15:37 15/05/2021

Phi cơ do thám, “mỏ vàng” mới cho các nhà sản xuất máy bay xa xỉ

Bình Minh

Đó là những phi cơ có vẻ bề ngoài của máy bay doanh nghiệp nhưng bên trọng được trang bị khả năng do thám...

Máy bay phản lực Bombardier Global 6500 - Ảnh: Reuters.
Máy bay phản lực Bombardier Global 6500 - Ảnh: Reuters.

Tháng trước, một máy bay màu xám bí ẩn - trông như một máy bay phản lực doanh nghiệp - cất cánh từ Thuỵ Điển và bay qua vùng Baltic để thực hiện một chuyến do thám thường kỳ.

Bị phát hiện trên một trang web theo dõi hàng không, phi cơ trên là một máy bay do thám của Không quân Thuỵ Điển. Chuyến do thám diễn ra tại một khu vực dày đặc tín hiệu radar Nga ngoài khơi Kaliningrad.

Ngoài hai vị trí phồng lên một cách kín đáo bên dưới thân, máy bay do thám S102B Korpen của Thuỵ Điển được chuyển đổi từ phi Gulfstream trông không khác gì những chiếc máy bay phản lực doanh nghiệp xa xỉ mà Gulfstream vẫn sản xuất và bán cho giới doanh nghiệp trên khắp thế giới. Nhưng ở bên trong, những máy bay này thực sự là “tai mắt” của một cuộc chiến tình báo chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt.

 

Giá một chiếc máy bay phản lực doanh nghiệp có thể dao động từ 20-60 triệu USD, nhưng mức giá của một phi cơ như vậy được chuyển đổi thành máy bay do thám có thể vượt mức 200 triệu USD.

Theo hãng tin Reuters, nhiều chính phủ đang cân nhắc những máy bay phản lực doanh nghiệp “sứ mệnh đặc biệt” – những phi cơ có vẻ bề ngoài của máy bay doanh nghiệp nhưng bên trọng được trang bị khả năng do thám. Một lợi thế của những máy bay như vậy là chi phí vận hành có thể rẻ hơn so với máy bay chở khách hay máy bay quân sự được chuyển đổi làm máy bay do thám.

Nhu cầu này đang mở ra cơ hội kinh doanh mới cho một số hãng trước nay chuyên sản xuất máy bay phản lực phục vụ tư nhân và doanh nghiệp như Gulfstream, Bombardier và Dassault Aviation, cũng như các công ty của Israel, châu Âu và Mỹ chuyên cung cấp các hệ thống tình báo cao cấp.

Nguồn thạo tin nói rằng sự chú ý đang đổ về phía Hàn Quốc, vì nước này năm nay có thể tìm mua loạt máy bay cảnh báo sớm để bổ sung cho lực lượng gồm những chiếc máy bay do thám chuyển đổi từ Boeing 737. Theo nguồn tin, Hàn Quốc đang xem xét loại máy bay phản lực có khả năng “nghe”, khiến Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Raytheon của Mỹ đề xuất trang bị hệ thống “nghe” và trí tuệ nhân tạo cho máy bay phản lực Bombardier.

Những đơn hàng như vậy còn ít ỏi, nhưng có mức lợi nhuận cao hơn nhiều, và không bị ảnh hưởng bởi những cuộc khủng hoảng như Covid-19.

Giá một chiếc máy bay phản lực doanh nghiệp có thể dao động từ 20-60 triệu USD, nhưng mức giá của một phi cơ như vậy được chuyển đổi thành máy bay do thám có thể vượt mức 200 triệu USD - nguồn thạo tin cho biết.

 

Các nhà sản xuất không tiết lộ dữ liệu doanh số bán máy bay sứ mệnh đặc biệt. Tuy nhiên, theo công ty nghiên cứu JETNET của Mỹ, số máy bay này mới chiếm khoảng 5% tổng số máy bay phản lực doanh nghiệp cabin lớn được bán mỗi năm.

Trước đây phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thường xuyên biến động của thị trường máy bay phản lực doanh nghiệp, Bombardier cho biết giờ đây hãng đầu tư nhiều nguồn lực hơn cho máy bay phục vụ mục đích quân sự. “Có nhiều cơ hội đến với chúng tôi trong vài tháng trở lại đây”, CEO Eric Martell của Bombardier nói với Reuters.

Các nhà sản xuất không tiết lộ dữ liệu doanh số bán máy bay sứ mệnh đặc biệt. Tuy nhiên, theo công ty nghiên cứu JETNET của Mỹ, số máy bay này mới chiếm khoảng 5% tổng số máy bay phản lực doanh nghiệp cabin lớn được bán mỗi năm. Cũng theo JETNET, Gulfstream là nhà cung cấp lớn nhất về máy bay phản lực doanh nghiệp cho các khách hàng là chính phủ, theo sau là Bombardier và Dassault.

Nhưng ngay cả khi máy bay phản lực doanh nghiệp được trang bị khả năng do thám trở thành xu hướng, thì đã xuất hiện một đối thủ mới nổi lên: máy bay không người lái (drone) hoạt động đường dài.

Chẳng hạn, chiếc drone có tên Global Hawk của Northrop Grumman được sử dụng để thu thập dữ liệu tình báo ở các vùng biển có giá khoảng 130 triệu USD.

“Mối đe doạ chính trong tương lai đối với thị trường máy bay doanh nghiệp chuyển đổi làm máy bay do thám là thiết bị bay không người lái, thậm chí là vệ tinh quỹ đạo thấp”, nhà phân tích thuộc lĩnh vực quốc phòng Francis Tusa, phát biểu. “Nhưng những đối thủ này có mức giá không hề rẻ, nên giải pháp máy bay doanh nghiệp vẫn sẽ ổn”.