09:10 26/10/2007

Phí chứng khoán sẽ thay đổi ra sao?

Lan Hương

Việc sửa đổi chính sách phí là vô cùng cấp thiết bởi sau 7 năm hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển nhanh

Mức phí giao dịch môi giới chứng khoán đối với cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đầu tư sẽ quy định mức sàn là 0,15% đến 0,5% giá trị giao dịch.
Mức phí giao dịch môi giới chứng khoán đối với cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đầu tư sẽ quy định mức sàn là 0,15% đến 0,5% giá trị giao dịch.

Sau 7 năm hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển nhanh và đã đến lúc chính sách phí cần được xây dựng một cách đầy đủ hơn.

Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Đề án hoàn thiện chính sách phí đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán diễn ra vào sáng ngày 25/10/2007 tại Hà Nội đã nhận được sự quan tâm của 80 đại diện đến từ Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán, công ty chứng khoán, công ty niêm yết, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và các ngân hàng lưu ký.

Đây là những đối tượng thuộc diện điều chỉnh của chính sách phí sửa đổi dự kiến ban hành vào cuối năm 2007.

Theo ông Nguyễn Sơn, Phó Trưởng ban phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc sửa đổi lúc này là vô cùng cấp thiết bởi sau 7 năm hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển nhanh và đã đến lúc chính sách phí cần phải được xây dựng một cách đầy đủ hơn đối với thị trường giao dịch chứng khoán niêm yết và đối với việc tổ chức quản lý giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết.

Mặt khác, Luật Chứng khoán đã có hiệu lực quy định Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán là pháp nhân độc lập và do đó cần có quy định tự chủ tài chính cao hơn.

Thêm vào đó, cho đến nay, tính pháp lý của 2 Thông tư 01 và 02 do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành năm 2000 đã không còn phù hợp nữa. Việc điều chỉnh chính sách phí sẽ theo hướng tránh bao cấp, nâng cao tính tự chủ và chất lượng cung cấp dịch vụ của các tổ chức tham gia thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, hiện nay phí do các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán đã được quy định tại nhiều văn bản pháp luật. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Sơn nhiều loại phí trên thị trường chứng khoán hiện nay vẫn ở mức khá thấp.

Đối với các khoản thu phí do Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Giao dịch chứng khoán thu như phí sử dụng hệ thống thiết bị với mức 20 triệu đồng/1 thiết bị đầu cuối/năm là chưa đủ bù đắp các chi phí thực tế phát sinh. Về khoản phí niêm yết hàng năm, Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội hiện vẫn chưa thu và biểu thu phí chưa phản ánh được quy mô niêm yết và mức độ đại chúng của chứng khoán niêm yết.

Riêng với Trung tâm Lưu ký chứng khoán hiện chỉ thu phí lưu ký chứng khoán và chuyển khoản, tuy nhiên các mức phí này cũng thấp so với các chi phí phát sinh. Tình trạng phổ biến hiện nay là các công ty chứng khoán giảm phí bảo lãnh phát hành xuống quá thấp (0,25% giá trị bảo lãnh phát hành) đã ảnh hưởng không tốt đến chất lượng của đợt bảo lãnh phát hành.

Để hạn chế tình trạng này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất bỏ mức thu phí tối đa đối với phí bảo lãnh phát hành và quy định mức phí sàn là 2% trên tổng giá trị bảo lãnh phát hành. Tương tự, mức phí dịch vụ môi giới cũng được các công ty chứng khoán sử dụng làm công cụ cạnh tranh chủ yếu trong giai đoạn hiện nay và việc không quy định mức phí sàn khiến nhiều tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán miễm giảm một cách tùy tiện, nhiều công ty chỉ thu phí 01,% hoặc thậm chí miễn phí trong khoảng giai đoạn đầu hoạt động.

Theo đề xuất của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mức phí giao dịch môi giới chứng khoán đối với cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đầu tư sẽ quy định mức sàn là 0,15% đến 0,5% giá trị giao dịch. Đối với trái phiếu, mức thu cũng được điều chỉnh từ 0,05% đến 0,1% giá trị giao dịch thay vì mức tối đa 0,15% giá trị giao dịch như hiện nay.

Theo đề án, ngoài việc điều chỉnh một số phí hiện đang thu thì cũng sẽ có thêm nhiều khoản phí mới đánh vào hoạt động cung cấp dịch vụ chứng khoán. Tuy nhiên, sự thay đổi theo hướng tăng của các loại phí trên thị trường chứng khoán được đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giải thích sẽ phải đảm bảo các nguyên tắc: đảm bảo bù đắp chi phí vận hành của các tổ chức cung cấp dịch vụ, đảm bảo phục vụ nhà đầu tư, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức kinh doanh chứng khoán và đảm bảo sự linh hoạt và bao quát hoạt động.

Đối với các khoản phí do Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán thu, sẽ tăng mức phí sử dụng thiết bị đầu cuối lên 50 triệu đồng/thiết bị/năm thay vì 20 triệu đồng như hiện nay. Tuy nhiên khi các Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán bỏ đại diện tại sàn sẽ không thu phí sử dụng thiết bị đầu cuối mà thu phí cho quyền sử dụng hệ thống của thành viên.

Phí quản lý niêm yết hàng năm sẽ sửa đổi theo hướng phụ thuộc vào vốn điều lệ của doanh nghiệp niêm yết, nếu niêm yết dưới 89 tỷ đồng nộp phí 10 triệu đồng, niêm yết từ 80 tỷ -500 tỷ đồng thu phí 15 triệu đồng và niêm yết từ 500 tỷ đồng trở lên sẽ thu phí 200 triệu đồng.

Ngoài ra sẽ bổ sung thêm 3 loại phí mới gồm: phí chấp thuận niêm yết chứng khoán (dự kiến 20 triệu đồng/tổ chức niêm yết), phí cấp phép niêm yết bổ sung (5 triệu đồng/lần niêm yết bổ sung) và phí thành viên giao dịch gồm: phí gia nhập thành viên đóng một lần đầu tiên 300 triệu đồng/thành viên và phí thành viên đóng hàng năm 50 triệu đồng/thành viên.

Đối với Trung tâm lưu ký chứng khoán, phí lưu ký chứng khoán tăng thành: 0,5 đồng/cổ phiếu, chứng chỉ quỹ/tháng, phí chuyển khoản giữ nguyên và sửa đổi mức thu tính trên 1 đơn vị chứng khoán 0,5đồng/chứng khoán/1 lần chuyển khoản, tối đa 500.000 đồng/lần chuyển khoản.

Đồng thời bổ sung thêm phí đăng ký lưu ký lần đầu tùy theo giá trị đăng ký, phí đăng ký bổ sung khi phát hành cổ phiếu để tăng vốn với mức dự kiến 5 triệu đồng/lần đăng ký bổ sung, phí thực hiện quyền dự trên số lượng cổ đông, phí sửa lỗi sau giao dịch với mức thu 500.000 đồng/1 giao dịch sửa lỗi, phí thành viên lưu ký.

Riêng với việc phát hành chứng chỉ quỹ sẽ chính thức thu trên tổng giá trị chứng chỉ quỹ chào bán và do Công ty quản lý quỹ thu từ 1-2% tùy theo giá trị chào bán. Mức này thấp hơn mức 3% mà công ty quản lý quỹ đang thu hiện nay.

Đối với các công ty đại chúng sẽ có thêm các loại phí như: phí quản lý công ty đại chúng do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thu, phí sử dụng thiết bị đầu cuối hệ thống giao dịch chứng khoán chưa niêm yết, phí đăng ký giao dịch do Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội thu, phí hủy giao dịch với mức thu 1 triệu đồng/1 giao dịch bị hủy do Trung tâm lưu ký chứng khoán thu.