18:10 28/03/2019

PCI và “nỗi niềm” Đà Nẵng

Hà Vũ

Vị trí thứ 5 của Đà Nẵng phản ảnh đúng tình hình thực tế và hình như có phần bao dung

Không chỉ từ quán quân xuống á quân như 2017 mà lần này Đà Nẵng - từng là ngôi sao sáng nhất, nhiều năm liên tiếp vững vàng ở vị trí số 1 - đã tụt xuống tận số 5 trong bảng xếp hạng PCI 2018.
Không chỉ từ quán quân xuống á quân như 2017 mà lần này Đà Nẵng - từng là ngôi sao sáng nhất, nhiều năm liên tiếp vững vàng ở vị trí số 1 - đã tụt xuống tận số 5 trong bảng xếp hạng PCI 2018.

"Vị trí thứ 5 của Đà Nẵng phản ảnh đúng tình hình thực tế và hình như có phần bao dung".

Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng, doanh nhân Hà Đức Hùng đã bình luận như thế ngay sau khi Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 được công bố trong sáng 28/3.

Không chỉ từ quán quân xuống á quân như 2017 mà lần này Đà Nẵng - từng là ngôi sao sáng nhất, nhiều năm liên tiếp vững vàng ở vị trí số 1 - đã tụt xuống tận số 5 trong bảng xếp hạng PCI.

Kết quả điều tra PCI 2018 cho thấy, Đà Nẵng vẫn được các doanh nghiệp đánh giá có cải thiện trong việc giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.

Khi ở ngôi á quân PCI 2017, chỉ số chi phí không chính thức của Đà Nẵng là 6,29 đến 2018 tăng lên 6,54. Đây là mức điểm cao nhất của Đà Nẵng nếu tính từ năm 2014 đến nay.

Nhưng, đây là chỉ số duy nhất Đà Nẵng tăng điểm so với chính mình. Cả 9 chỉ số còn lại đều giảm điểm.

Lý do, đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại thành phố này sụt giảm rõ rệt. Các doanh nghiệp cũng phản ánh về khoảng cách giữa chỉ đạo điều hành của chính quyền thành phố với các sở ngành, huyện thị đã có sự gia tăng.

Trong bối cảnh trên, chỉ số gia nhập thị trường đã giảm từ 8,55 điểm xuống 7,94 điểm và là chỉ số có sự giảm điểm lớn nhất của Đà Nẵng.

Tính năng động của chính quyền tỉnh cũng có mức giảm cao, từ 6,65 điểm xuống còn 5,96.

Theo báo cáo PCI, Đà Nẵng chỉ còn chỉ số đào tạo lao động là đứng đầu cả nước, với 7,92 điểm. Nhưng chỉ số này cũng đã giảm so với mức 8,07 của PCI 2017.

Có những năm, khi thành phố sông Hàn đang là "ngôi sao cải cách" thì lãnh đạo cao nhất của thành phố đã ra Hà Nội dự lễ công bố và vui vẻ trả lời báo chí.

Năm nay, ông Trần Văn Miên, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khá kiệm lời. Ông nói rằng không muốn đổ thừa sự tụt hạng của Đà Nẵng với các nỗ lực đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng đang diễn ra tại thành phố này.

"Đây là hai công việc khác nhau, dù doanh nghiệp có đôi chút e ngại, nhưng không thể đổ thừa thứ hạng của Đà Nẵng cho việc này. Việc cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục hành chính… là việc thường xuyên của địa phương, ngưng lại là tụt hậu", ông Miên trao đổi.

Khẳng định đánh giá của doanh nghiệp là điều mà chính quyền Đà Nẵng sẽ phải nghiên cứu rất chi tiết, ông Miên cho biết "sẽ nhìn vào để biết lĩnh vực nào yếu, chỗ nào cần tiếp tục cải thiện. Nhưng nguyên tắc sẽ là tăng cường minh bạch. Minh bạch để cả doanh nghiệp và chính quyền địa phương cùng thuận lợi trong các hoạt động của mình".

Về phía doanh nghiệp, khi được hỏi tại sao lại chọn hai chữ "bao dung" trong bình luận của mình, doanh nhân Hà Đức Hùng lý giải, nếu "chấm điểm" thẳng thừng thì thứ hạng của Đà Nẵng sẽ còn thấp hơn, nhưng doanh nghiệp nghĩ rằng những "trục trặc" của Đà Nẵng chỉ là ngắn hạn.

"Bí thư và Chủ tịch Đà Nẵng hiện nay đều đã từng làm doanh nghiệp nên rất sâu sắc trong việc chọn doanh nghiệp và ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, không chạy theo số lượng vì quỹ đất của Đà Nẵng cũng không phải lớn", ông Hùng trao đổi với VnEconomy.

Xếp hạng không phải là đích đến, mà chia sẻ kinh nghiệm hay, thúc đẩy cải cách để cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh mới quan trọng, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã hơn một lần nhấn mạnh như thế trong các buổi lễ công bố PCI.

Chia sẻ quan điểm này, sự tụt hạng của Đà Nẵng, theo doanh nhân Hà Đức Hùng lại là cơ hội để thành phố này tiếp tục cải tiến trong thu hút nhà đầu tư mới có chất lượng và quan tâm nhiều hơn đến nhà đầu tư hiện hữu vẫn âm thầm tiếp tục đầu tư tại thành phố này.