12:49 15/04/2010

Phân biệt đá quý “nhái” với Sacombank-SBJ

M.P

Trung tâm Giám định đá quý thuộc Sacombank-SBJ là một địa chỉ có thể xác định chính xác nguồn gốc của các loại đá giả

Mẫu vỉ sản phẩm giám định của SBJ thể hiện rõ tên đá tổng hợp Cz (Synthetic Cubic Zirconia).
Mẫu vỉ sản phẩm giám định của SBJ thể hiện rõ tên đá tổng hợp Cz (Synthetic Cubic Zirconia).
Trung tâm Giám định đá quý thuộc Công ty Vàng bạc đá quý Sacombank-SBJ là một địa chỉ có thể xác định chính xác nguồn gốc của các loại đá giả mà trong không ít người tiêu dùng lầm tưởng là kim cương hay các loại đá quý khác.

Ông Đỗ Tường Huy, Trưởng phòng Giám định Sacombank-SBJ cho biết, trong ngành trang sức và đá quý, đá giả được phân biệt thành hai nhóm chính bao gồm đá tổng hợp và đá “nhái”.

Trong đó, đá tổng hợp là các loại đá có thành phần vật chất, tính chất hóa lý, một số tính chất ngọc học giống hoàn toàn đá tự nhiên như kim cương tổng hợp hoặc ruby và sapphire tổng hợp... Còn đá “nhái” có thể là đá tự nhiên hoặc đá tổng hợp có vẻ bên ngoài cực kỳ giống với đá quý tự nhiên thật, nhưng thành phần vật chất hoàn toàn khác.

Kim cương tự nhiên rất quý và giá rất cao nên từ lâu, các loại đá nhân tạo như Cz, Yagm, Ggg hoặc Mossanite đã được dùng để “nhái” kim cương. Đây là các loại đá hoàn toàn khác với kim cương nhân tạo như Cvd, Hpht.. Trong các loại đá “nhái” kim cương kể trên thì đá Cz là loại phổ biến hơn cả.

Đó chính là lý do các tổ chức giám định đá quý ra đời để xác định chính xác tên loại đá, phân cấp kim cương, và xác định nguồn gốc tự nhiên hay nhân tạo cũng như có các xử lý cần thiết nếu có. Trong trường hợp đá thuộc loại “nhái” như Cz, Yag, Ggg, Mossanite… thì theo thông lệ quốc tế, tên đá phải nên công bố đó là đá tổng hợp nhằm bảo vệ người tiêu dùng, tránh sự nhầm lẫn.

Trong khi đó, theo ông Đỗ Tường Huy, tại Việt Nam, từ lâu đá Cz đã được biết đến rộng rãi với cách gọi thông dụng là “xoàn + tên nước” (xoàn theo cách gọi thông thường để chỉ kim cương) hoặc “hột + tên nước” hoặc đơn giàn chỉ là hột Cz như xoàn Mỹ, xoàn Thái hoặc hột Úc, hột Liên Xô… Giá cả các loại hột Cz cũng rất khác nhau tùy theo chất lượng nguyên liệu và cắt mài.

“Các loại hột này thường được quảng cáo bằng những thông tin như “tuyệt vời như kim cương”, “độ bền như kim cương” … Đây chỉ là các thủ thuật quảng cáo sản phẩm nhằm thu hút người dùng. Nguy cơ người tiêu dùng có thể nhầm lẫn các loại đá này với kim cương nhân tạo là rất cao”, ông Đỗ Tường Huy khẳng định.

Với hệ thống thiết bị nhập ngoại và đội ngũ chuyên viên giàu kinh nghiệm, Trung tâm Giám Định đá quý Sacombank-SBJ đang đẩy mạnh hoạt động giám định đá quý, trong đó có việc giám định chính xác tên khoa học của đá Cz và nguồn gốc nhân tạo của đá. Trung tâm này là địa chỉ sẵn sang tiếp nhận và giải đáp mọi thắc mắc của người tiêu dùng liên quan tới các loại đá tự nhiên và nhân tạo.

“Kết quả giám định là cơ sở cho việc mua bán được chính xác cũng như góp phần lành mạnh hóa thị trường đá quý vốn rất phức tạp. Bản thân giá trị của viên đá trước cũng như sau khi giám định sẽ tuân thủ theo quy luật thị trường trên nguyên tắc thuận mua vừa bán”, ông Đỗ Tường Huy nói.

Cũng theo chuyên gia này, vì việc giám định đòi hỏi tính độc lập, khách quan và chính xác nên tổ chức giám định không được quyền tham gia vào mua bán và định giá trên thị trường mà chỉ được hưởng một mức lệ phí phù hợp đã được công bố trước.