15:20 18/05/2011

Phía sau chiến lược không gian mạng của Mỹ

Hồng Ngọc

Tổng thống Mỹ viết, tài liệu "không chỉ phác họa triển vọng không gian mạng, mà còn đưa ra cả lộ trình để thực hiện điều đó"

Ngày càng nhiều quốc gia đưa ra chiến lược an ninh mạng của mình.
Ngày càng nhiều quốc gia đưa ra chiến lược an ninh mạng của mình.
Hôm 16/5, Nhà Trắng đã công bố một tài liệu mang tên "Chiến lược không gian mạng quốc tế" dày 30 trang, trong đó đưa ra những đề xuất chính sách hợp tác quốc tế, để đảm bảo môi trường Internet được an toàn và cởi mở.

Trong phần mở đầu, Tổng thống Mỹ Barack Obama viết rằng, "các quốc gia (nguyên văn: chúng ta) có thể hợp tác để thiết lập tương lai cho không gian mạng cởi mở, an toàn và đáng tin cậy", hãng tin AFP cho biết. Ông Obama là người đã đặt vấn đề an ninh mạng lên ưu tiên hàng đầu, ngang hàng với chính sách ngoại giao can dự.

Theo ông, tài liệu này "không chỉ phác họa triển vọng không gian mạng, mà còn đưa ra được cả một lộ trình để thực hiện điều đó". "Chiến lược mang lại hoàn cảnh thực tế, giúp các đối tác của Mỹ (nguyên văn: chúng ta) ở trong và ngoài nước hiểu được những ưu tiên của Washington và cách thức các bên có thể phối hợp để bảo vệ đặc tính của không gian mạng, giảm thiểu các mối đe dọa".

Hãng tin AFP cho rằng, "Chiến lược không gian mạng quốc tế" tuy là bộ tài liệu ngắn gọn, song đã nêu rõ được các mục tiêu, cũng như khuôn khổ hợp tác quốc tế trong việc thúc đẩy tầm nhìn của Mỹ về không gian mạng. Sự kiện công bố tài liệu, tuy không có sự tham dự của Tổng thống Mỹ, nhưng bù lại, hàng loạt nhân vật quan trọng đã có mặt như bộ trưởng các bộ Ngoại giao, An ninh nội địa, Tư pháp và Thương mại.

Bà Hillary Clinton, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, cho biết, "Chiến lược không gian mạng quốc tế" của Mỹ xoay quanh 7 chính sách ưu tiên lớn, bao gồm thúc đẩy tự do Internet, can dự kinh tế nhằm khuyến khích đối mới và thương mại trên không gian mạng với sự đảm bảo sở hữu trí tuệ. Theo bà, "chúng tôi muốn hợp tác hơn nữa để bảo vệ sự riêng tư, tự do giao lưu trực tuyến, tương tự như ngoại tuyến".

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, các ưu tiên khác trong chiến lược này là tăng cường khả năng thực thi luật pháp để đáp trả tội phạm mạng, hợp tác quốc phòng nhằm giúp "các đồng minh của Mỹ phối hợp chặt chẽ hơn trong việc đương đầu với những mối đe dọa an ninh mạng".

James Lewis, chuyên gia an ninh mạng thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược, nhận định tài liệu này tuy chưa thực sự rõ nét, nhưng có thể coi là sự khởi đầu tốt, bởi nó cho thấy Mỹ mong muốn có một không gian Internet ổn định, cởi mở và an toàn. Theo ông, tài liệu này là một sự tiếp nối của Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ, vốn đã khẳng định Mỹ muốn tham gia cùng các nước và hợp tác trong vấn đề mạng toàn cầu.

"Chiến lược không gian mạng quốc tế" của Mỹ cũng kêu gọi mộ sự phản ứng mạnh mẽ trước các nguy cơ về an ninh mạng. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ William Lynn cho biết, các mạng Internet của Lầu Năm Góc "bị theo dõi hàng triệu lần mỗi ngày". Hơn 100 cơ quan tình báo nước ngoài luôn tìm cách xâm nhập hệ thống máy tính của Bộ Quốc phòng Mỹ hoặc mạng của các đối tác công nghiệp Mỹ.

Trong một tuyên bố, tòa Bạch Ốc cảnh báo, khi có lý do xác đáng, Mỹ sẽ đáp trả các hành động thù địch trên mạng. Nhà Trắng tuyên bố, "Mỹ cần duy trì quyền sử dụng mọi biện pháp cần thiết mang tính ngoại giao, thông tin, quân sự và kinh tế, phù hợp với quy định quốc tế, nhằm bảo vệ đất nước, các đồng minh, các đối tác và lợi ích của Mỹ".

Chủ tịch Hội đồng công nghiệp Công nghệ Thông tin Mỹ, ông Dean Garfield, hoan nghênh đề xuất chính sách mạng toàn cầu của Mỹ. Ông này cho rằng, ngày càng nhiều chính phủ trên khắp thế giới ban hành các luật liên quan tới an ninh mạng, nhưng quy định mỗi nơi mỗi khác. Trong bối cảnh như vậy, việc Mỹ đi đầu nhằm đạt được một giải pháp đồng thuận trong cộng đồng quốc tế về không gian mạng là rất quan trọng.