OPEC+: “Khủng hoảng năng lượng không phải do chúng tôi”
OPEC+ đã thẳng thừng từ chối lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden về tăng sản lượng mạnh mẽ hơn, thay vào đó giữ nguyên tốc độ tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng 12...
Bỏ qua lời kêu gọi từ Mỹ và các quốc gia khác muốn OPEC+ tăng sản lượng nhiều hơn, nhóm này ngày 4/11 quyết định giữ nguyên kế hoạch sản lượng. Ngoài ra, liên minh cũng cho rằng thách thức kinh tế mà các nước tiêu thụ nhiều năng lượng đang gặp phải là do giá khí đốt tự nhiên và giá than tăng chóng mặt, chứ không liên quan gì đến chính sách sản lượng của nhóm.
“Dầu không phải là vấn đề”, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, hoàng tử Abdulaziz bin Salman nói với các nhà báo sau cuộc họp ngày 4/11 của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga.
Trong cuộc họp, OPEC+ đã thẳng thừng từ chối lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden về tăng sản lượng mạnh mẽ hơn, thay vào đó giữ nguyên tốc độ tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng 12.
“Vấn đề nằm ở chỗ thị trường năng lượng nói chung đang trải qua những biến động lớn”, ông Abdulaziz nói.
Các nước tiêu thụ dầu lớn, như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản cho rằng tốc độ tăng sản lượng của OPEC+ hiện nay là quá chậm so với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu từ đại dịch. Mỹ muốn OPEC+ tăng sản lượng thêm gấp đôi như vậy để giải toả áp lực lạm phát.
Ông Abdulaziz nói rằng nếu mọi người muốn tìm nguyên nhân thực sự dẫn tới khủng hoảng năng lượng, họ nên nhìn vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu và châu Á, cũng như cơ sở hạ tầng liên quan. Ông đưa ra một biểu đồ so sánh tốc độ tăng hai con số của giá dầu kể từ mùa hè tới nay với tốc độ tăng ba con số của giá khí đốt và giá than.
“Hãy nhìn vào mức tăng của giá dầu Brent so với mức tăng của các nhiên liệu kia”, vị Bộ trưởng nói. “Mức tăng 28% của giá dầu chẳng là gì cả”.
Về phần mình, Nhà Trắng tuyên bố sẽ xem xét một loạt công cụ sẵn có để đảm bảo mức giá năng lượng phù hợp. Theo dữ liệu từ AAA, giá xăng bình quân trên toàn quốc ở Mỹ vào ngày 4/11 là 3,415 USD/gallon, cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.
“OPEC+ có vẻ không muốn dùng năng lực và sức mạnh mà họ có vào thời điểm đặc biệt quan trọng này của sự phục hồi kinh tế toàn cầu”, người phát ngôn của Nhà Trắng nói ngày 4/11 sau cuộc họp của OPEC+. “Tổng thống Mỹ tin rằng người dân Mỹ nên được tiếp cận với nguồn năng lượng giá phải chăng, bao gồm tại các trạm bán lẻ xăng dầu, và chỉ đạo chúng tôi tiếp tục theo dõi tình hình thị trường và chuẩn bị sẵn sàng các công cụ cần thiết”.
Hôm thứ Bảy tuần trước, ông Biden kêu gọi các nước sản xuất dầu lớn trong khối G20 sử dụng công suất còn dư để tăng sản lượng dầu, nhằm đảm bảo sự phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế toàn cầu. Lời kêu gọi này của ông Biden là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm gây sức ép đòi OPEC và đồng minh của khối này tăng sản lượng.
Tuy nhiên, OPEC+ không muốn tăng sản lượng nhanh hơn vì lo ngại sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sẽ lại gặp trở ngại nếu Covid-19 tái bùng phát ở nhiều quốc gia - ông Abdulaziz cho hay. Ông nói rằng lượng dầu tồn kho trên toàn cầu sẽ tăng mạnh vào cuối năm 2021, đầu 2022 do nhu cầu tiêu thụ tăng chậm lại.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak nhấn mạnh rằng từ tháng 8 đến nay OPEC+ đã tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Kế hoạch nâng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng nhiều khả năng sẽ được liên minh này duy trì cho tới những tháng đầu của năm 2022.
“Có những dấu hiệu cho thấy sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu ở Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 10. Nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu đang đối mặt sức ép vì biến chủng Delta”, ông Novak nói khi giải thích lý do vì sao OPEC+ chọn không tăng sản lượng mạnh hơn.
Chính sách hạn chế sản lượng của OPEC+ trong đại dịch Covid-19 đã góp phần đưa giá dầu Brent lên 86,7 USD/thùng, mức cao nhất 3 năm, vào tuần trước.
Phiên ngày 4/11, giá dầu tăng mạnh sau cuộc họp của OPEC+. Tuy nhiên, dầu lại sụt giá sau khi kênh truyền hình quốc gia Al Arabiya TV của Saudi Arabia đưa một bản tin nói rằng sản lượng khai thác dầu của nước này sẽ sớm vượt qua mức 10 triệu thùng/ngày lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 1,45 USD/thùng, tương đương giảm 1,8%, chốt ở 80,54 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,05 USD/thùng, tương đương giảm 2,5%, còn 78,81 USD/thùng.