15:25 15/06/2016

Phải báo cáo rõ với Quốc hội địa chỉ thất thoát, lãng phí

Nguyễn Lê

Một bộ phận nhân dân còn thực dụng, phô trương, hình thức, tiêu dùng vượt quá mức thu nhập

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống lãng phí.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống lãng phí.
Phải báo cáo rõ, cụ thể với Quốc hội các tổ chức, cá nhân làm tốt cũng như có sai phạm, gây thất thoát, lãng phí. Đó là yêu cầu được Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đưa ra khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015.

Sáng 15/6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nội dung này.

Theo báo cáo thì Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công...

Nhưng, cơ quan thẩm tra đánh giá, Bộ máy Nhà nước còn cồng kềnh không chỉ gây kém hiệu quả mà còn là gánh nặng của chi ngân sách Nhà nước. Tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi đến 67,7%.

Lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản được nhìn nhận là vẫn còn nhiều và chậm được khắc phục.

Tình trạng sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách Nhà nước xảy ra trong hầu hết các khâu của quá trình đầu tư chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu, gây thất thoát, lãng phí ngân sách, cơ quan thẩm tra khái quát.

Một số dự án sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước lãng phí, hiệu quả kém cũng được điểm danh, qua dư luận và ý kiến của cử tri.

Như đường sắt cao tốc Cát Linh - Hà Đông thi công chậm chạp so với mục tiêu ban đầu, chi phí xây dựng đội lên cao so với dự toán, gây lãng phí tiền, tài sản Nhà nước.

An toàn lao động trong thi công không được nhà thầu bảo đảm dẫn đến nhiều vụ tai nạn gây thiệt hại về người và tài sản trong thời gian qua.

Hay, Bảo tàng Hà Nội qua gần 5 năm đi vào hoạt động hiệu quả sử dụng rất thấp. Rồi dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn “đắp chiếu” sau gần 10 năm thực hiện. Ký túc xá sinh viên tại Hà Nội và một số tỉnh thành không có sinh viên sử dụng...

Đồng tình với yêu cầu xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga điểm danh thêm một số dự án được dư luận đề cập về lãng phí trong mấy tháng qua. Đó là gang thép Thái Nguyên, đạm Ninh Bình, xơ sợi Đình Vũ hay xăng ethanol ở một tỉnh phía Bắc.

Bà Nga cũng cho rằng cần xem xét việc bổ nhiệm cán bộ, xem những người có trách nhiệm tại các dự án có biểu hiện thất thoát lãng phí đã được điều động đi đâu và làm gì?

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu góp ý, cần phân tích rõ hơn những vấn đề cử tri băn khoăn. Và có những vấn đề cần chỉ rõ địa chỉ, nếu chỉ nói chung chung thì đọc báo cáo sẽ trôi đi, không có điểm nhấn.

Liên quan đến lãng phí trong cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hoá Xưởng Phim truyện Việt Nam, theo Phó chủ tịch là câu chuyện rất lớn, dư luận rất quan tâm, nên tập trung làm rõ.

Một số ý kiến khác cũng đề cập đến lãng phí lớn về nguồn nhân lực từ khâu quy hoạch, đào tạo cho đến sử dụng.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, tâm lý tiêu dùng của một bộ phận nhân dân còn thực dụng, phô trương, hình thức, tiêu dùng vượt quá mức thu nhập bình quân, sính hàng ngoại như: ôtô, xe máy, điện thoại di động, mỹ phẩm và lương thực, thực phẩm, rượu, bia.

Còn tình trạng tổ chức cưới xin linh đình, gây lãng phí và tạo dư luận lớn trong xã hội. Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chưa thực sự đi vào cuộc sống, cơ quan thẩm tra nhìn nhận.