10:37 11/05/2025

Ông Trump lạc quan sau ngày đầu tiên của đàm phán Mỹ - Trung

An Huy

“Một cuộc gặp rất tối đẹp đã diễn ra ngày hôm nay với phía Trung Quốc, tại Thụy Sỹ", ông Trump cho biết...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ sự lạc quan sau ngày đầu tiên của cuộc gặp giữa các nhà đàm phán thương mại cấp cao Mỹ và Trung Quốc ở Thụy Sỹ vào thứ Bảy (10/5), nói rằng hai bên đã đàm phán về “một sự thiết lập lại hoàn toàn… theo một phương thức thân thiện và mang tính xây dựng” - hãng Reuters đưa tin.

“Một cuộc gặp rất tối đẹp đã diễn ra ngày hôm nay với phía Trung Quốc, tại Thụy Sỹ. Nhiều thứ đã được thảo luận, nhiều thứ cũng đã được nhất trí”, ông Trump cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social.

“Vì lợi ích của cả Trung Quốc và Mỹ, chúng tôi muốn chứng kiến Trung Quốc mở cửa cho doanh nghiệp Mỹ. Đã có tiến bộ lớn!” ông viết nhưng không nói cụ thể hơn.

Trước đó, các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đã khép lại ngày đàm phán đầu tiên tại Geneva nhằm xuống thang cuộc chiến thương mại đe dọa gây thiệt hại lớn không chỉ đối với nền kinh tế hai nước mà đối với cả kinh tế toàn cầu. Theo dự kiến, đàm phán sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày Chủ nhật (11/5) - theo tiết lộ của nguồn thạo tin với Reuters.

Cuộc gặp kéo dài khoảng 8h đồng hồ đã diễn ra giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer với Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong. Đây là cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa hai nước kể từ khi ông Trump áp thuế quan 145% lên hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế 125% đối với hàng hóa Mỹ. Những thuế quan này khiến hoạt động thương mại có trị giá gần 600 tỷ USD hàng năm giữa hai nước có nguy cơ rơi vào ngưng trệ.

Sau ngày gặp đầu tiên, cả hai bên đều không đưa ra tuyên bố nào về nội dung thảo luận hay phát tín hiệu nào về khả năng giảm thuế quan.

Ông Trump coi việc áp thuế quan mạnh tay là cách tốt để giảm thâm hụt thương mại hàng hóa 295 tỷ USD mà Mỹ có với Trung Quốc hàng năm, đồng thời gây áp lực để Trung Quốc từ bỏ điều mà Mỹ cho là mô hình kinh tế trọng thương và đóng góp nhiều hơn vào tiêu dùng toàn cầu - một sự thay đổi đòi hỏi Bắc Kinh phải tiến hành nhiều cải cách trong nước.

Về phần mình, Bắc Kinh phản đối hành động thuế quan của Mỹ, xem đây là một sự can thiệp từ bên ngoài. Trung Quốc muốn Mỹ hạ thuế quan đã áp, nói rõ Mỹ muốn Trung Quốc mua thêm hàng hóa gì của Mỹ, và đối xử bình đẳng với Trung Quốc.

Một bài viết của thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã ngày 10/5 nói rằng việc Mỹ “lạm dụng thuế quan một cách bất cẩn” đã gây ra sự mất ổn định trong trật tự kinh tế toàn cầu, nhưng nói thêm rằng đàm phán đang diễn ra là “một bước đi tích cực và cần thiết để giải quyết những bất đồng và tránh leo thang thêm căng thẳng”.

“Dù chặng đường phía trước sẽ là đàm phán hay đối đầu, có một điều rõ ràng: quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ các lợi ích phát triển của mình là không thể lay chuyển, và lập trường của Trung Quốc trong việc bảo vệ trật tự kinh tế và thương mại toàn cầu là không dao động”, bài viết của Tân Hoa Xã có đoạn.

Hôm thứ Sáu, ông Trump nói mức thuế quan 80% đối với hàng hóa Trung Quốc “có vẻ là hợp lý”. Đây là lần đầu tiên ông đưa ra một con số cụ thể về việc có thể giảm thuế quan cho Trung Quốc sau khi mức thuế 145% được áp.

Ông Trump có có ý nói rằng phía Trung Quốc đề xuất cuộc gặp này. Trong khi đó, Bắc Kinh nói phía Mỹ đã đề nghị gặp và lập trường của Trung Quốc phản đối thuế quan Mỹ là không hề thay đổi.

Theo giới phân tích, Trung Quốc có thể đang tìm kiếm một giai đoạn hoãn thuế quan 90 ngày như Mỹ dành cho các quốc gia khác trong thời gian đàm phán diễn ra. Bất kỳ động thái giảm thuế hay kế hoạch tiếp tục đàm phán nào cũng sẽ được các nhà đầu tư xem là bước đi tích cực.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Thụy Sỹ Guy Parmelin đã gặp các quan chức thương mại của Mỹ và Trung Quốc tại Geneva vào ngày thứ Sáu và nói rằng việc cuộc gặp được tổ chức đã là một thành công. “Nếu hai bên đạt được một lộ trình và tiếp tục đàm phán, căng thẳng sẽ giảm”, ông Parmelin nói với báo giới và cho biết các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục trong ngày Chủ nhật hoặc thậm chí là ngày thứ Hai.

Thụy Sỹ đã đứng ra dàn xếp cuộc gặp này của giới chức Mỹ và Trung Quốc thông qua các chuyến thăm gần đây của các chính trị gia Thụy Sỹ tới Trung Quốc và Mỹ, Reuters cho hay.