18:26 01/07/2024

Doanh nghiệp cần may “áo giáp pháp lý” khi “đem chuông đi đánh xứ người”

Vũ Khuê

Nắm bắt, tận dụng được những cơ hội từ thị trường thế giới đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược linh hoạt, khả năng thích ứng nhanh chóng với các thay đổi của thị trường, đặc biệt là sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý…

Trong hoạt động thương mại xuyên biên giới, nông sản là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Trong hoạt động thương mại xuyên biên giới, nông sản là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Tại diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam vươn ra quốc tế trong bối cảnh kinh tế biến động”, do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC, cho biết những năm qua, hoạt động thương mại và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế.

NHIỀU RỦI RO KHÓ LƯỜNG

Trong hoạt động thương mại xuyên biên giới, nông sản là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước với số lượng và giá cả tăng mạnh. Nông sản Việt Nam xuất khẩu trong những năm gần đây đang được nhắc đến như một bức tranh với gam màu tươi sáng, tích cực.

Còn với hoạt động đầu ra nước ngoài, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay, Việt Nam có 1.733 dự án đầu tư ra nước ngoài, đầu tư tại 81 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng vốn hơn 22 tỉ USD.

Trong bối cảnh biến động thị trường toàn cầu như hiện nay, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, xu hướng đa dạng hoá nguồn cung, nhu cầu tiêu dùng mới… đang mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế.

Song các chuyên gia nhận định, cơ hội luôn đi kèm rủi ro nhất là các rủi ro chính trị, chính sách pháp luật. Đây là rủi ro phi thị trường thường trực nhất trong hoạt động thương mại và đầu tư.

Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng hiện vẫn có nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức tới việc nghiên cứu, tìm hiểu cơ chế, chính sách pháp luật của thị trường quốc tế nên dễ gặp phải rủi ro pháp lý.

Đơn cử như khi đầu tư sang những địa bàn có điều kiện khó khăn, có nền tảng pháp lý chưa tốt, nếu không tìm hiểu kỹ, khi tranh chấp xảy ra, kiện ra tòa cũng không giải quyết được vì người bị kiện không có khả năng đáp ứng yêu cầu, thậm chí không có cơ chế để buộc họ phải tuân thủ phán quyết.

Dẫn chứng những vụ việc tranh chấp trong thời gian vừa qua, ông Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký VIAC, cho biết chỉ trong giai đoạn 1993-2023, VIAC tiếp nhận 2.940 vụ tranh chấp với tổng giá trị hơn 2,7 tỉ USD (tương đương hơn 63.000 tỉ đồng). Trong số đó, hơn 46% tranh chấp trong nước, còn lại là tranh chấp có ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoặc một bên là doanh nghiệp nước ngoài.

Doanh nghiệp cần may “áo giáp pháp lý” khi “đem chuông đi đánh xứ người”  - Ảnh 1

Ở góc độ thương mại, bà Quách Thúy An, Phó giám đốc Công ty CP Headway Việt Nam, nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hiện nay đang gặp khó khăn về rào cản pháp lý, chưa nắm rõ quy định về nước nhập khẩu, các thủ tục để đảm bảo lô hàng được thông quan.

Chia sẻ thêm, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết thách thức khi xuất khẩu sang các thị trường lớn hiện nay là gần đây, họ đưa ra nhiều yêu cầu rất cao đối với hàng nhập khẩu. Như Mỹ đưa ra đạo luật chống lao động cưỡng bức; Đức có đạo luật thẩm định chuỗi cung ứng; hay thỏa thuận xanh của EU… Những hàng rào kỹ thuật này nếu doanh nghiệp không quan tâm sẽ gặp rủi ro rất lớn.

Còn với ngành hàng thuỷ sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, cho biết thuỷ sản là ngành hàng kinh doanh có điều kiện, gắn với an toàn thực phẩm, trách nhiệm môi trường, xã hội…

Ngoài ra là các quy định của nước sở tại, như: thẻ vàng (IUU) khi khai thác hải sản, kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp, những tranh cãi về pháp lý khi gặp sự cố về bao bì, chất lượng, thậm chí đơn giá…

NẮM VỮNG PHÁP LÝ TRƯỚC KHI "RA KHƠI"

Để doanh nghiệp Việt Nam “đem chuông đi đánh xứ người” thành công, theo ông Lộc, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị những kỹ năng cần thiết để phòng ngừa, quản lý rủi ro pháp lý, xử lý tranh chấp trong kinh doanh, đầu tư.

Ông Ngô Khắc Lễ, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, khuyến nghị doanh nghiệp, đối với đối tác mới giao dịch lần đầu, cần tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp, xác minh đối tác trước khi ký kết hợp đồng qua sự giúp đỡ của đại sứ quán, thương vụ Việt Nam ở nước sở tại. Khi giao dịch với các doanh nghiệp nước ngoài cần phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để bảo đảm an toàn nhất.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần nghiên cứu, cân nhắc lựa chọn cơ chế tài phán để bảo vệ mình trong trường hợp có rủi ro tranh chấp. Nếu muốn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài kinh tế, cần đưa thỏa thuận trọng tài vào hợp đồng.

Còn PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Chương trình chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, khuyến cáo với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, mới trưởng thành từ thị trường nội địa, nếu chưa đủ kinh nghiệm chủ động tài trợ chính trị, đối thoại, vận động chính sách ở nước nhận đầu tư thì nên chọn chiến lược ưu tiên rà soát trước khi gia nhập thị trường.

Bên cạnh đó, cần quan sát, học hỏi kinh nghiệm các doanh nghiệp đi trước, xem cách họ ứng xử với chính quyền nước nhận đầu tư thế nào, từ đó rút ra kinh nghiệm cho đơn vị mình. Thận trọng với các quốc gia thiếu các thể chế phát triển vì chứa đựng nhiều rủi ro trong môi trường bất ổn định chính trị.

Hơn nữa, theo ông Nghĩa, các doanh nghiệp cần chia sẻ, tạo liên minh với các tổ chức, doanh nghiệp khác (như các đại sứ quán, hiệp hội, nhà phân phối tại địa phương, ngân hàng…) để có nhiều nguồn lực quản trị rủi ro chính trị hơn, nhằm tận dụng thế mạnh của từng bên liên kết.

Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Chung nhấn mạnh: Nhà nước khuyến khích đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản trị và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Vì vậy, có nhiều cách hỗ trợ doanh nghiệp điển hình như việc tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài được an toàn và hiệu quả.

“Chúng ta có thể hỗ trợ bằng cách tăng cường các hoạt động, tạo khuôn khổ pháp lý đa phương. Chính phủ đã ký khoảng 80 các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư và trên 80 hiệp định đánh thuế 2 lần”, ông Chung cho hay.