16:16 15/05/2025

Phát triển kinh tế xanh và bước chuyển chiến lược của Ninh Bình

Nguyễn Thuấn

Từng là một tỉnh nghèo với hình ảnh “4B: buồn, bực, bụi, bẩn”, Ninh Bình đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và bảo tồn di sản gắn với tăng trưởng bền vững...

Ninh Bình với thế mạnh du lịch sinh thái sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế xanh
Ninh Bình với thế mạnh du lịch sinh thái sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế xanh

Hơn 30 năm trước, vào thời điểm tái lập tỉnh (năm 1992), Ninh Bình là một tỉnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp và thủy sản – chiếm tới 62,9% GDP, trong khi công nghiệp chỉ mới manh nha, nhỏ lẻ và công nghệ lạc hậu. Tỷ lệ hộ nghèo lên đến hơn 20%, hạ tầng kỹ thuật xuống cấp nghiêm trọng. Người dân từng mưu sinh bằng cách phá núi nung vôi, gây bụi bẩn, ô nhiễm môi trường.

CHUYỂN HƯỚNG TỪ “NÂU” SANG “XANH”

Trong bối cảnh đó, Ninh Bình đã định hướng lại chiến lược phát triển. Một trong những chủ trương mang tính đột phá của tỉnh này là chuyển từ công nghiệp vật liệu xây dựng sang công nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường và đặc biệt là khai thác tiềm năng du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, di sản văn hóa.

Từ đầu những năm 2000, Ninh Bình đã thực hiện chuyển hướng từ "nâu" sang "xanh", bảo vệ núi đá vôi, rừng đặc dụng, phát triển du lịch sinh thái và gắn kết giữa bảo tồn thiên nhiên – văn hóa – kinh tế. Đây là quan điểm phát triển xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ, được cụ thể hóa bằng hàng loạt chính sách và hành động đồng bộ.

Sự kiện Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào ngày 25/6/2014 được xem là bước ngoặt lớn nhất trong hành trình phát triển du lịch xanh tại Ninh Bình. Là Di sản hỗn hợp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á, Tràng An trở thành biểu tượng của vùng đất Cố đô, thu hút mạnh mẽ du khách trong nước và quốc tế.

Ngay sau khi được công nhận, tỉnh Ninh Bình đã đối mặt với thách thức không nhỏ khi vùng lõi của Di sản có hơn 14.000 người dân sinh sống. Việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển được xác định là nhiệm vụ sống còn. Nghị quyết chuyên đề số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Tỉnh ủy đã đưa ra định hướng rõ ràng: bảo tồn phải song hành với phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chí quốc tế về bảo vệ di sản và phù hợp với định hướng kinh tế xanh.

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP SINH THÁI, CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ SẠCH

phát triển nông nghiệp xanh, bền vững. Hiện nay, tỉnh đã có một số mô hình nông nghiệp cơ bản đáp ứng tiêu chí kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp như mô hình sản xuất lúa hữu cơ, cánh đồng lúa Tam Cốc, đầm sen Hang Múa, hay các sản phẩm OCOP từ sen, hoa cúc, sâm Cúc Phương… Những mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Tài nguyên tỉnh Ninh Bình những kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng. Các rào cản hiện hữu gồm tư duy sản xuất còn nặng tính truyền thống, lạm dụng hóa chất trong trồng trọt, thiếu chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ và còn thiếu cơ chế, chính sách đủ mạnh để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Để tháo gỡ những rào cản này, các cơ quan chức năng tỉnh này đang tăng cường truyền thông để thay đổi nhận thức người dân, phát động các phong trào trồng cây xanh, bảo vệ cảnh quan sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu. Cùng với đó cần ưu tiên nguồn lực trồng rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển, phát triển du lịch sinh thái và nghiên cứu triển khai thí điểm các mô hình nông nghiệp hữu cơ, từ đó xây dựng bộ tiêu chí công nhận sản phẩm tuần hoàn, hữu cơ, giảm phát thải.

Rừng ngập mặn huyện Kim Sơn (Ninh Bình) phủ kín một màu xanh
Rừng ngập mặn huyện Kim Sơn (Ninh Bình) phủ kín một màu xanh

Bên cạnh nông nghiệp, lĩnh vực công nghiệp cũng được tỉnh định hướng rõ ràng theo hướng công nghệ sạch, hiện đại, tiết kiệm tài nguyên.

Cụ thể, Ninh Bình đã dừng thu hút các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, chiếm nhiều đất mà hiệu quả kinh tế thấp. Thay vào đó là ưu tiên các ngành nghề có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến và lao động địa phương, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là ngành sản xuất lắp ráp ô tô.

Mục tiêu thu hút đầu tư của Ninh Bình hiện nay phải phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Ninh Bình đang hướng đến xây dựng, phát triển trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ – trung tâm văn hóa, lịch sử và du lịch của cả nước và khu vực.

 

Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định 218/QĐ-TTg ngày 4/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Quy hoạch Ninh Bình lựa chọn mô hình phát triển "xanh" dựa trên các ngành kinh tế trụ cột, các hành lang phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.

Trong đó, 4 ngành kinh tế trụ cột gồm: (1) Lấy du lịch, công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế di sản làm mũi nhọn; (2) Lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm động lực thúc đẩy một số ngành công nghiệp công nghệ cao; (3) Lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; (4) Lấy nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ.