Ông Trump “nổi đóa” vì bị lãnh đạo G7 chỉ trích về thương mại
Trong lịch sử 42 năm của G7, chưa khi nào khối này rơi vào tình trạng chia rẽ lớn như hiện nay
Lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần này ở Canada với sự chia rẽ lớn hơn bao giờ hết trong lịch sử 42 năm của khối, khi chính sách "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump đặt ra nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu và những vết rạn nứt ngoại giao khó hàn gắn - Reuters cho hay.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - người đã có nhiều nỗ lực để xây dựng mối quan hệ cá nhân gần gũi với ông Trump - nói rằng Anh, Canada, Đức, Italy, Nhật Bản và Pháp vẫn sẽ giữ thái độ lịch sự và làm việc hiệu quả tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày thứ Năm và thứ Sáu tại Quebec.
Tuy nhiên, ông Macron cảnh báo "không có nhà lãnh đạo nào là mãi mãi" - một tín hiệu cho thấy châu Âu không dễ dàng chấp nhận những gì mà ông Trump áp đặt.
"Có thể Tổng thống Mỹ không quan tâm đến việc bị cô lập, chúng tôi cũng không ngại việc chỉ có 6 nước với nhau, nếu cần phải như thế", ông Macron nói với các nhà báo. "Bởi vì 6 quốc gia này đại diện cho các giá trị, đại diện cho nền kinh tế thị trường, và hơn hết đại diện cho một lực lượng thực sự trên trường quốc tế hiện nay".
Trong nỗ lực phục hồi sức mạnh của nền công nghiệp Mỹ, ông Trump đã áp thuế quan mạnh tay lên thép và nhôm nhập khẩu, bao gồm từ các đồng minh chủ chốt trong G7 là Canada, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Ông cũng cảnh báo sẽ dùng luật an ninh quốc gia để áp thuế quan lên xe hơi nhập khẩu. Ông đã rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran, đều là những thỏa thuận mà các nước G7 khác ủng hộ.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau dự báo sẽ có những cuộc thảo luận căng thẳng về thương mại tại thượng đỉnh G7 lần này. Tuy nhiên, một số thành viên như Nhật Bản và Italy có vẻ lưỡng lự trong việc thách thức Tổng thống Mỹ.
Không chờ lâu sau khi nghe những lời chỉ trích của lãnh đạo Pháp và Canada, ông Trump đã lên mạng xã hội Twitter bày tỏ sự giận dữ. Ông cáo buộc Pháp và Canada "áp thuế cao ngất ngưởng" lên hàng hóa Mỹ và dựng các hàng rào thương mại khác.
"Làm ơn nói với Thủ tướng Trudeau và Tổng thống Macron rằng họ đang đánh thuế cao ngất ngưởng hàng Mỹ và tạo ra những hàng rào phi thuế quan. Thặng dư thương mại của EU với Mỹ là 151 tỷ USD, còn Canada thì khiến nông dân Mỹ không thể tiếp cận thị trường của họ", ông Trump chỉ trích.
"Tôi mong đến lúc gặp họ vào ngày mai", ông viết vào tối ngày thứ Năm theo giờ Washington.
Trong một dòng trạng thái (tweet) khác, ông Trump phê phán ông Trudeau về ngành công nghiệp sữa, cho rằng Canada đang "giết chết" nền nông nghiệp Mỹ.
"Thủ tướng Trudeau đang rất bực… nhưng ông ấy không hề nhắc đến chuyện họ (Canada) đánh thuế 300% đối với sữa Mỹ, gây tổn thất cho nông dân Mỹ, giết chết nền nông nghiệp Mỹ", ông Trump viết.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Nhà Trắng vào ngày thứ Năm, ông Trump đã phát tín hiệu rằng ông không có tâm trạng thỏa hiệp vào thời điểm hiện nay.
Trong cuộc gặp này, ông Trump đã đề cập với ông Abe vấn đề nhập khẩu ô tô Mỹ vào Nhật, và nói Mỹ muốn các hãng xe Nhật đầu tư thêm để mở nhà máy tại các bang công nghiệp của Mỹ như Michigan, Pennsylvania và Ohio.