19:34 21/03/2011

Phía sau chuyến thăm Brazil của ông Obama

Hồng Ngọc

Cho dù lợi ích hai bên có nhiều điểm tương đồng, nhưng Brazil có vẻ sẽ tránh bị ràng buộc quá chặt vào các chính sách của Mỹ

Tổng thống Barack Obama và phu nhân trước khi rời Rio de Janeiro hôm 21/3 - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Barack Obama và phu nhân trước khi rời Rio de Janeiro hôm 21/3 - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm nay (21/3) sẽ rời Brazil tới Chile, chặng dừng chân tiếp theo của ông trong chuyến công du ba nước Mỹ Latin gồm Brazil, Chile và El Salvador kéo dài 5 ngày.

Cuộc công du của ông Obama nhằm thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế, thương mại và an ninh với các quốc gia trong khu vực được coi là có tầm quan trọng đặc biệt này của Mỹ. Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm tới chặng dừng chân đầu tiên của ông Obama. Bởi lẽ, Brazil là quốc gia có tiềm lực nhất trong khu vực Mỹ Latin và là một thành viên nhóm BRIC gồm Brazil, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

Thêm vào đó, kể từ khi hai nước Brazil, Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, các ông chủ Nhà Trắng tới Brazil 14 lần. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, một Tổng thống Mỹ thăm đồng nhiệm Brazil trước chứ không phải ngược lại.

Theo trang tin Stratfor, chuyến thăm Brazil của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mang lại cơ hội để Mỹ tiếp xúc với chính quyền mới được bầu của Tổng thống Dilma Rousself, trong bối cảnh Chính phủ Brazil đang hoạch định chương trình kinh tế và các quan hệ quốc phòng.

Điều quan trọng nhất là chuyến thăm này mang lại cho Mỹ một nền móng quan hệ để thúc đẩy các lợi ích kinh tế quan trọng của nước này tại Brazil. Cho tới nay, khu vực Mỹ Latin vẫn chiếm vị trí thấp trong danh sách ưu tiên đối ngoại của Mỹ và điều này có vẻ chưa thể thay đổi một sớm một chiều.

Tuy nhiên, sự phồn vinh và uy tín quốc tế ngày càng cao của quốc gia Nam Mỹ này đang khiến Mỹ thấy cần phải duy trì và phát triển các mối quan hệ hữu hảo, cũng như thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực Tây bán cầu.

Cho tới cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, Brazil đã bắt đầu nổi lên trên trường quốc tế, tìm cách tham gia các cuộc đàm phán hòa bình ở Trung Đông và củng cố quan hệ với Iran, bất chấp sự không hài lòng của Mỹ.

Chính quyền của Tổng thống tân nhiệm Rousself có vẻ như đang đánh giá lại một số chính sách của Brazil, thận trọng giữ thêm khoảng cách với những vấn đề gai góc hơn mà Mỹ đang can dự. Chính điều này đã tạo điều kiện để Washington lập lại quan hệ.

Sự hợp tác kinh tế được ưu tiên hơn trong chương trình chuyến thăm Brazil của ông Obama. Điều đó thể hiện rõ qua phái đoàn tháp tùng ông Obama gồm 300 doanh nhân nổi tiếng thuộc nhiều lĩnh vực, từ năng lượng tới viễn thông.

Các công ty Mỹ đang ngày một quan tâm tới thị trường tiêu dùng quy mô lớn và ngày càng giàu có của Brazil, cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước này. Các mỏ dầu ở ngoài khơi bờ biển phía đông Brazil sẽ đòi hỏi sự đầu tư về vốn và công nghệ của nước ngoài, một khi chính phủ chính thức cho phép khai thác.

Cố vấn của Tổng thống Mỹ, Mike Froman, cho biết “Brazil là nhà xuất khẩu năng lượng lớn. Họ vừa phát hiện thêm hàng loạt mỏ dầu mới”. Điều này càng bức thiết với Mỹ khi mà hồi năm ngoái, Mỹ bị tràn dầu, thiệt hại rất lớn về kinh tế, du lịch và môi trường và có thể rơi vào khủng hoảng hạt nhân như ở Nhật.

Với việc các công ty trên khắp thế giới đang tìm cách xâm nhập thị trường này, chuyến thăm của ông Obama tạo cơ hội để Chính phủ Brazil hỗ trợ các công ty Mỹ muốn đầu tư. Sự hỗ trợ này có thể bao gồm cả việc cung cấp tài chính trực tiếp cho các dự án năng lượng, thông qua ngân hàng xuất, nhập khẩu của Mỹ.

Một vấn đề khác cũng có thể kéo Mỹ và Brazil gần nhau hơn, đó là hai quốc gia này ngày càng chung quan ngại về luồng hàng giá rẻ của Trung Quốc, được hỗ trợ bởi đồng Nhân dân tệ được định giá thấp. Mô hình thương mại của Brazil với Trung Quốc đang thay đổi mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế.

Khi xuất khẩu sang Argentina và Mỹ, hai thị trường hàng đầu trước đây của Brazil, giảm mạnh do khủng hoảng, nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa từ Brazil lại tăng lên cao. Tuy nhiên, Trung Quốc ưu tiên nhập khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là khoáng sản, từ Brazil.

Đồng thời, hàng giá rẻ của Trung Quốc lại xâm nhập thị trường tiêu dùng Brazil và cạnh tranh ngày càng mạnh với các hãng nội địa của quốc gia Nam Mỹ. Do vậy, Brazil đang áp đặt các loại thuế chống bán phá giá đối với giày và đồ chơi của Trung Quốc, nhằm bảo vệ các hãng sản xuất nội địa.

Do Mỹ cũng có những lo ngại tương tự về thách thức cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc, chuyến thăm Brazil của Obama còn là cơ hội để hai bên thành lập mặt trận chiến đấu chung.

Tuy nhiên, cho dù lợi ích hai bên có nhiều điểm tương đồng, nhưng Brazil có vẻ sẽ tránh bị ràng buộc quá chặt vào các chính sách của Mỹ, cũng như chính sách của bất cứ quốc gia nào khác.

Là một nền kinh tế mới nổi, Brazil đã cho thấy rõ họ muốn có những chính sách độc lập với Mỹ và ngay sau chuyến thăm của ông Obama, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez sẽ tới Brazil. Điều này cho thấy, Brazil đang giữ nhiều mối quan hệ với các đối tác khác, ngoài Mỹ.

Phát biểu sau hội đàm hôm 20/3, Tổng thống Brazil Rousseff nhìn nhận việc tăng cường thương mại và liên minh chiến lược với Mỹ là một trong những cách thức để nước này tiếp tục đạt được các thành tựu trong việc giảm tỷ lệ người nghèo, mục tiêu mà Chính phủ Brazil đặt lên hàng đầu trong nhiệm kỳ này.

Tuy nhiên, ông vẫn tỏ ra không hài lòng trước một loạt khiếu kiện thương mại và chính sách tiền tệ của Mỹ, một dấu hiệu cho thấy cả hai bên vẫn chưa vượt qua được các tranh chấp khiến quan hệ song phương có phần lạnh nhạt trong những năm gần đây.