16:25 06/09/2008

OPEC "bối rối" chuyện khai thác dầu

Mai Vân

Việc giá dầu đi xuống và nhu cầu dầu của thế giới tăng chậm lại đang khiến OPEC khó ra quyết định về sản lượng khai thác

Một số nhà phân tích còn cho rằng, có thể OPEC đã hạn chế sự đi xuống của giá dầu bằng cách bí mật giảm sản lượng.
Một số nhà phân tích còn cho rằng, có thể OPEC đã hạn chế sự đi xuống của giá dầu bằng cách bí mật giảm sản lượng.
Việc giá dầu liên tục giảm trong thời gian gần đây là một tin vui đối với người tiêu dùng trên khắp thế giới, và là một thông tin lạc quan hiếm hoi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc.

Nhưng đối với các nước sản xuất dầu vốn đã quen với doanh thu ngày càng tăng từ nguồn tài nguyên này, đây đúng là một tin xấu.
Chốt phiên ngày 4/9 tại New York ở mức 107,89 USD/thùng, thấp nhất trong vòng 5 tháng qua, giá dầu dường như đang lùi dần về mốc 100 USD/thùng. Sự trượt dốc này diễn ra ngay trước khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) nhóm họp tại Vienna, Áo vào ngày 9/9 tới.

Hai quan điểm trong OPEC

Venezuela và Iran, hai nước có quan điểm cứng rắn về giá dầu trong OPEC, cho biết, họ không muốn giá dầu tụt dưới ngưỡng 100 USD/thùng - mức giá mà Bộ trưởng Dầu lửa Iran mới đây gọi là mức giá “tối thiểu”. Cả hai nước này đều phát đi những tín hiệu rằng OPEC cần giảm sản lượng để ngăn giá dầu khỏi tụt sâu hơn.

Các thành viên khác của OPEC như Algeria và Kuwait lo ngại rằng giá dầu cao có thể khiến hoạt động xuất khẩu dầu gặp khó giữa lúc kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và người tiêu dùng cũng hạn chế sử dụng năng lượng. Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, vẫn chưa đưa ra quan điểm của mình về việc giá dầu thế nào là hợp lý, mặc dù nhà vua Abdullah của nước này từng cho rằng, giá dầu 100 USD/thùng là quá cao.

"Giữa các nước OPEC tồn tại một sự chia cát quan điểm rõ rệt. Một số nước muốn giữ giá dầu cao, như Iran và Venezuela, còn một số khác muốn giá dầu hạ xuống mức không làm cho nhu cầu của thế giới bị ảnh hưởng, như Saudi Arabia", ông Brad Bourland, kinh tế gia trưởng của công ty Jadwa Investments, nhận xét.

Do đó, đối với những người đứng đầu OPEC, việc giải quyết vấn đề giá dầu đi xuống trong cuộc họp sắp tới tại Vienna thực sự là một nhiệm vụ khó khăn. Giảm sản lượng để ngăn chặn giá giảm có thể dẫn tới sự phản đối mạnh mẽ của các nước nhập khẩu dầu và biến hình ảnh OPEC trở thành một tổ chức tham lam và có tầm nhìn ngắn. Nhưng nếu không thay đổi sản lượng, giá dầu sẽ còn tiếp tục giảm sâu hơn vì tăng trưởng nhu cầu dầu của thế giới hiện đang chậm lại.

“Tín hiệu mà OPEC quan tâm nhất là giá dầu”, chuyên gia Michael Wittner, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường dầu tại London của ngân hàng Societe General nhận xét. Ông nói: “OPEC đang ở trong trạng thái tiến thoái lưỡng nan. Nếu giá dầu quá cao, nhu cầu tiêu thụ sẽ giảm thêm. Nhưng cùng lúc, họ cũng nhận thấy kinh tế thế giới đang yếu đi và cho rằng, thế giới không cần thêm dầu vào lúc này”.

Tình hình thời tiết xấu trên Đại Tây Dương dường như đang có tác động ít hơn đối với giá dầu. Cơn bão Gustav vừa qua khiến sản lượng dầu ngoài khơi của Mỹ trên Vịnh Mexico bị cắt giảm trong vài ngày, nhưng vẫn không thể cản lại sự trượt dốc của giá dầu. Ba cơn bão nhiệt đới mới đang hình thành trên Đại Tây Dương cũng chưa chắc có thể khiến giá dầu tăng trở lại.

Tuy nhiên, so với trước đây, giá dầu hiện vẫn ở mức cao. Mặc dù đã giảm so với kỷ lúc 147,27 USD/thùng vào ngày 11/7, giá dầu hiện vẫn tăng 12% so với thời điểm đầu năm. Trong 5 năm qua, giá dầu đã tăng gấp hơn 4 lần.

