Phiên ngày 14/11: Khối ngoại quay lại mua ròng hơn 61 tỷ đồng
Trong khi cả ba sàn đều "đỏ lửa", nhà đầu tư nước ngoài lại giao dịch khá tích cực khi quay lại mua ròng
Sau phiên sáng giữ được sắc xanh, đến phiên chiều, các chỉ số bắt đầu lao dốc. Trong đó, áp lực chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và một số blue-chips, đặc biệt là hai mã FPT và MWG.
Theo đó, kết thúc phiên giao dịch 14/11, VN-Index đóng cửa giảm 0,47 điểm (0,05%) xuống 1.012,30 điểm; HNX-Index giảm 0,96 điểm (0,89%) xuống 106,24 điểm và UpCom-Index cũng giảm 0,11 điểm (0,19%) xuống 56,71 điểm.
Toàn thị trường ghi nhận 277 mã tăng, 333 mã giảm và 180 mã giữ giá tham chiếu. Khối lượng giao dịch đạt 246,6 triệu đơn vị, tương ứng 5.072 tỷ đồng.
Đáng chú ý, sau phiên bán ròng khổng lồ hơn 700 tỷ đồng hôm qua, nhà đầu tư nước ngoài đã quay sang mua ròng trở lại. Tính trên cả ba sàn giao dịch, khối ngoại tổng cộng mua 61,5 tỷ đồng giá trị ròng.
Cụ thể, trên sàn HSX, khối ngoại mua vào với khối lượng hơn 12,1 triệu đơn vị, giá trị 321 tỷ đồng và bán ra với khối lượng 9,3 triệu đơn vị, giá trị 280 tỷ đồng. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 2,7 triệu đơn vị, tương ứng 40 tỷ đồng.
Ở chiều mua, bộ đôi cổ phiếu họ Vin là VRE và VHM được mua nhiều nhất với 90,7 tỷ đồng và 22,9 tỷ đồng. Xếp tiếp sau là PVT với 11,7 tỷ đồng.
Ở chiều bán, VNM bị bán ròng mạnh nhất với 40,4 tỷ đồng. Tiếp đó, VIC và VJC bị bán lần lượt 15,7 tỷ đồng và 12,2 tỷ đồng giá trị ròng.
Tuy nhiên, nếu xét về khối lượng, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 mới dẫn đầu danh mục bị bán ròng với gần 722 nghìn đơn vị, tương ứng tổng giá trị giá ròng đạt 11,1 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 3 liên tiếp với 177 nghìn cổ phiếu, tương ứng giá trị 2,6 tỷ đồng. Trong đó, họ tập trung mua PVS với 3,7 tỷ đồng. Ngoài ra, ở cả chiều mua và bán, không mã nào được trên 850 triệu đồng giá trị ròng.
Trên UpCom, khối ngoại đã mua ròng 847 nghìn cổ phiếu, tương ứng giá trị 18,9 tỷ đồng trong phiên giao dịch hôm nay. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 24 mã và tập trung chủ yếu vào ACV với 9,4 tỷ đồng. Ngược lại, VEA dù dẫn đầu 8 mã được mua ròng nhưng giá trị cũng chỉ dừng lại ở mức chưa đến 1 tỷ đồng.