Phân bón Cà Mau cán mốc 8 triệu tấn Ure
Sứ mệnh đảm bảo nguồn cung phân bón nay càng khắc họa rõ nét khi vào ngày 6/10 vừa qua Nhà máy Đạm Cà Mau cán mốc 8 triệu tấn sản phẩm, luôn hoạt động ổn định với 110% công suất, đánh dấu mốc son trên hành trình phát triển nông nghiệp bền vững...
10 năm trước Cụm Khí - Điện - Đạm chính thức hoàn chỉnh và đi vào hoạt động. Tròn thập niên, công trình Nhà máy Đạm Cà Mau như một mắt xích then chốt đã luôn hoàn thành trọng trách, xứng đáng với kỳ vọng quốc gia và niềm tin của hàng triệu hộ nông dân. Sứ mệnh đảm bảo nguồn cung phân bón nay càng khắc họa rõ nét khi vào ngày 6/10 vừa qua Nhà máy Đạm Cà Mau cán mốc 8 triệu tấn sản phẩm, luôn hoạt động ổn định với 110% công suất, đánh dấu mốc son trên hành trình phát triển nông nghiệp bền vững.
SỨC MẠNH NỘI LỰC CHINH PHỤC MỤC TIÊU
Những khó khăn buổi đầu hằn trong ký ức của những thế hệ lãnh đạo và người lao động cụm công nghiệp khí điện đạm Cà Mau. Một hệ thống máy móc đồ sộ, thiết bị hiện đại nhập trực tiếp từ châu Âu, quy mô rộng lớn với tổng mức đầu tư hơn 900 triệu USD được vận hành từ những con người Việt Nam. Khó khăn áp lực là thế nhưng đội ngũ bằng niềm tin mãnh liệt, chí hướng và nhiệt huyết đã đồng lòng siết chặt tay. Suốt thời gian qua đội ngũ vận hành luôn làm chủ công nghệ, chủ động sáng tạo, nắm vững quy trình, duy trì tốt công suất thiết kế từ trên 103% - 110% cung ứng 800.000 tấn urê mỗi năm.
Thành quả đến từ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, đặc biệt là Ban lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Lớp kỹ sư nhà máy Đạm Cà Mau ban đầu còn non trẻ càng trưởng thành hơn qua thử thách, gian nan. Từ sau đợt bảo dưỡng tổng thể 2016, đội ngũ trăn trở cách thức hoàn thiện cụm tách CO2 nhằm giảm thiểu tiêu hao năng lượng; tăng tải nhà máy để tiết giảm chi phí sản xuất cũng là động lực để các kỹ sư không ngừng nỗ lực học hỏi, sáng tạo, kiên trì thử nghiệm nâng cao kiến thức lẫn tay nghề chuyên môn.
Hơn 2 năm “gian nan thử sức” đến tháng 2/2019, chuyên gia PVCFC đã nghiên cứu thành công đưa hệ thống Permeat Gas vào vận hành chính thức. Công suất thu hồi gas vượt 30%, giảm lượng tiêu thụ khí tự nhiên khoảng 1.900GJ/ngày. Vận hành nhà máy an toàn, ổn định trơn tru cũng là đảm bảo an toàn thiết bị. Chi phí sản xuất của Công ty cũng giảm từ 43 đến 68 tỷ/năm. Đặc biệt năm 2020, PVCFC được Nhà bản quyền công nghệ Haldor Topsose xướng danh Các nhà máy có hiệu quả hoạt động tốt nhất, Top 10% nhà máy tiêu hao năng lượng thấp nhất.
Đối diện thách thức Covid-19 hơn 2 năm qua, PVCFC tự bảo dưỡng gần 2.000 hạng mục công việc, thiết bị mà không thuê chuyên gia nước ngoài. Kiên định tiêu chí hàng đầu: kế hoạch chặt chẽ, dữ liệu đầy đủ (PM, BOM, Partlist), chuyên môn vững vàng, tỉ mỉ cẩn trọng….
Ban Tổng giám đốc luôn khuyến khích tinh thần sáng chế, sáng kiến cải tiến để duy trì công suất ổn định thông qua các chương trình nội bộ, các giải thưởng thi đua lành mạnh để đội ngũ có cơ hội va chạm, rèn luyện. Đồng nghiệp chan hòa sẻ chia, thẳng thắn góp ý, lãnh đạo tận tâm hướng dẫn định hướng giúp bầu không khí luôn tràn đầy trong mọi người.
“Eureka năm 2020”, “Tối ưu hoạt động nâng công suất Nhà máy Đạm Cà Mau” được PVN tặng thưởng, 3 hồ sơ tham dự giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2021… tiêu biểu cho rất nhiều thành tích nổi bật khác.
Qua đó, nhiều tài năng được phát hiện và phát triển thêm phục vụ chiến lược chung. Riêng năm qua, có 3 chuyên gia được công nhận, mở đầu chuỗi chương trình “Nhân sự cấp cao”. Quy hoạch 43 người của 15 lĩnh vực khắp Nhà máy, phấn đấu đến 2025 phát triển chính thức 25 chuyên gia.
Thành quả đạt được từng giai đoạn tiếp thêm niềm tin cho đội ngũ vững tiến hành trình mới. Nhà máy Đạm Cà Mau vươn mình lớn mạnh trong hình hài Phân bón Cà Mau và vững vàng trong sự tin yêu ủng hộ của hàng triệu hộ nông khắp mọi miền.
DẤU SON 8 TRIỆU TẤN CỦA HÀNH TRÌNH PHỤNG SỰ
Bộ sản phẩm “Phân bón Cà Mau - Hạt Ngọc mùa vàng” ngày càng dày thêm các sản phẩm được ứng dụng công nghệ cao, phong phú chủng loại, hoàn chỉnh trong kết cấu, dinh dưỡng đầy đủ cân đối, thẩm thấu nhanh vào cây, góp phần cải thiện hệ vi sinh trong đất…
Hàng triệu bao phân bón chất lượng cao, dinh dưỡng cân đối phù hợp thổ nhưỡng được nhà nông khắp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và cả nước đón nhận. Duy trì ổn định 60% thị phần Tây Nam Bộ. Năm 2021 đã qua dù khó khăn vẫn tiêu thụ 930,65 nghìn tấn, xuất hiệu quả 300 nghìn tấn ure sang đối tác thân thiết Campuchia, cung ứng đều đặn sang Myanmar, Thái Lan, Philippines…
Phân xưởng NPK Cà Mau chính thức vận hành quý 3/2019 với công suất 300.000 tấn/năm làm phong phú hơn sản phẩm chất lượng và sản lượng phục vụ nhà nông.
Chính những ưu điểm đó giúp sản phẩm phân bón Cà Mau đạt tiêu thụ tốt ổn định hàng năm, bền bỉ qua nhiều thăng trầm. 21h50 đêm 13/9/2020, nhà máy Đạm Cà Mau cán mốc sản xuất sản lượng ure thứ 7 triệu để rồi nỗ lực vượt bậc qua nhiều thách thức lớn, cán mốc 8 triệu tấn vào đầu tháng 10/2021.
Như vậy, Phân bón Cà Mau đã có một hành trình gian nan mà kiên cường phát triển đến hôm nay. Con số 8 tròn đầy sẽ còn nhân bội để phục vụ bà con, phụng sự nông nghiệp nước nhà như Công ty đã làm tốt bao năm qua.