Các nước sản xuất dầu đã dần quen với những mức giá cao này - một nhân tố quan trọng giúp tạo ra sự phát triển kinh tế bùng nổ chưa từng có ở Trung Đông, Nga và Nam Mỹ thời gian qua. Các nước sở hữu nguồn tài nguyên “vàng đen” lớn đang dựa vào nguồn doanh thu từ những mỏ dầu để phát triển các ngành công nghiệp mới và thúc đẩy kinh tế phát triển. Những ngôi nhà chọc trời, những thành phố mới đang mọc lên như nấm trên khắp Trung Đông.

Theo ước tính của Bộ Năng lượng Mỹ, năm nay, kim ngạch xuất khẩu của OPEC sẽ vượt mức 1.000 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm nay, nhóm này đã thu về 647 tỷ USD từ xuất khẩu dầu, xấp xỉ với mức doanh thu của năm ngoái.

Tuy nhiên, mọi việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ cho OPEC. Nhu cầu dầu tại Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của khối này, đã giảm khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày do giá dầu cao. Cuộc khủng hoảng tín dụng tại Mỹ đã rộng tới châu Âu, đồng thời ảnh hưởng tới châu Á, nền kinh tế được coi là đầu tàu chính trong tăng trưởng nhu cầu dầu lửa của thế giới. Thêm vào đó, quý 3 hàng năm thường là khoảng thời gian mà các nhà máy lọc dầu cần ít dầu hơn do phải đóng cửa để thực hiện công tác bảo trì thường niên.

Tại một cuộc họp mới đây giữa các nước sản xuất và tiêu thụ dầu tại Jidda, Saudi Arabia cam kết sẽ thêm dầu để kéo giá xuống. Saudi Arabia là nước sản xuất dầu lớn nhất trong OPEC, đồng thời là lãnh đạo không chính thức của khối này. Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng, Saudi Arabia nhận thấy rằng nếu họ duy trì sản lượng ở mức hiện nay, thị trường sẽ thừa mứa dầu. Hiện sản lượng dầu của Saudi Arabia cao hơn so với hạn ngạch chính thức của nước này khoảng 600.000 thùng/ngày.

Các lựa chọn của OPEC

Một số nhà phân tích tin rằng, OPEC có thể lựa chọn biện pháp cắt giảm sản lượng không chính thức, nghĩa là giảm lượng dầu khai thác mà không công bố. Một thông báo cắt giảm sản lượng từ OPEC sẽ bị coi là có tính nhạy cảm chính trị cao đối với một số nước thân phương Tây trong OPEC, nhất là vào thời điểm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang ở giai đoạn nước rút như hiện nay.

Một lựa chọn khác có thể là tổ chức một cuộc họp nữa trong vòng 6 - 8 tuần và công bố một đợt cắt giảm sản lượng lớn. Theo lịch, cuộc họp kế tiếp của OPEC sẽ diễn ra vào tháng 12 tại Algieria, nhưng thời điểm có có thể sẽ là quá muộn để OPEC hành động nhằm giữ giá dầu khỏi rơi sâu thêm.

Theo một báo cáo của công ty tư vấn năng lượng PFC Energy của Mỹ, trọng tâm trong cuộc họp của OPEC sắp tới không phải là chuyện có cần phải cắt giảm sản lượng dầu hay không, mà là khi nào phải thực hiện việc này.

Một số nhà phân tích còn cho rằng, có thể OPEC đã hạn chế sự đi xuống của giá dầu bằng cách bí mật giảm sản lượng.

Theo nhiều nguồn tin, tháng trước, Saudi Arabia đã giảm sản lượng khoảng 50.000 - 100.000 thùng/ngày. Giống như phần lớn các nước OPEC khác, Saudi Arabia không thường xuyên cập nhật số liệu về sản lượng thực tế của mình.

Vẫn còn đó nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời: đâu là mức giá sàn mà OPEC sẽ bảo vệ? Liệu OPEC hiện nay có hoạt động hiệu quả hơn OPEC trước kia trong việc áp đặt các quy tắc đối với các nước thành viên? Saudi Arabia muốn giá dầu giảm tới đâu?

OPEC chiếm khoảng 40% sản lượng dầu của toàn thế giới. OPEC không trực tiếp thiết lập giá dầu. Thay vào đó, các thành viên của khối này quản lý các nguồn cung dầu thông qua hạn ngạch sản lượng được phân bổ theo từng thời kỳ đối với từng quốc gia thành viên, trừ Iraq.

Theo mức sản lượng của tháng 7 vừa qua, 13 thành viên của OPEC được xếp theo trật tự như sau: Saudi Arabia, Iran, the United Arab Emirates, Kuwait, Iraq, Venezuela, Nigeria, Angola, Libya, Algeria, Qatar, Indonesia và Ecuador. Với việc trở thành một nước nhập khẩu ròng dầu, Indonesia sẽ rời khỏi OPEC vào cuối năm nay.

(Theo New York Times)