18:23 20/06/2017

Phó thủ tướng: Doanh nghiệp cần cơ chế hơn là tiền

Song Hà

Nhiều doanh nghiệp lớn có ý định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiện vẫn nản lòng với cơ chế

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.<br>
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.<br>
“Không thể thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp khi mà thủ tục vẫn lắm nhiêu khê, trong khi hỗ trợ bằng tiền từ nguồn vốn ngân sách lại có hạn”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lên tiếng tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo nghị định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, chiều 19/6.

Tại hội thảo này, nhiều đại biểu cho rằng để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, phải cho “người góp vốn tiềm năng” thấy được mức độ hấp dẫn, tính khả thi của dự án, sự thuận lợi trong quá trình triển khai và sự minh bạch, rõ ràng về thông tin trong khâu thực hiện.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, ông Trần Mạnh Báo nói, điều mà các doanh nghiệp cần hỗ trợ nhất là thủ tục hành chính khi doanh nghiệp đầu tư như thủ tục tiếp cận thuê đất, thủ tục thu hút đầu tư mua máy móc công nghệ hay thủ tục về thuế. Ngoài ra đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có rất nhiều rủi ro, nên chính sách về thuế cần phải khác.

Ông Báo ví dụ, dự án đầu tư 100 tỷ đồng mà phải làm nhiều thủ tục, mất công sức, thời gian để nhận 5 tỷ đồng hỗ trợ, doanh nghiệp không làm.

Chủ tịch Tập đoàn TH, bà Thái Hương bày tỏ, trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các bộ nên thống nhất có quy định chung về chất lượng sản phẩm. Quy định đầu tiên của nông nghiệp phải là chất lượng sản phẩm, vì liên quan đến người tiêu dùng. Doanh nghiệp tự hoạch định cách làm, Nhà nước tập trung vào kiểm định chất lượng.

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, tính đến tháng 9/2016, cả nước chỉ có 4.424 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, chiếm dưới 1% tổng doanh nghiệp cả nước. Nghị định 210 về hỗ trợ doanh nghiệp sau 3 năm thực hiện chỉ hỗ trợ được 64 dự án với số vốn rất nhỏ và tác dụng rất hạn chế.

Lấy dẫn chứng cụ thể, Phó thủ tướng cho hay, ngân sách năm 2015 hỗ trợ thí điểm được 200 tỷ đồng cho 40 dự án của 21 địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng, năm 2016, ngân sách chỉ bố trí được 185 tỷ đồng làm nguồn vốn thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị định 210. Đây là con số quá nhỏ.

“Thực tế, nhiều doanh nghiệp rất nản lòng khi làm các thủ tục”, Phó thủ tướng nói. “Không ít bộ, ngành hiện nay vẫn có tình trạng cán bộ ngồi bàn giấy chưa quan tâm đến những vấn đề khả thi với doanh nghiệp và doanh nghiệp cần gì. Điều các doanh nghiệp cần chính là cơ chế, chính sách tốt, hơn là hỗ trợ trực tiếp bằng tiền”.

Do đó, ông nêu rõ quan điểm, mục đích cần đạt được là sau khi ban hành nghị định mới, phải thu hút được mạnh mẽ làn sóng doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn.