Phần lớn vụ việc tư vấn pháp lý liên quan đất đai
Hiện có tới khoảng hơn 70% vụ việc tư vấn pháp lý liên quan tới các quan hệ pháp luật đất đai. Các vụ việc thường có nhiều mối quan hệ pháp luật đan xen nhau như pháp luật hành chính, pháp luật tố tụng, pháp luật thi hành án dân sự, thừa kế…
Sáng 17/7, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm về tình hình thực hiện Đề án tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Báo cáo tại Tọa đàm, đại diện Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Cơ quan truyền thông của Liên đoàn đã tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí, đài truyền thanh, truyền hình để thực hiện các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trên sóng truyền thanh, truyền hình và trang thông tin điện tử của nhà đài, báo chí: Hợp tác với Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức các buổi tọa đàm pháp luật với chủ đề chính sách pháp luật có tác động lớn đến xã hội; cùng Tạp chí Luật sư thực hiện các buổi talk show, tọa đàm pháp luật…
Các Đoàn luật sư và cá nhân các luật sư đã kết hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục thông qua các nội dung liên quan đến tuyên truyền các văn bản pháp luật, việc thực thi pháp luật, áp dụng pháp luật; kết hợp với Hội Luật gia, Hội phụ nữ tỉnh, thành phố tư vấn pháp luật trực tuyến về Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình…
Về công tác trợ giúp pháp lý, từ năm 2014 đến nay, Liên đoàn đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thanh tra Chính phủ tổ chức trợ giúp pháp lý thường xuyên cho người dân tại Trụ sở tiếp dân Trung ương.
Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, có 170 luật sư tham gia tư vấn ở Trụ sở tiếp dân Trung ương với 560 lượt tư vấn. Các lĩnh vực tư vấn pháp lý gồm tư vấn pháp luật, về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư, chính sách đãi ngộ với người có công.
Báo cáo cho thấy có tới khoảng hơn 70% vụ việc tư vấn pháp liên quan tới các quan hệ pháp luật đất đai. Các vụ việc thường có nhiều mối quan hệ pháp luật đan xen nhau như pháp luật hành chính, pháp luật tố tụng, pháp luật thi hành án dân sự, thừa kế…
Trung tâm tư vấn pháp luật của Liên đoàn cũng thực hiện tư vấn miễn phí cho các thành viên, người nghèo và các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật bằng nguồn kinh phí tự có của Trung tâm. Từ năm 2023 đến nay, Trung tâm đã tư vấn được 65 trường hợp thuộc đối tượng người nghèo và đối tượng chính sách xã hôi.
Tại mỗi Đoàn luật sư thành viên cũng tổ chức hàng trăm điểm trợ giúp pháp lý miễn phí. Có Đoàn luật sư còn tổ chức trợ giúp pháp lý bằng hình thức trực tuyến.
Đa số các Đoàn luật sư đều tích cực tham gia vào công tác tư vấn và trợ giúp pháp lý tại địa phương thông qua các tổ chức: Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, các câu lạc bộ luật sư, các tổ chức hành nghề…
Hàng năm, hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), các Đoàn Luật sư trong cả nước đều tổ chức các hoạt động thiết thực: tổ chức các buổi tuyên truyền các văn bản pháp luật mới ban hành; tổ chức các buổi tọa đàm, sinh hoạt pháp luật với những nội dung được xã hội quan tâm; tham gia giải đáp pháp luật cho khán giả trên Đài phát thanh và Đài truyền hình Trung ương và địa phương; tổ chức các buổi tư vấn pháp luật lưu động cho các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, công đoàn, hội người cao tuổi, thanh thiếu niên....hoặc tại các vùng địa bàn khó khăn về kinh tế, vùng sâu, vùng xa.
Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam khẳng định sẽ sớm đóng góp ý kiến cho việc sửa đổi Nghị định 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; ghi nhận và tính phương án đào tạo đội ngũ tư vấn viên pháp luật, luật sư; cử luật sư tham gia Diễn đàn pháp lý doanh nghiệp sắp tới.