17:08 23/08/2024

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Ngày càng nhiều lĩnh vực kinh tế được hưởng lợi từ AI

Nhĩ Anh

Công nghệ AI đang góp phần nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống con người. Trên thực tế, ngày càng nhiều lĩnh vực kinh tế được hưởng lợi từ AI. Tuy nhiên, sự phát triển của AI cũng đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, quản trị...

Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, nhấn mạnh điều này tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) 2024 với chủ đề “mở khóa sức mạnh trí tuệ nhân tạo tạo sinh”, diễn ra chiều ngày 23/8/2024,

AI4VN là sự kiện thường niên do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, Báo VnExpress tổ chức, với sự phối hợp của Câu lạc bộ Các Khoa- Viện- Trường Công nghệ thông tin- Truyền thông (FISU).

AI LÀ TRỤ CỘT CỦA KINH TẾ SỐ VÀ VIỆT NAM ĐANG NẮM BẮT TỐT CÁC CƠ HỘI

Việt Nam đang có những cơ hội bứt phá từ AI tạo sinh. Chia sẻ tại sự kiện, GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigdata, cho rằng làn sóng AI tạo sinh trên thế giới bắt đầu khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào tháng 11/2022. Ngay sau đó, nhiều quốc gia và tập đoàn lớn cũng nhanh chóng tham gia cuộc đua này, khiến 2023 trở thành một năm bùng nổ của AI tạo sinh. 

Theo GS. Văn, ứng dụng AI tạo sinh trở thành xu hướng tất yếu. Nhìn thấy được tiềm năng vượt trội của AI tạo sinh, các doanh nghiệp đã rất mạnh tay đầu tư để phát triển và ứng dụng công nghệ này.

Đầu tư vào AI tạo sinh lại tăng lên nhanh chóng. Chỉ tính riêng năm 2023, tổng số tiền các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào AI tạo sinh lên tới 25,23 tỷ đô la, tăng gần 9 lần so với trước đó 1 năm.

GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigdata.
GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigdata.

Ứng dụng AI tạo sinh dần trở thành xu hướng tất yếu. Báo cáo quý I/2024 của McKinsey, có tới 65% doanh nghiệp đã ứng dụng AI tạo sinh vào các hoạt động vận hành, kinh doanh, tăng gần gấp đôi so với 2023 (33%).

Trong đó, các lĩnh vực được doanh nghiệp ứng dụng AI tạo sinh nhiều nhất bao gồm Marketing & Sales (34%), phát triển sản phẩm- dịch vụ (23%) và Công nghệ thông tin (17%).

Nêu góc nhìn về cơ hội từ AI, ông Marc Woo, Giám đốc điều hành, phụ trách Việt Nam, Google châu Á- Thái Bình Dương, Google nhấn mạnh tiềm năng to lớn của Việt Nam. Trong một thập kỷ, đơn vị nhận thấy GenAI mang lại cho nhiều cơ hội chuyển đổi số, và Việt Nam nắm bắt rất tốt điều này.

Ông Marc Woo, Giám đốc điều hành, phụ trách Việt Nam, Google Châu Á- Thái Bình Dương.
Ông Marc Woo, Giám đốc điều hành, phụ trách Việt Nam, Google Châu Á- Thái Bình Dương.

Trong kỷ nguyên GenAI, ông Marc khẳng định rằng trong vài năm qua, thế giới chứng kiến rất nhiều cách sử dụng, tác động đến Việt Nam và toàn thế giới.

Đầu tiên AI sẽ giúp cải thiện, nâng cao năng suất, tiết kiệm thời gian và nắm bắt thông tin chính xác hơn. Sale, marketing, nhân sự... đều có thể sử dụng AI để cắt giảm chi phí, nâng hiệu quả.

GenAI cũng thay đổi trải nghiệm khách hàng, giúp con người dễ dàng khám phá sản phẩm, giúp trải nghiệm này thoải mái hơn thông qua các đề xuất cụ thể. Ngoài ra, AI cũng tác đông đến sự hiện đại hóa các quy trình vận hành doanh nghiệp.

Chia sẻ tại sự kiện, bà Kim Hee-Eun, Giám đốc phụ trách Chính sách Cạnh tranh tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Tập đoàn Meta, nói về những tác động xã hội của AI.

Nghiên cứu cho thấy năm 2023, thị trường AI toàn cầu đạt 196 tỷ USD; tăng trưởng hàng năm 37,3%. Dự báo tăng trưởng của AI giai đoạn 2023-2030 khoảng 20 lần. Với tốc dự báo tăng trưởng theo cấp số nhân như vậy, trí tuệ nhân tạo đã tác động đến mọi mặt của xã hội.

Theo bà Kim Hee-Eun, AI đã giúp khai phá đổi mới sự sáng tạo và đẩy mạnh tiềm năng tăng trưởng cho nhiều lĩnh vực. Công nghệ này mang đến sự chuyển đổi toàn diện, cải thiện năng suất, an toàn trong nhiều ngành nghề. 

Tại Việt Nam, AI mang đến nhiều tiềm năng khai phá. AI được đánh giá như là ưu tiên hàng đầu trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là với ngành bán dẫn, ngành hứa hẹn sẽ trở thành huyết mạch của kinh tế.

