12:04 13/11/2013

Ông Vũ Đức Đam: Từ “Sao Khuê công nghệ” đến “Sao Mai chính trường”

Nghệ Nhân

Góc nhìn của VnEconomy về tân Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Ông Vũ Đức Đam nhận giải thưởng Sao Khuê về công nghệ thông tin, năm 2010.
Ông Vũ Đức Đam nhận giải thưởng Sao Khuê về công nghệ thông tin, năm 2010.
“Tôi đề xuất rằng chúng ta nên có một hộp thư điện tử, anh em có gì muốn hỏi hay thắc mắc thì cứ gửi vào đó, vừa nhanh vừa tiện”.

Cuối năm 2012, trong cuộc tiếp xúc báo giới với tư cách là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Vũ Đức Đam đã đưa ra ý tưởng này như là một cách để tăng cường “tương tác” giữa cá nhân ông cũng như Văn phòng Chính phủ với báo giới.

Khó biết được là ở thời điểm đó, trong chiến lược nhân sự của Đảng và Nhà nước, “kế hoạch Vũ Đức Đam” đã được chuẩn bị đến đâu. Nhưng, từ phía cá nhân ông Vũ Đức Đam, thông điệp và hình ảnh về một chính khách cởi mở và yêu thích công nghệ đã được gầy dựng trong cảm nhận của đông đảo nhà báo theo dõi về nội chính.

“Sao Khuê công nghệ”


Khi được xướng tên trong lễ trao giải thưởng Sao Khuê về công nghệ thông tin năm 2010, cũng có không ít người băn khoăn về việc giải thưởng cá nhân quan trọng về công nghệ này được trao cho một bí thư tỉnh ủy thì liệu có hợp lý, giữa lúc rất nhiều cá nhân khác cũng có nhiều thành tích rất đáng chú ý?

Nhưng với những người trong cuộc, lựa chọn này không chỉ xứng đáng về mặt chuyên môn mà còn bao hàm ý nghĩa về một thông điệp: còn gì thú vị hơn khi công nghệ thông tin được đơm hoa trong chính hệ thống chính trị - hành chính, vốn lâu nay vẫn được biết đến như là thành trì bảo thủ của giấy tờ, thủ tục nhiêu khê?

Ông Vũ Đức Đam về làm Phó bí thư, Chủ tịch rồi Bí thư kiêm Chủ tịch Quảng Ninh vào năm 2008. Với kiến thức và trải nghiệm dạn dày trong lĩnh vực công nghệ thông tin trước đó, ông đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh về một “lãnh đạo không bàn giấy”. Mọi công việc đều được ông giải quyết chủ yếu qua máy tính, và tinh thần ấy đã được truyền dần sang các cấp lãnh đạo khác.

Hồ sơ của giải thưởng Sao Khuê ghi nhận rằng trong giai đoạn đó, ông Vũ Đức Đam đã “chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện và thiết thực”. Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên tổ chức họp trực tuyến đến tất cả các huyện, xã, và vị lãnh đạo cao nhất tỉnh đã “làm việc trong một “văn phòng không giấy tờ”. Mọi việc điều hành quản lý công việc phần lớn cũng đã được thực hiện bằng công nghệ thông tin.

Từ năm 2008, với cương vị là Trưởng ban Chỉ đạo Phát triển công nghệ thông tin của tỉnh Quảng Ninh, ông Vũ Đức Đam đã hoạch định, chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp. Đến 2010, 100% sở ban ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố đã được đầu tư xây dựng hệ thống mạng nội bộ (LAN); 100% máy tính tại các điểm này được kết nối Internet; hệ thống truyền hình trực tuyến của tỉnh được triển khai tại 23 điểm từ tỉnh xuống cơ sở, trong đó đang triển khai đến cấp xã, đặc biệt là các xã vùng xa, hải đảo…

Trong khi những cán bộ, chuyên viên các cấp của Quảng Ninh phải làm quen dần với e-mail và cách thức báo cáo qua mạng, những người am hiểu về công nghệ thông tin hiểu rằng “công nghệ hóa” hoạt động hành chính là xu hướng không thể cưỡng lại. Khi “chính phủ điện tử” đã là thứ quen thuộc ở nhiều nước, trong khi vẫn còn mơ hồ ở Việt Nam. Không có cách nào khác, xây dựng phải từ dưới lên, từ bộ phận tới tổng thể.

Trong bối cảnh đó, vinh danh một người có trải nghiệm sâu sắc về công nghệ khi từng là một trong những nhân vật có nhiều đóng góp trong sự phát triển Internet tại Việt Nam, đón dòng đầu tư của Intel, Foxcom, Microsoft, tiếp đón Bill Gates… là một sự lựa chọn phù hợp.

