Phát triển đô thị thông minh: Cần tránh đầu tư dàn trải, làm theo phong trào
Cả nước hiện có khoảng 30 địa phương đã phê duyệt và triển khai các dự án, đề án về phát triển đô thị thông minh
Chiều 2/10, hội thảo với chủ đề "Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia" nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit năm 2019 được Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết đô thị hoá đang trở thành xu thế chính, định hình kinh tế, môi trường, xã hội và văn hoá tại các nước đang phát triển và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Ông cho biết hiện Việt Nam có 830 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa là 38,6%. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình đạt từ 12 - 15%, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mặt bằng chung của cả nước.
"Những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo khai thác, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để phục vụ phát triển đất nước. Nghị quyết 52 vừa được Bộ Chính trị ban hành ngày 27/9 cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 3 đô thị tại 3 vùng kinh tế trọng điểm tại phía Bắc, phía Nam và miền Trung và đến năm 2030 hình thành một chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới", ông Nguyễn Văn Sinh cho biết.
Cũng tại hội thảo này, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết hiện nay trên cả nước hiện có khoảng 30 địa phương đã phê duyệt và triển khai các dự án, đề án về phát triển đô thị thông minh. Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá việc phát triển đô thị thông minh còn nhiều bất cập và lúng túng. Do đó, ông Hưng khuyến nghị các địa phương cần có nhận thức đúng về vấn đề này, các điều kiện cần và đủ để từng bước xây dựng thành công mô hình đô thị thông minh tại địa phương, tránh đầu tư dàn trải, làm theo phong trào.
"Trước khi triển khai xây dựng đô thị thông minh cần nghiên cứu kỹ đặc thù của từng địa phương để đưa ra chiến lược hợp lý, tránh việc đầu tư dàn trải, làm theo phong trào", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị.
Ông Hưng cho biết sẽ phát triển chính quyền điện tử làm nòng cốt cho phát triển đô thị thông minh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với cơ quan nhà nước. Bởi triển khai đô thị thông minh mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tồn tại nhiều thách thức, trong đó việc hợp tác và chia sẻ dữ liệu tối quan trọng.
Hội thảo này có sự tham gia của nhiều diễn giả đến từ Hàn Quốc, doanh nghiệp quốc tế và tập đoàn lớn của Việt Nam với 7 bài trình bày về các vấn đề liên quan tới việc phát triển đô thị thông minh.
Đây là một trong 5 hội thảo chuyên đề diễn ra đồng thời trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit năm 2019. Sự kiện được đồng bảo trợ bởi Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và chỉ đạo chuyên môn với sự tham gia của các bộ ngành với chủ đề: "Chủ trương và Chương trình Hành động của Việt Nam Chủ động tham gia Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4".