09:55 09/08/2023

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Lắng nghe, đáp ứng các nguyện vọng phù hợp của trẻ em

Phúc Minh

Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục lắng nghe, xem xét và đáp ứng ý kiến, nguyện vọng phù hợp của trẻ em, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại Diễn đàn trẻ em quốc gia ngày 8/8...

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự và phát biểu tại Diễn đàn trẻ em quốc gia ngày 8/8. Ảnh - Hà Nam.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự và phát biểu tại Diễn đàn trẻ em quốc gia ngày 8/8. Ảnh - Hà Nam.

Diễn đàn do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tới dự và phát biểu tại Diễn đàn.

Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 7 (diễn ra từ ngày 5 đến 8/8), có sự tham dự của 188 trẻ em đến từ nhiều vùng miền trong cả nước. Các em là những gương mặt tiêu biểu, được bình chọn từ 43 tỉnh, thành phố, đơn vị, đại diện cho 25 triệu trẻ em trong cả nước tham dự Diễn đàn.

Tại phiên chính thức của Diễn đàn diễn ra sáng 8/8, nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề của trẻ em như: Làm thế nào để giảm tình trạng tảo hôn ở trẻ em dân tộc? Giải pháp nào để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiệu quả? Đâu là giải pháp để giảm thiểu tai nạn thương tích; phòng chống xâm hại, bạo lực đối với trẻ em? Làm thế nào để nắm thông tin về trẻ em và xử lý các vấn đề về trẻ em một cách hiệu quả. Cách nào để giúp trẻ bị xâm hại, bị bạo lực vượt qua được khủng hoảng, ổn định tâm lý?…đã được gửi đến đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành liên quan.

Những ý kiến, kiến nghị của các em đã được đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Y tế, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam… giải đáp và làm rõ.

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, cho biết trong những năm qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế luôn được hoàn thiện để bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn quyền trẻ em ở Việt Nam, tạo lập môi trường sống an toàn, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. 

Tiếng nói của trẻ em ngày càng được các cấp, các ngành coi trọng. Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn giảm; trẻ em tử vong do đuối nước giảm qua mỗi năm. Tiếng nói của trẻ em, phát hiện của các em thông qua Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, cơ quan tổ chức Đoàn, Đội và thông qua xã hội được triển khai ngày càng tốt hơn.

Các đại biểu tham dự diễn đàn vùng với đại diện trẻ em. Ảnh - Hà Nam. 
Các đại biểu tham dự diễn đàn vùng với đại diện trẻ em. Ảnh - Hà Nam. 

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước biểu dương những thành tích học tập, rèn luyện mà các em đã đạt được, trong đó có những em đã vượt lên hoàn cảnh, vượt khó khăn để trở thành những tấm gương tiêu biểu, lan tỏa tới bạn bè, cộng đồng.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào Đảng, Nhà nước, gia đình và xã hội luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em bằng cách hiện thực hóa thành những chính sách lớn về giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, y tế, tạo lập môi trường để “trẻ em không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại”.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, công tác trẻ em là sự nghiệp vô cùng lớn lao, hệ trọng, phải thực hiện thường xuyên, liên tục, bền bỉ, lâu dài, từ những việc làm cụ thể, trong đó người lớn phải làm gương.

Để tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục lắng nghe, xem xét và đáp ứng ý kiến, nguyện vọng phù hợp của trẻ em, nhất là những địa phương chưa quan tâm đầy đủ đến công tác này.

Ông cũng yêu cầu cần tăng cường sự phối hợp cả ba nhân tố là gia đình, nhà trường và xã hội để dành tình cảm, những gì tốt nhất cho trẻ em, nhất là những cháu có hoàn cảnh đặc biệt, nhằm phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, rèn luyện kỹ năng mềm, kỹ năng sống, biết điều hay, lẽ phải, có đủ kiến thức để ứng phó và tự bảo vệ mình trước các tình huống nguy hiểm như bị bạo hành, bị xâm hại về thể chất hoặc tinh thần; có thể tránh, phòng ngừa các hành vi, hiện tượng xấu, tiêu cực, nguy cơ bị tai nạn thương tích, đuối nước...

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể chính trị-xã hội cùng tham gia xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa, an toàn trên môi trường mạng, có giải pháp ngăn chặn hiệu quả các thông tin xấu, độc, nội dung không phù hợp với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng; phát động nhiều phong trào bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, hình thành nếp sống thân thiện, hòa mình với thiên nhiên trong các em nhỏ.

Phó Thủ tướng cũng mong muốn, sau diễn đàn này, khi trở về địa phương, các em tiếp tục có những sáng kiến, cách làm phù hợp để cùng lãnh đạo địa phương, nhà trường, gia đình…giảm thiểu những rủi ro, tai nạn với chính các em; đồng thời đề nghị các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai những giải pháp để tạo lập môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện cho mọi trẻ em.