16:44 15/09/2010

Phiên giao dịch kịch tính của chứng khoán Nhật

An Huy

Chứng khoán Nhật trải qua một phiên giao dịch đầy kịch tính khi Tokyo bất ngờ can thiệp vào thị trường ngoại hối

Sự đảo chiều của chứng khoán Nhật đã gây hiệu ứng tích cực cho các thị trường khác trong khu vực, góp phần giúp nhiều thị trường tăng điểm trong phiên này - Ảnh: AP.
Sự đảo chiều của chứng khoán Nhật đã gây hiệu ứng tích cực cho các thị trường khác trong khu vực, góp phần giúp nhiều thị trường tăng điểm trong phiên này - Ảnh: AP.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản hôm nay đã trải qua một phiên giao dịch đầy kịch tính khi Chính phủ nước này bất ngờ can thiệp vào thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, chứng khoán châu Á nói chung đã không duy trì được đà tăng của những phiên trước do tác động từ phiên giảm điểm mạnh của thị trường Trung Quốc đại lục.

Thông tin tác động mạnh nhất tới diễn biến của thị trường chứng khoán Tokyo hôm nay là việc các nhà chức trách Nhật Bản quyết định không tiếp tục “khoanh tay đứng nhìn” trước sự leo thang không biết mệt của tỷ giá đồng Yên thời gian qua. Chính phủ của Thủ tướng Naoto Kan ra tuyên bố can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách bán ra đồng Yên nhằm giảm nhiệt tỷ giá đồng tiền này, theo đó hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu và nền kinh tế của đất nước mặt trời mọc.

Hiện chi tiết về số tiền mà Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) chi ra cho động thái can thiệp này chưa được công bố, nhưng theo hãng tin AP, con số có thể dao động trong khoảng 200-300 tỷ Yên và có khả năng còn cao hơn.

Động thái của BoJ được xem là gây một bất ngờ lớn trên thị trường tài chính và chứng khoán Nhật Bản hôm nay, vì đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2004 tới nay, chưa khi nào Chính phủ Nhật can thiệp vào thị trường tiền tệ. Thêm vào đó, trước khi chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo đảng cầm quyền hôm qua, ông Naoto Kan không phải là một người ủng hộ chủ trương can thiệp thị trường ngoại hối.

Đầu ngày giao dịch hôm nay, xu thế giảm điểm của ngày hôm trước tiếp tục bám đuổi thị trường chứng khoán Nhật, khiến hàn thử biểu Nikkei 225 có thời điểm mất 1,1% số điểm. Ở thời điểm đó, đồng Yên mạnh, phiên giảm điểm đêm trước của chỉ số Dow Jones ở Phố Wall, và nỗi lo về triển vọng kinh tế châu Âu đã tác động tiêu cực tới tâm lý của giới đầu tư cổ phiếu trên các sàn giao dịch ở Tokyo.

Tuy nhiên, chỉ số này đã đảo chiều chóng vánh và tăng tốc mạnh khi kế hoạch can thiệp tiền tệ được công bố. Giá cổ phiếu các nhà xuất khẩu lớn của Nhật Bản đua nhau tăng giá, đẩy chỉ số Nikkei 225 tăng điểm mạnh, chốt phiên giao dịch với mức tăng 2,3%, đạt mức cao nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Những cổ phiếu dẫn đầu phiên tăng điểm ngoạn mục này của chứng khoán Nhật phải kể tới cổ phiếu Sony tăng 4,1%, cổ phiếu Honda tăng 4%...

Theo dữ liệu của hãng tin tài chính Bloomberg, tỷ giá đồng Yên so với USD tại Tokyo hôm nay đã giảm về mức 85,45 Yên/USD từ mức 82,88 Yên/USD của ngày hôm qua - mức cao nhất kể từ giữa năm 1995 tới nay.

Sự đảo chiều của chứng khoán Nhật đã gây hiệu ứng tích cực cho các thị trường khác trong khu vực, góp phần giúp nhiều thị trường tăng điểm trong phiên này. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia chốt phiên tăng 0,8%, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 0,1%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,5%...

Tuy nhiên, phiên giảm điểm mạnh diễn ra tại thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục đã kéo toàn thị trường châu Á nói chung mất điểm hôm nay. Lúc 17h29 theo giờ Tokyo, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương giảm 0,2% so với mức đóng cửa phiên trước, còn 124,04 điểm, dù cứ 3 cổ phiếu tăng giá mới có 1 cổ phiếu giảm giá.

Chỉ số Shanghai Composite của chứng khoán Trung Quốc đại lục hôm nay mất 1,3% số điểm sau khi xuất hiện tin đồn cho rằng, Bắc Kinh sắp tới có thể áp dụng thêm các biện pháp nhằm hạ nhiệt giá nhà.

Cổ phiếu các công ty địa ốc lớn dẫn đầu sự giảm điểm của chứng khoán Trung Quốc đại lục phiên này. Tại sàn Thượng Hải, giá cổ phiếu hãng địa ốc Gemdale mất 2%, còn tại thị trường Hồng Kông, cổ phiếu của công ty phát triển nhà Guangzhou R&F Properties trượt 2,1%.

Thị trường chứng khoán châu Âu chiều nay giảm điểm nhẹ. Lúc 16h25 giờ Việt Nam, các chỉ số chính như Stoxx 50, FTSE 100 và DAX giảm xấp xỉ 0,1%. Giá vàng giao ngay tại thị trường London cùng thời điểm tăng 1,7 USD/oz so với giá đóng cửa phiên liền trước tại New York, đứng ở mức 1.271,5 USD/oz.

Đêm nay, những thống kê kinh tế được giới đầu tư ở Phố Wall chú ý bao gồm tình hình sản xuất công nghiệp tại bang New York, chỉ số giá hàng nhập khẩu, và sản lượng công nghiệp Mỹ.