Cũng cần nhắc lại, trước đó với tư cách Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, ông Đam đã được đánh giá là một lãnh đạo có tầm nhìn, luôn đồng hành và rất cởi mở với cộng đồng công nghệ thông tin cũng như đã để lại dấu ấn trong việc xây dựng, tăng cường mối quan hệ hợp tác với các đối tác chiến lược của ngành công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam.

“Sao Mai chính trường”


Phó thủ tướng Vũ Đức Đam được bổ nhiệm ở tuổi 50, một “kỷ lục” mới về độ tuổi của chính khách hiện nay, sau kỷ lục từng được xác lập bởi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vào năm 2007.

Có thể gọi ông Vũ Đức Đam là “Sao Mai chính trường” một phần vì khía cạnh thú vị này. Suy cho cùng, trong mọi lĩnh vực của đời sống trong đó có chính trị, việc ghi dấu ấn ở độ tuổi trẻ hơn những người khác là một thành quả đáng nể phục: nó cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ trước đó, và đồng thời mở ra nhiều hơn những cơ hội khác sau này.

Cho dù là một “con người công nghệ”, trải nghiệm từ quá trình làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng là một điểm nhấn quan trọng trên hành trình thăng tiến của tân Phó thủ tướng. Như chính ông từng thừa nhận khi còn ở Quảng Ninh, rằng “ở tỉnh vừa có biển, vừa có núi, vừa có mỏ, vừa có du lịch, vừa phải bảo vệ biên giới vừa gánh trọng trách phát triển kinh tế…, tôi có bao nhiêu công việc phải làm, bao nhiêu ngành cần quan tâm. Tôi đâu thể làm tốt nếu chỉ nghĩ đến phát triển công nghệ thông tin”.

Điều này càng được thể hiện nhiều hơn khi ông trở thành Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Liên tục trong hai năm qua, các cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ đều đã được ông Đam điều hành khá “trơn tru”, với khả năng bao quát các vấn đề, trả lời đầy đủ và chừng mực, nhất là trong những thời điểm công luận đang “sốt xình xịch”, như hồi xảy ra vụ cưỡng chế đất đai Tiên Lãng hay gần đây là các bức xúc về y đức.

Đôi mắt sáng, ngôn từ thông minh và ít nhiều hóm hỉnh, ông Đam đã giành được khá nhiều thiện cảm của báo giới, cho dù khi đứng trên bục phát biểu chính thức hay khi đang trao đổi vui vẻ ngoài hành lang.

Khi đón tiếp Bill Gates vào tháng 4/2006, trong cuộc trò chuyện với báo chí về nhà tỷ phú số một thế giới, ông Vũ Đức Đam từng nói rằng, “chắc Bill Gates cũng như ông và nhiều bạn khác đều mong muốn mình vượt lên được khỏi những “giấc mơ con” để sống một cuộc sống thật ý nghĩa, để đóng góp nhiều nhất có thể cho những giá trị lớn lao hơn”.

“Không nhất thiết cứ phải trở thành Bill Gates hay lãnh đạo. Mỗi người đều có giá trị của mình. Giá trị đó không đơn thuần đo đếm hay tỉ lệ với sự nổi tiếng, tài sản hay địa vị. Tất nhiên, nhiều khi có những điều đó thì người ta có điều kiện đóng góp tốt hơn. Nhưng hãy coi đó chỉ như phương tiện chứ đừng đặt ra như mục đích. Tôi chỉ muốn nói với các bạn rằng hãy có hoài bão và quyết tâm với hoài bão của mình”, ông Đam nói.

Sau 7 năm, phát biểu đầy ý nghĩa này hiện vẫn còn được nhiều tờ báo lưu lại. Nhưng “quyết tâm và hoài bão” của vị tiến sĩ năm nào, đã và đang có một cung bậc và màu sắc mới.

Vài năm gần đây, ông Đam vẫn xỏ giày đá bóng cuối tuần mỗi khi rảnh rỗi. Tân Phó thủ tướng vẫn giữ được phong thái nhanh nhẹn trên sân cỏ. Những người gần ông nhận xét, đôi khi nhìn ông gần gũi như hình ảnh một giảng viên trẻ trên giảng đường đại học.

Cảm nhận tươi mới về một chính khách trẻ trung, cởi mở, yêu và giỏi công nghệ đang là ấn tượng đậm nét không chỉ với báo giới mà còn với đông đảo người dân. Những bài viết về chân dung ông Vũ Đức Đam, cũng như tân Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng trong nhiều ngày qua, đặc biệt trên các báo điện tử. Chính trị, như thường lệ, vẫn giành được sự quan tâm đặc biệt của công chúng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo còn nhiều khó khăn phía trước!