rằng VAT là nguyên nhân khiến hàng hóa Mỹ suy giảm sức cạnh tranh ở châu Âu.

Thuế quan có đi có lại của ông Trump sẽ không có hiệu lực ngay lập tức. Ông Trump cho biét ông Howard Lutnick, người được đề cử vào cương vị Bộ trưởng Bộ Thương mại trong chính quyền mới, sẽ chỉ đạo việc nghiên cứu để xác định mức thuế quan như thế nào là phù hợp với từng quốc gia cụ thể.

Theo ông Lutnick, Nhà Trắng yêu cầu ông hoàn tất việc nghiên cứu này trước ngày 1/4.

Trong một bài viết đăng trên mạng xã hội Truth Social sau khi công bố thuế quan có đi có lại, ông Trump nói kế hoạch của ông sẽ bao gồm các điều khoản về “trợ cấp” và “thuế quan phi tiền tệ và hàng rào thương mại” mà các quốc gia khác triển khai. “Mỹ đã giúp nhiều quốc gia trong suốt nhiều năm, với phí tổn lớn về mặt tài chính. Giờ là lúc các quốc gia đó hãy ghi nhớ điều này, và đối xử bình đẳng với chúng tôi”, ông viết.

Trước khi đưa ra kế hoạch thuế quan có đi có lại, ông Trump đã áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, Canada, Mexico và toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Thuế quan đối với Canada và Mexico đang được hoãn vì hai nước này đã hứa sẽ tăng cường trấn áp hoạt động vượt biên trái phép và buôn lậu chất gây nghiện qua biên giới mỗi nước vào Mỹ. Thuế quan thép và nhôm sẽ có hiệu lực từ ngày 12/3, trong khi thuế quan áp lên hàng Trung Quốc đã có hiệu lực từ vào đầu tháng 2 này.

Khi còn là ứng cử viên tổng thống Mỹ, ông Trump đã đề ra ý tưởng áp thuế quan phủ khắp lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi Quốc hội thông qua điều mà ông gọi là “Đạo luật Thuế quan có đi có lại Trump” để trao cho ông thẩm quyền áp thuế quan lên hàng hóa của bất kỳ quốc gia nào có thuế quan cao hơn đánh vào hàng hóa Mỹ so với thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa nước đó.

Sau khi lên cầm quyền, ông Trump đã phát tín hiệu sẽ áp thuế quan lên hàng hóa Liên minh châu Âu (EU). Ông cũng nhấn mạnh tình trạng thâm hụt thuơng mại của Mỹ với các nước châu Âu và phàn nàn rằng các nước châu Âu không mua đủ hàng hóa Mỹ như ô tô hay thiết bị nông nghiệp.

Nguồn: Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)/Reuters.
Nguồn: Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)/Reuters.

Về phần mình, các nhà lãnh đạo EU đã thề sẽ trả đũa nếu bị ông Trump áp thuế quan mới, đồng thời cảnh báo các động thái thuế quan của ông Trump có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh thương mại trên diện rộng, gây tổn thất cho tất cả các bên.

Đối tượng của thuế quan có đi có lại mà ông Trump vừa công bố bao gồm cả Trung Quốc và các đồng minh thân cận của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Giới phân tích nhận định việc thuế quan này chưa được áp ngay lập tức có vẻ là một cánh cửa cho đàm phán giữa Mỹ với các quốc gia.

Nguồn tin là quan chức Nhà Trắng nói với hãng tin Reuters rằng ông Trump sẵn sàng hạ thuế quan nếu các quốc gia khác cũng làm như vậy. Thuế quan mới sẽ tránh tình trạng “một mức thuế cho tất cả”, mà đưa ra mức thuế đối với từng quốc gia - vị này cho biết nhưng cũng không phủ nhận khả năng áp một mức thuế chung cho toàn cầu.

“Thật tốt là chính quyền Mỹ chưa vội áp thuế quan mới ngay. Chúng tôi hoan nghênh cách tiếp cận cẩn trọng và liên ngành hơn của Tổng thống. Quy trình này sẽ dẫn tới việc Mỹ đàm phán với các đối tác thương mại để các nước hạ thuế quan và hàng rào thương mại của họ xuống, thay vì Mỹ chỉ tăng thuế quan của riêng mình”, Phó chủ tịch phụ trách thương mại toàn cầu của Hội đồng Ngoại thương Mỹ (NFTC), bà Tiffany Smith, nói với Reuters.