07:30 07/11/2008

Phố Wall có hai ngày tồi tệ nhất trong 21 năm

Duy Cường

Ngày 6/11, chứng khoán Mỹ tiếp tục sụt giảm, đẩy thị trường có hai ngày mất điểm mạnh nhất kể từ tháng 10/1987

Sau hai ngày ông Obama đắc cử, chứng khoán Mỹ đã giảm 10% và đây cũng chính là hai ngày giảm điểm liên tiếp mạnh nhất kể từ tháng 10/1987 - Ảnh: Reuters.
Sau hai ngày ông Obama đắc cử, chứng khoán Mỹ đã giảm 10% và đây cũng chính là hai ngày giảm điểm liên tiếp mạnh nhất kể từ tháng 10/1987 - Ảnh: Reuters.
Ngày 6/11, chứng khoán Mỹ tiếp tục sụt giảm, đẩy thị trường có hai ngày mất điểm mạnh nhất kể từ tháng 10/1987.

Chứng khoán Mỹ giảm 10% sau hai ngày Obama đắc cử

Giá dầu thô kỳ hạn giao tháng 12 tại NYMEX trong ngày 6/11 đã tiếp tục sụt giảm 4,53 USD/thùng, tương ứng 6,94%, đóng cửa ngày giao dịch ở mức 60,77 USD/thùng.

Sau khi đắc cử vị trí Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama đã lên kế hoạch tổ chức họp báo vào ngày 7/11.

Thông cáo báo chí có đoạn: “Cuộc họp báo này sẽ có sự góp mặt của nhóm tư vấn kinh tế của ông Barack Obama là cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Lawrence Summers và Robert Rubin; cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Paul Volcker, cựu Chủ tịch Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ William Donaldson và các thành viên khác”.

Riêng nhà tỷ phú – cố vấn kinh tế cho ông Obama, ông Warren Buffett sẽ tham gia họp báo qua điện thoại.

Ngoài ra, theo giới quan sát nhận định, rất có thể ông Obama sẽ công bố ai sẽ đảm nhận vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ trong nhiệm kỳ của ông (ông Obama sẽ chính thức nhậm chứ vào ngày 20/1/2009).

Theo giới phân tích nhận định, trong bối cảnh hiện nay, ông Obama khó có thể tìm ra phương thức đột phá trong việc cứu hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế Mỹ. Vì đã có nhiều sáng kiến được đưa ra – có sáng kiến đã được thực thi, đang thực thi, nhưng đến nay, hiệu quả vẫn chưa được nhiều.

Sau khi giảm mạnh vào phiên giao dịch ngày 5/11, chứng khoán Phố Wall phiên này tiếp tục đi xuống với biên độ giảm gần bằng phiên trước đó. Như vậy, sau hai ngày ông Obama đắc cử, chứng khoán Mỹ đã giảm 10% và đây cũng chính là hai ngày giảm điểm liên tiếp mạnh nhất kể từ tháng 10/1987.

Trong ngày 6/11, Bộ Lao động Mỹ thông báo, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 1/11 ở Mỹ đã giảm 4.000 người xuống mức 481.000. Như vậy, trung bình trong 4 tuần qua, số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở nước này ở mức 477.000.

Theo giới phân tích nhận định, rất có thể số liệu về tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ (dự kiến được công bố vào ngày 7/11) sẽ tăng từ 6,1% trong tháng Chín lên 6,3% trong tháng Mười. Đây là một trong các nỗi lo lớn đối với kinh tế Mỹ, khiến giới đầu tư bán tháo cổ phiếu trong hai ngày qua.

Bên cạnh đó, số liệu về mức chi tiêu dùng của người dân đã giảm mạnh, kết quả kinh doanh của một số tập đoàn như Walt Disney, Qualcomm đều gây thất vọng trong khi viễn cảnh về lợi nhuận của hãng Cisco cũng không có gì sáng sủa hơn.

