17:00 11/12/2023

OPEC và Nga không thể đẩy giá dầu tăng

An Huy

Tuần vừa rồi, giá dầu thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng dù OPEC+ mới ra hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng. Vì lý do gì mà liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga không thể vực dậy giá dầu?...

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia trong chuyến thăm Riyadh của ông Putin hôm 6/12 - Ảnh: Sputnik/Reuters.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia trong chuyến thăm Riyadh của ông Putin hôm 6/12 - Ảnh: Sputnik/Reuters.

Theo giới phân tích, ở thời điểm này có ba lý do quan trọng khiến giá dầu sụt giảm: một là, thị trường cho rằng kế hoạch cắt giảm sản lượng của OPEC+ chỉ mang tính hình thức; hai là, nguồn cung dầu từ Mỹ tăng mạnh; ba là, triển vọng ảm đạm của kinh tế Trung Quốc dẫn tới dự báo bi quan về nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Thị trường dầu lửa đã trải qua một phiên bán tháo mạnh mẽ trong ngày 6/12, khiến giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York trượt khỏi mốc 70 USD/thùng, có lúc giảm còn 69,11 USD/thùng - thấp nhất kể từ ngày 29/6/2023. Kết thúc phiên đó, giá dầu WTI giảm 4,1% còn 69,38 USD/thùng; còn giá dầu Brent giao sau tại thị trường London - giá tiêu chuẩn của thị trường dầu lửa toàn cầu - giảm 3,8%, còn 74,25 USD/thùng.

Trước khi diễn ra cuộc họp của OPEC+ vào cuối tháng 11/2023, giới đầu cơ dầu lửa đã kỳ vọng liên minh này có một động thái mạnh mẽ để đưa giá dầu hồi phục.

Trước đó, giá dầu đã tăng vọt trong tháng 9 và tháng 10/2023 do Nga và Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu, cộng thêm cuộc chiến tranh bất ngờ nổ ra giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine ở dải Gaza đe dọa gây gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông. Giá dầu Brent đã lao dốc từ ngưỡng 93 USD/thùng vào trung tuần tháng 10 về ngưỡng 77 USD/thùng vào giữa tháng 11 khi thị trường đánh giá rằng chiến tranh sẽ không lan rộng.

Tuy nhiên, động thái của OPEC+ ngày 30/11/2023 đã khiến các nhà đầu cơ dầu thất vọng. Thay vì cắt giảm sản lượng sâu hơn, OPEC+ chỉ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện khoảng 2,2 triệu thùng/ngày cho tới hết quý 1/2024, trong đó có 1,3 triệu thùng/ngày là mức cắt giảm sản lượng tự nguyện của Saudi Arabia và Nga - hai thủ lĩnh không chính thức của liên minh. Việc cắt giảm sản lượng tự nguyện này nằm ngoài hạn ngạch sản lượng chính thức của khối.

SỨC MẠNH CỦA OPEC+ SUY GIẢM

Nhiều nhà phân tích, thị trường không tin rằng các nước thành viên OPEC, trong đó có nhiều nước lo ngại mất thị phần, sẽ thực hiện đúng mức sản lượng cam kết. Dữ liệu của Liên hợp quốc tại hội nghị quốc tế về chống biến đổi khí hậu COP28 tại Dubai cho thấy các thành viên châu Phi của OPEC, trong đó có Angola, phản đối việc cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu.

“Khi OPEC giảm sản lượng như vậy, họ có nguy cơ mất thị phần. Nhiều nước thành viên OPEC đang muốn tối đa hóa nguồn lực của họ. Thị trường bắt đầu tính đến khả năng OPEC không còn gắn kết và không thực hiện đúng mức cắt giảm sản lượng được công bố, có nghĩa là thị trường nhận thấy tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ chỉ mang tính hình thức chứ không thực chất”, chiến lược gia trưởng Martijn Rats của Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, nhận định.

“Việc gia hạn cắt giảm sản lượng của OPEC+ có vẻ như chỉ là một sự làm màu. Thị trường dầu đang sụt giảm nhanh chóng. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy OPEC+, liên minh chiếm 40% sản lượng dầu toàn cầu, đang mất khả năng kiểm soát giá dầu”, Chủ tịch Công ty tư vấn Lipow Oil Associates, ông Andy Lipow, phát biểu.

Trong chuyến thăm chớp nhoáng tới Saudi Arabia tuần vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi hai nước tăng cường hợp tác để ổn định thị trường dầu lửa. Đảm bảo giá dầu ở mức cao là lợi ích chung của cả Saudi Arabia và Nga - hai quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu lửa hàng đầu thế giới, đồng thời có mức độ phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ dầu lửa để cân bằng ngân sách quốc gia và phát triển kinh tế.

“Trong lĩnh vực năng lượng, hai bên đề xuất hợp tác chặt chẽ và cùng các nước trong OPEC+ nỗ lực thành công trong việc tăng cường sự ổn định của thị trường dầu lửa toàn cầu. Hai nước đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác và sự cần thiết của việc tất cả các quốc gia thành viên cùng tham gia thực hiện thỏa thuận OPEC+, theo cách phục vụ cho lợi ích của các nước sản xuất dầu và người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, tuyên bố của Điện Kremlin sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman có đoạn viết.

Hãng thông tấn nhà nước SPA của Saudi Arabia nói rằng Thái tử Mohammed và Tổng thống Putin đã nhất trí trong cuộc gặp về việc các thành viên OPEC+ cần phải thực thi đúng thỏa thuận sản lượng của liên minh.

NGUỒN CUNG DẦU MỸ VÀ NHU CẦU CỦA TRUNG QUỐC

Nguồn tin từ ngành công nghiệp dầu lửa nói rằng một tuyên bố công khai và thẳng thắn như vậy từ Moscow và Ryiadh về việc cùng cắt giảm sản lượng có vẻ như là nỗ lực gửi đi một thông điệp cứng rắn tới các thành viên trong OPEC+ chưa giảm sản lượng hoặc chưa giảm đủ như mức cam kết.

Nhà phân tích Bjarne Schieldrop của Công ty SEC, dự báo: OPEC+ sẽ buộc phải cắt giảm thêm sản lượng nếu giá dầu không thể hồi phục. “Sản lượng dầu của Mỹ năm nay đã tăng mạnh, mạnh hơn kỳ vọng. Nếu xu hướng này tiếp tục trong năm tới, tất nhiên đó sẽ là một thách thức đối với OPEC+. Tôi kỳ vọng họ sẽ tuyên bố cắt giảm sản lượng sâu hơn”.

Sản lượng dầu của Mỹ đã lập kỷ lục tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 9 vừa qua. Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ của nước này trong tháng 9 tăng 224.000 thùng so với tháng 8, đạt 13,24 triệu thùng/ngày. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ của Mỹ đã tăng 750.000 thùng, tương đương tăng khoảng 7%.

Việc ngành công nghiệp dầu lửa Mỹ đẩy mạnh khai thác là một nguyên nhân khiến lượng dầu thô tồn kho của nước này tăng cao và gây áp lực giảm lên giá dầu kể từ đầu quý 4. “Nguồn cung dầu của Mỹ có lẽ là điều gây ngạc nhiên lớn nhất”, Chủ tịch Bob McNally của Công ty Rapidan Energy Group nhận định rằng đây là lý do chính khiến thị trường dầu lửa toàn cầu không rơi vào tình trạng thắt chặt như dự báo cách đây chưa lâu.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 50-2023 phát hành ngày 11-12-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

OPEC và Nga không thể đẩy giá dầu tăng - Ảnh 1