Bà cho biết Meta đã làm việc với Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ biến AI trở thành trụ cột quan trọng kinh tế số.

Nhận xét Việt Nam đã có những bước tiến trong xây dựng hệ sinh thái AI, ông Iain Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, cho biết trong năm 2023, Vương quốc Anh và Việt Nam đã có nhiều sự hợp tác trong AI tại các lĩnh vực y tế, phần mềm, phát triển an ninh mạng. Đầu năm nay, 15 công ty công nghệ của Anh đã đến Việt Nam.

AI là trọng tâm để Anh phát triển kỷ nguyên mới tăng trưởng kinh tế, gia tăng chất lượng dịch vụ công. Chính phủ Anh cam kết phát triển AI cân bằng, an toàn, và sẽ phát triển các khung pháp lý trong tương lai để đảm bảo vấn đề này.

Còn bà Renée Deschamps, Đại biện Lâm thời Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, nhận xét Việt Nam đang ở trong một giai đoạn quan trọng, đó là chuyển đổi số. Hiện AI không chỉ giúp thay đổi đời sống mà còn mở rộng cơ hội phát triển.

PHÁT TRIỂN AI CÓ TRÁCH NHIỆM, XÂY DỰNG HỆ SINH THÁI BỀN VỮNG

Phát biểu tại sự kiện, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng AI đã trở thành một trong những công nghệ chủ chốt của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi thế giới và cuộc sống của nhân loại.

AI đang được thúc đẩy phát triển rất mạnh mẽ tại nhiều quốc gia với tiềm năng ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Trong năm 2023, đã chứng kiến những đột phá liên quan đến các công nghệ nền tảng như Mô hình ngôn ngữ lớn (Large Linguistic Model), Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) và các ứng dụng nổi bật dựa trên các nền tảng này.

Nhận thức được tầm quan trọng của AI, thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn rất quan tâm, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, định hướng cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ AI.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Ngày càng nhiều lĩnh vực kinh tế được hưởng lợi từ AI - Ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 với mục tiêu đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN.

Sau 3 năm triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, Việt Nam đã đạt một số kết quả bước đầu đáng được khích lệ. Công nghệ AI đang góp phần nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Trên thực tế, ngày càng nhiều lĩnh vực kinh tế được hưởng lợi từ AI.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, sự phát triển nhanh chóng của AI cũng đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, quản trị không chỉ tại Việt Nam mà tất cả quốc gia trên thế giới.

"Việt Nam luôn khẳng định, việc phát triển và ứng dụng AI phải lấy lợi ích quốc gia, lợi ích của xã hội và người dân làm trung tâm, không được lạm dụng công nghệ để xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp này", ông nói.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: AI đang phát triển vượt bậc và nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế xã hội cũng như giải quyết các thách thức xã hội.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy: AI đang phát triển vượt bậc và nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế xã hội cũng như giải quyết các thách thức xã hội.

Thông qua Ngày Hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam năm 2024, Phó thủ tướng đề nghị tất cả cùng hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, các sáng kiến, giải pháp về xây dựng chính sách và quản lý, các kinh nghiệm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng về AI, kinh nghiệm trong việc hình thành và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao để góp phần thúc đẩy việc phát triển hệ sinh thái AI bền vững tại Việt Nam.

Đánh giá cao nỗ lực xây dựng hơn 10 chương trình đào tạo chuyên biệt về AI, và một số tổ chức, doanh nghiệp đã chủ động đầu tư nghiên cứu phát triển một số sản phẩm AI phục vụ cho cuộc sống, đặc biệt là các sản phẩm dựa trên nguồn dữ liệu và tri thức đặc thù của Việt Nam, Phó Thủ tướng đề nghị, các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, đào tạo, đầu tư, phát triển, cung cấp sản phẩm AI để phục vụ đời sống của mọi người.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ ngành đã nỗ lực phát triển hành lang pháp lý, triển khai các cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho phát triển AI ở Việt Nam. Nhưng sự xuất hiện của AI đã mở ra nhiều thách thức về quản lý, như vấn đề đạo đức AI, phát triển AI có trách nhiệm đang được các quốc gia, tổ chức quốc tế quan tâm.

Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, trong đó nêu rõ định hướng phát triển và ứng dụng AI lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Triển khai định hướng này, ông Duy cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định số 1290/QĐ-BKHCN ngày 11/6/2024 hướng dẫn một số nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển các hệ thống AI có trách nhiệm.

Đây là văn bản đầu tiên ở Việt Nam nêu ra một số nguyên tắc chung cần chú ý trong nghiên cứu, phát triển các hệ thống AI có trách nhiệm và khuyến nghị các tổ chức, đơn vị, cá nhân tự nguyện tham khảo, áp dụng trong quá trình nghiên cứu, thiết kế, phát triển cung cấp các hệ thống AI.

Bộ Khoa học và Công nghệ hy vọng AI4VN có thể góp phần phát triển hệ sinh thái AI bền vững, đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI tại khu vực ASEAN và trên thế giới như đã đề ra tại Chiến lược.