Một điểm khác biệt khác đã đến trong phiên này là mức độ ảnh hưởng từ đợt cắt giảm lãi suất của ECB, BoE cũng không xuất hiện dấu hiệu tích cực trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Có chăng cũng chỉ xuất hiện trên thị trường tiền tệ khi đồng USD lên 1,44% so với các ngoại tệ mạnh khác, trong đó tăng 1,9% so với đồng Euro và 1,88% so với đồng Bảng Anh.

Trong phiên này, 30 mã chứng khoán trong chỉ số Dow Jones tiếp tục cùng mất điểm, trong đó 6 mã chứng khoán có sức ảnh hưởng lớn đến việc sụt giảm của chỉ số Dow Jones gồm: cổ phiếu IBM mất 5,33%, Chevron (CVX) hạ 6,37%, cổ phiếu Boeing trượt 7,73%, cổ phiếu Exxon xuống 5,06%, cổ phiếu United Technologies (UTX) giảm 5,7% và cổ phiếu General Motors trượt 13,67%.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 6/11: Chỉ số công nghiệp Dow Jones sụt giảm 443,48 điểm, tương đương -4,85%, đóng cửa ở mức 8.695,79.

Chỉ số Nasdaq phiên này trượt 72,94 điểm, tương đương -4,34%, chốt ở mức 1.608,7.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 mất 47,89 điểm, tương đương -5,03%, đóng cửa ở mức 904,88.

Khối lượng trên sàn New York phiên này ở mức 1,53 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 5 cổ phiếu mất điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm. Khối lượng giao dịch trên sàn Nasdaq đạt 2,39 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 11 mã mất điểm thì có 3 mã lên điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm mạnh bất chấp ECB và BoE cắt giảm lãi suất

Ngày 6/11, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa ra quyết định cắt giảm 0,5% lãi suất cơ bản đối với đồng Euro, từ mức 3,75%/năm xuống 3,25%/năm. Như vậy trong vòng 29 ngày qua, ECB đã hai lần cắt giảm lãi suất và đưa mặt bằng lãi suất cơ bản đối với đồng Euro từ 4,25% xuống 3,25%/năm.

Theo giới phân tích nhận định, việc mạnh tay cắt giảm lãi suất của ECB là nhằm giải cứu hệ thống tài chính và thúc đẩy nền kinh tế 15 nước trong khu vực sử dụng chung đồng Euro thoát khỏi bời vực suy thoái.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng đã đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản đối với đồng Bảng Anh. Tuy nhiên, sự khác biệt đã xảy ra khi BoE đưa ra quyết định cắt giảm 1,5% lãi suất cơ bản, đưa mặt bằng lãi suất Bảng Anh từ 4,5% xuống 3%/năm. Đây là mức cắt giảm lãi suất mạnh nhất của BoE kể từ năm 1981.

Theo giới phân tích nhận định, hiện Anh đang đối mặt với một thị trường bất động sản suy giảm mạnh, khu vực sản xuất đi xuống và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Thậm chí, giới phân tích còn nhận định, BoE có thể sẽ tiếp tục hạ lãi suất đồng Bảng xuống dưới 3%/năm trong thời gian tới.

Bất chấp việc cắt giảm lãi suất của ECB và BoE, chứng khoán châu Âu vẫn tiếp tục đi xuống với biên độ giảm điểm lớn hơn phiên trước đó. Theo giới phân tích nhận định, việc hai ngân hàng trung ương này cắt giảm lãi suất đã nằm trong dự báo, nên sức ảnh hưởng của quyết định này đã được hiện thực bằng 6 phiên tăng điểm liên tiếp trước ngày 5/11.

Thậm chí khi BoE đưa ra mức cắt giảm gây sốc, khiến giới đầu tư lo lắng về sức khỏe nền kinh tế Anh hơn và do đó tác động mạnh hơn đến quyết bán ra.

