14:45 06/06/2018

Phó thủ tướng: Rà soát và điều chỉnh giảm phí BOT phù hợp

Hà Vũ

Chính phủ đã và đang chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm các dự án BOT

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ là thành viên Chính phủ thứ 5 trả lời chất vấn tại kỳ họp này của Quốc hội.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ là thành viên Chính phủ thứ 5 trả lời chất vấn tại kỳ họp này của Quốc hội.

Chính phủ đã và đang chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm các dự án BOT, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ báo cáo trước khi trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội, chiều 6/6.

Trong báo cáo ngắn, Phó thủ tướng nhấn mạnh một số vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, chất vấn.

BOT nhiều yếu kém và sai phạm

Liên quan đến đầu tư BOT và xử lý tồn tại các dự án BOT, vấn đề Bộ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Văn Thể đã trả lời, Phó thủ tướng khẳng định, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có đầu tư theo hình thức BOT là chủ trương rất cần thiết và đúng đắn. Chủ trương này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là đối với kết cấu hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng thì quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều vướng mắc, yếu kém và sai phạm. Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan, sớm nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. 

Đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành công khai, minh bạch quá trình thực hiện dự án, nhất là việc tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, ông Huệ khẳng định.

Về xử lý tồn tại của các dự án BOT, Phó thủ tướng nói, Chính phủ đã và đang chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, thanh tra, rà soát từng dự án BOT, khẩn trương quyết toán, điều chỉnh giảm phí BOT phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Giá lợn hơi tăng góp phần tăng CPI

Trong báo cáo, Phó thủ tướng cũng cập nhật tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm.

Theo Phó thủ tướng, kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,55% (chủ yếu do tăng giá xăng dầu và giá thịt lợn hơi), bình quân 5 tháng tăng 3,01%, lạm phát cơ bản tăng 1,34%.

Tín dụng 5 tháng tăng 5,8%, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Xuất khẩu 5 tháng đạt trên 93 tỷ USD, tăng 15,8%, xuất siêu 3,4 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước đạt khá, tăng 13,6%, bằng 41,6% dự toán. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6,75 tỷ USD, tăng 9,8%.

Theo nhận định của Phó thủ tướng, các ngành kinh tế tiếp tục phát triển ổn định. Nông nghiệp được mùa, giá bán tăng, nông dân có lãi, đời sống được cải thiện.

Sản xuất công nghiệp 5 tháng tăng 9,7%, trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 11,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,1%, loại trừ yếu tố giá tăng 8,3%. Khách quốc tế đạt trên 6,7 triệu lượt, tăng 27,6%.

Trong 5 tháng có trên 52 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; tổng số vốn đăng ký và bổ sung đạt 1,42 triệu tỷ đồng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm và có chuyển biến tích cực. Tạo việc làm cho trên 640 nghìn lao động, trong đó đưa 48 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng đánh giá, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng chậm lại. Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng cao hơn cùng kỳ năm 2017 nhưng mới đạt 22,5% dự toán. Nhập siêu của khu vực trong nước cao. Cắt giảm thủ tục hành chính nhiều nơi chưa đạt yêu cầu; chi phí logistics, vận tải, kho bãi... còn cao. Xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt liên tiếp. Tình hình khiếu nại, khiếu kiện, trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn diễn biến phức tạp.

Thời gian tới, Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát và chủ động ứng phó với diễn biến tình hình, tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2018.