20:18 18/01/2010

Phố Wall hứa hẹn mùa thưởng chưa từng có

Kiều Oanh

Số tiền thưởng cho năm 2009 ở Phố Wall có khả năng vượt qua cả những con số của thời kỳ hoàng kim trước kia

Tuy vẫn thưởng nhiều, nhưng chính sách tiền thưởng của Phố Wall năm nay khắt khe hơn để kiềm chế cơn giận của dư luận - Ảnh: AP.
Tuy vẫn thưởng nhiều, nhưng chính sách tiền thưởng của Phố Wall năm nay khắt khe hơn để kiềm chế cơn giận của dư luận - Ảnh: AP.
Có thể phải giảm bớt tiền thưởng vì áp lực từ phía các nhà chức trách và dư luận, ngành tài chính Mỹ vẫn đang chuẩn bị tung ra những khoản thưởng lớn chưa từng có trong lịch sử.

Năm 2009 là năm đánh dấu sự phục hồi nhanh chóng của Phố Wall từ khủng hoảng tài chính, và số tiền thưởng cho năm này có khả năng vượt qua cả những con số của thời kỳ hoàng kim trước kia.

Hãng tin tài chính Bloomberg dẫn số liệu ước tính của giới phân tích trong ngành tài chính Mỹ cho biết, bộ phận ngân hàng đầu tư của các nhà băng Goldman Sachs, Morgan Stanley và JPMorgan Chase có thể sẽ chi thưởng tới 27,6 tỷ USD cho kỳ thưởng cuối năm 2009. Số tiền thưởng này cao gần gấp rưỡi so với năm ngoái, và vượt cả mức kỷ lục 26,8 tỷ USD của năm 2007, nhưng thấp hơn dự báo đưa ra hồi cuối năm 2009.

Các ngân hàng hiện đã thông báo kế hoạch trả thưởng nhiều hơn bằng cổ phiếu, đồng thời sẽ trả dần thưởng bằng tiền mặt, nhằm đáp ứng lời kêu gọi của các nhà chức trách về việc tăng cường tính trách nhiệm của giới lãnh đạo nhà băng trong hoạt động dài hạn của ngân hàng.  

Tuy nhiên, khoản thưởng kỷ lục nói trên chắc chắn vẫn sẽ khiến dư luận Mỹ bất bình, vì trong thời gian khủng hoảng năm 2009, hàng loạt định chế tài chính lớn của nước này đã phải tồn tại nhờ tiền thuế của dân. Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây đã đề xuất đánh thuế mới vào ngành ngân hàng Mỹ để thu hồi triệt để số tiền mà Chính phủ nước này đã chi ra cho chương trình 700 tỷ USD giải cứu ngành tài chính.

JPMorgan Chase, ngân hàng lớn thứ hai tại Mỹ xét về giá trị tài sản, cho biết, tổng số tiền mà họ chi cho lương thưởng của bộ phận ngân hàng đầu tư trong cả năm qua là 9,33 tỷ USD. Bình quân, mỗi người làm việc tại JPMorgan Chase kiếm được 380.000 USD trong năm 2009.

Là ngân hàng đầu tư kiếm nhiều lợi nhuận nhất trong lịch sử Phố Wall, trong 3 quý đầu năm 2009, Goldman Sachs đã dành riêng 16,7 tỷ USD, tương đương 47% doanh thu, cho quỹ lương thưởng của năm.

Do lợi nhuận suy giảm trong quý 4/2009, Goldman có thể giảm tỷ lệ số tiền trích cho lương thưởng trong quý này so với doanh thu xuống mức 25%. Theo giới phân tích, tổng lương thưởng năm 2009 tại bộ phận ngân hàng đầu tư của Goldman có thể chiếm 43% doanh thu của bộ phận này, mức thấp nhất kể từ khi Goldman trở thành công ty đại chúng vào năm 1999.

Tuy vẫn thưởng nhiều, nhưng chính sách tiền thưởng của Phố Wall năm nay khắt khe hơn để kiềm chế cơn giận của dư luận.

Theo nguồn tin thân cận của Bloomberg, Morgan Stanley, công ty chứng khoán lớn thứ hai ở Phố Wall trước khi chuyển đổi thành ngân hàng từ năm ngoái, dự kiến sẽ thực hiện chính sách trả dần ít nhất 65% tiền thưởng cuối năm 2009 cho 30 lãnh đạo cao nhất. Trong đó, 1/5 số tiền thưởng này sẽ bị ràng buộc với tình hình lỗ lãi của ngân hàng.

Goldman Sachs mới đây cho biết, 30 lãnh đạo hàng đầu của ngân hàng này sẽ được hưởng tiền thưởng cuối năm dưới dạng cổ phiếu, mà số cổ phiếu này sẽ không được phép bán trong vòng 5 năm. JPMorgan Chase cũng tuyên bố sẽ chi thưởng phần lớn dưới dạng cổ phiếu và quy định lãnh đạo phải giữ 75% số cổ phiếu thưởng đó trong một thời gian nhất định.

Theo thông lệ, các công ty chứng khoán ở Phố Wall thường chi gần một nửa doanh thu hàng năm để trả lương, thưởng và các chế độ phúc lợi. Tiền thưởng cuối năm thường chiếm 60% tổng mức lương thưởng của cả năm.

Tỷ lệ quỹ lương thưởng so với doanh thu thường được điều chỉnh trong năm tùy theo tình hình doanh thu của từng quý. Trong 9 tháng đầu năm nay, tổng số tiền mà Goldman Sachs, Morgan Stanley và JPMorgan Chase dành riêng cho quỹ lương thưởng bộ phận ngân hàng đầu tư của năm 2009 là 36,4 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ước tính của giới phân tích, ba ngân hàng này có thể chi 46,1 tỷ USD để trả lương thưởng cho cả năm 2009 tại bộ phận ngân hàng đầu tư, so với mức 30,9 tỷ USD của năm 2008 và 44,7 tỷ USD của năm 2007.

Hai ngân hàng hàng đầu khác của Mỹ là Bank of America và Citigroup không công bố số liệu riêng về lương thưởng tại bộ phận ngân hàng đầu tư của họ.

(Theo Bloomberg)