Trong phiên này, các cổ phiếu blue-chip khối ngân hàng, năng lượng đều giảm mạnh, trong đó, cổ phiếu HSBC mất 4,1%, cổ phiếu UBS giảm gần 8%, cổ phiếu Credit Suisse trượt hơn 7%; cổ phiếu BP hạ gần 6%, cổ phiếu

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 258,32 điểm, tương đương -5,7%, đóng cửa ở mức 4.272,41, khối lượng giao dịch đạt 2,5 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này hạ 6,84%, khối lượng giao dịch đạt 56 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp trượt 6,38%, khối lượng giao dịch đạt 211 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á “bổ nhào”

Trái ngược với đà tăng ấn tượng phiên trước đó, phiên giao dịch này, chứng khoán châu Á chứng kiến một màu đỏ phủ khắp các thị trường lớn cùng với biên độ giảm điểm đáng lo ngại.

Nhiều quan ngại về số liệu tình hình việc làm ở Mỹ sẽ xấu đi (dự kiến sẽ được công bố vào ngày 6/11) khiến các nhà đầu tư lưỡng lự khi đưa ra quyết định mua vào.

Chứng khoán Nhật đã sụt giảm mạnh phiên giao dịch hôm thứ Năm với biên độ lớn nhất trong vòng gần 2 tuần qua. Cổ phiếu blue-chip của các nhà sản xuất ôtô, điện tử,.. đều giảm trên 9%, góp phần đẩy chỉ số Nikkei 225 chìm sâu.

Dấn ấn cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã sớm qua đi và nỗi lo về sức khỏe nền kinh tế lại bao trùm lên nhiều thị trường chứng khoán thế giới và thị trường chứng khoán Nhật cũng không phải là ngoại lệ.

Ngay khi thị trường chứng khoán mở cửa, chỉ số Nikkei 225 đã giảm mạnh và đà giảm liên tục được duy trì đến hết ngày giao dịch. Sự trượt giảm liên tục này có sự tương đồng với chiều đi của thị trường chứng khoán Mỹ phiên giao dịch ngày 5/11.

Các cổ phiếu blue-chip trong chỉ số Nikkei 225 đã đồng loạt giảm mạnh, trong đó, cổ phiếu của Toyota giảm hơn 10%, cổ phiếu Honda hạ 9,8%, cổ phiếu Nissan giảm 9%, cổ phiếu Canon sụt giảm 12,6%, cổ phiếu Sony trượt 11,1%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 622,1 điểm, tương đương -6,53%, chốt ở mức 8.899,14. Khối lượng giao dịch phiên này đạt 2,38 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 7 cổ phiếu mất điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm.

Chứng khoán Trung Quốc phiên giao dịch này đã đảo chiều xuống điểm, các cổ phiếu khối ngân hàng và lọc dầu mất điểm với biên độ lớn đã kéo toàn thị trường đi xuống. Trong đó, cổ phiếu của Ngân hàng Xây dựng trung Quốc giảm 6%, cổ phiếu China Overseas Land Investment hạ 7%, cổ phiếu CNOOC mất 9%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Shanghai Composite giảm 42,89 điểm, tương đương -2,44%, chốt ở mức  1.717.72.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên này giảm 5,71%. Chỉ số Straits Times của Singapore tăng 2,14%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông trượt 7,08%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc hạ 7,56%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 9.139,27 8.695,79  Down443,48 Down4,85
Nasdaq 1.681,64 1.608,70 Down  72,94 Down4,34
S&P 500 952,77 904,88  Down  47,89 Down5,03
Anh FTSE 100 4.530,73 4.272,41  Down258,32 Down5,70
Đức DAX 5.166,87 4.813,57  Down353,30 Down6,84
Pháp CAC 40 3.618,11 3.387,25  Down230,86 Down6,38
Đài Loan Taiwan Weighted 4.978,26 4.694,12 Down284,14 Down5,71
Nhật Nikkei 225 9.521,24 8.899.14 Down622,10 Down6,53
Hồng Kông Hang Seng 14.840,20 13.790,04 Down1.050,12 Down7,08
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.181,50 1.092.22 Down 89,28 Down7,56
Singapore Straits Times 1.868,82 1.788,15 Down 80,67 Down4,32
Trung Quốc Shanghai Composite 1.760,61 1.717.72 Down 42,89 Down2,44
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg