Ông Trump tuyên bố “chờ xem” về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều
Nếu cuộc gặp bị hủy, ông Trump mất đi cơ hội đạt một thành tựu chính sách đối ngoại lớn
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/5 thừa nhận rằng chưa rõ liệu cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có diễn ra đúng dự kiến, sau khi Bình Nhưỡng dọa hủy cuộc gặp lịch sử này - một động thái có thể tước đi của ông Trump cơ hội đạt một thành tựu chính sách đối ngoại lớn.
"Chúng tôi phải chờ xem", ông Trump nói với các nhà báo tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, đồng thời khẳng định sẽ không từ bỏ yêu cầu Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa. "Chưa có quyết định gì cả, chúng tôi chưa được báo tin, chưa nghe, chưa thấy gì hết".
Trước đó, Triều Tiên dọa sẽ hủy cuộc gặp thượng đỉnh nếu Washington tiếp tục đòi Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, Triều Tiên cũng hủy cuộc đàm phán cấp cao vào Hàn Quốc vào ngày thứ Tư, đổ lỗi cho cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn là hành động gây hấn.
Mới chỉ cách đây vài ngày, ông Trump còn rất hào hứng trước việc Triều Tiên trả tự do cho 3 công dân Mỹ. Ông đánh giá cao động thái này của Triều Tiên và bày tỏ hy vọng lớn rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ mang lại "điều gì đó rất ý nghĩa".
Theo nguồn tin giới chức Mỹ, các trợ lý của ông Trump đã rất bất ngờ trước lời cảnh báo mà Triều Tiên đưa ra và đang cố gắng xác định xem đây là một chiến thuật đàm phán của Bình Nhưỡng hay là một hành động nhằm phá hỏng cuộc gặp thượng đỉnh.
Nếu cuộc gặp bị hủy, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của ông Trump nhằm đạt thành tựu chính sách đối ngoại lớn nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Điều này diễn ra đúng lúc việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, và việc ông dời đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem đã thổi bùng bạo lực trên dải Gaza.
Ông Trump đã đặt ra nhiều kỳ vọng về cuộc gặp với ông Kim Jong Un, dù nhiều nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ về cơ hội đạt thỏa thuận, bởi vấn đề nằm ở chỗ liệu Triều Tiên có thực sự sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Nhà Trắng ngày 16/5 tuyên bố vẫn hy vọng cuộc gặp sẽ diễn ra, những ông Trump đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đàm phán khó khăn.
"Tổng thống có sự chuẩn bị sẵn sàng nếu cuộc gặp được tiến hành", phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói với Fox News. "Nếu cuộc gặp không diễn ra, chúng tôi sẽ tiếp tục gây áp lực tối đa với Triều Tiên".
Theo một số nhà phân tích và quan chức Mỹ, Triều Tiên có thể đang thử mức độ sẵn sàng của ông Trump trong việc giảm bớt yêu cầu đối với Bình Nhưỡng, đặc biệt là yêu cầu phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tại cuộc gặp thượng đỉnh.
Ngoài ra, Triều Tiên có thể cũng đang nhằm vào sự khác biệt quan điểm giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, một người theo phái "diều hâu", và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, một người có lập trường mềm mỏng hơn.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan ngày 16/5 đã ra một tuyên bố phản đối mạnh mẽ phát biểu trước đó của ông Bolton rằng có thể áp dụng mô hình phi hạt nhân hóa của Libya đối với Triều Tiên. Mô hình này chắc chắn vấp phải sự phản đối của Bình Nhưỡng, xét đến số phận của bộ máy cầm quyền Libya.
Về phần mình, ông Pompeo - người đã có 2 lần thăm Triều Tiên và gặp ông Kim Jong Un gần đây - hứa rằng Triều Tiên sẽ được hưởng lợi ích kinh tế, bao gồm vốn đầu tư của Mỹ, nếu nhất trí phi hạt nhân hóa.
Tuy vậy, tuyên bố của ông Kim Kye Gwan đã gạt bỏ lời hứa của ông Pompeo, nói rằng Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy thương mại với Mỹ.