07:20 14/07/2009

Phố Wall tăng điểm mạnh nhờ khối ngân hàng

Duy Cường

Ngày 13/7, chứng khoán Mỹ đã có phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ ngày 1/6 nhờ sự dẫn dắt của cổ phiếu ngân hàng

Chỉ số Dow Jones và S&P 500 đã có phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ ngày 1/6 - Ảnh: AP.
Chỉ số Dow Jones và S&P 500 đã có phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ ngày 1/6 - Ảnh: AP.
Ngày 13/7, chứng khoán Mỹ đã có phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ ngày 1/6 nhờ sự dẫn dắt của cổ phiếu ngân hàng.

Hôm thứ Hai, chuyên gia phân tích Meredith Whitney - Giám đốc điều hành Meredith Whitney Advisory Group, bà thường xuyên xuất hiện trên CNBC, Fox Business, Bloomberg - đã đưa ra dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ có thể tăng lên 13% hoặc cao hơn. Điều này sẽ tạo sức ép đối với nền kinh tế Mỹ trong một vài năm nữa.

Xuất hiện trên kênh truyền hình CNBC, bà Meredith Whitney đánh giá tốt triển vọng ngắn hạn đối với ngành ngân hàng và khuyên nên mua cổ phiếu khối này vì nó có thể tăng thêm 15%. Bà cũng đã nâng triển vọng cổ phiếu của Goldman Sachs vì ngân hàng này có thể đạt được kết quả kinh doanh tốt trong quý 2.

Ngoài Goldman Sachs, bà Meredith Whitney đã đánh giá cao triển vọng của Bank of America và cho rằng cổ phiếu này đang khá rẻ so với giá trị sổ sách. Bên cạnh đó, cổ phiếu của JPMorgan Chase cũng được đánh giá cao.

S&P 500 tái lập mốc 900 điểm

Chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh phiên đầu tuần với sự dẫn dắt của cổ phiếu khối ngân hàng. Như vậy, chỉ số Dow Jones và S&P 500 đã có phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ ngày 1/6.

Cả ba chỉ số chứng khoán mở cửa ngày giao dịch đều có mức tăng xấp xỉ 0,2% và sau đó quay đầu giảm điểm trong vòng khoảng 30 phút. Thị trường phiên đầu tuần không có tin tức vĩ mô được công bố nên tưởng chừng lại có một ngày giao dịch ảm đạm nữa.

Tuy nhiên, nhận định của bà Meredith Whitney đã có tác động mạnh đối với cổ phiếu khối tài chính Mỹ, đặc biệt là cổ phiếu khối ngân hàng. Sức tăng của cổ phiếu khối tài chính đã nâng đỡ thị trường và tạo động lực để cổ phiếu các ngành khác tăng điểm sau chuỗi 4 tuần giảm điểm liên tiếp trước đó.

Từ khoảng 11h20 (giờ địa phương) đến 15h30, cả ba chỉ số đều chạy trong biên độ tăng từ 1-2% và kết thúc ngày giao dịch thì sức tăng của thị trường đã bật lên trên 2%.

Phiên này, cả 30 cổ phiếu trong chỉ số Dow Jones đều tăng điểm mạnh. Thị trường đã chứng kiến cổ phiếu khối tài chính có mức tăng mạnh nhất khi chỉ số S&P Tài chính tiến thêm 6,5%, trong đó cổ phiếu Goldman Sachs tăng 5,3%, Bank of America lên 9,34%, JPMorgan tiến thêm 7,33%, American Express lên 5,6%,...

Phố Wall tăng điểm mạnh nhờ khối ngân hàng - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến của chứng khoán Mỹ ngày 13/7 - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 13/7: chỉ số Dow Jones tăng 185,16 điểm, tương đương 2,27%, chốt ở mức 8.331,68.

Chỉ số Nasdaq phiên này lên 37,18 điểm, tương đương 2,12%, chốt ở mức 1.793,21.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 21,92 điểm, tương đương 2,49%, đóng cửa ở mức 901,05.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,19 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 5 cổ phiếu tăng điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm. Trên sàn Nasdaq có 1,95 tỷ cổ phiếu được giao dịch thành công, thị trường cứ có 3 cổ phiếu tăng điểm thì có 1 cổ phiếu mất điểm.

Những thông tin đáng chú ý trong tuần:

Thứ Ba: Công bố kết quả kinh doanh của Goldman Sachs, J&J, Intel và Yum Brands.

Thứ Tư: Công bố kết quả kinh doanh của Abbott Labs và Gannett.

Thứ Năm: Công bố kết quả kinh doanh của JPMorgan Chase, Nokia, Novartis, Biogen và IBM.

Thứ Sáu: Công bố kết quả kinh doanh của Bank of America, Citigroup, GE và Mattel.

Chứng khoán châu Âu tăng điểm mạnh nhờ khối ngân hàng

Cổ phiếu châu Âu đã đồng loạt tăng điểm hôm thứ Hai trước đà phục hồi mạnh của thị trường Mỹ. Cổ phiếu khối ngân hàng, năng lượng đã tăng điểm mạnh nên đã thúc đẩy thị trường khởi sắc.

Nhận thông tin tích cực từ triển vọng khối tài chính Mỹ, cổ phiếu nhiều ngân hàng châu Âu cũng tăng điểm ấn tượng, trong đó cổ phiếu BNP Paribas, Banco Santander, Credit Suisse, Royal Bank of Scotland, Barclays, Commerzbank và Deutsche Bank tăng từ 1,5% đến 4,3%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 74,96 điểm, tương đương 1,82%, chốt ở mức 4.202,13. Khối lượng giao dịch đạt 1,48 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức tăng 3,19%, khối lượng giao dịch đạt 23,7 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến thêm 2,31%, khối lượng giao dịch đạt 86,38 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á đột ngột giảm điểm mạnh

Mức giảm điểm đã diễn ra trên diện rộng cùng đó là biên độ giảm khá sâu tại các thị trường chứng khoán châu Á. Trong đó, thị trường Hàn Quốc, Đài Loan đã chứng kiến biên độ giảm trên 3,5%, còn thị trường Hồng Kông, Nhật thì mất trên 2,5%.

Nhưng lo ngại về triển vọng chưa khả quan của kinh tế Mỹ đã tác động không nhỏ đến quyết định đầu tư tại thị trường châu Á. Qua phân tích kỹ thuật và thực tiễn 4 tuần mất điểm liên tiếp của chứng khoán Mỹ đã tạo bức tranh không mấy sáng sủa của Phố Wall và điều này cũng góp phần tạo nên quyết định bán cổ phiếu của nhà đầu tư.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 2,5% xuống còn 98,1 điểm và lập mốc điểm thấp nhất kể từ ngày 18/5.

Cũng giống các thị trường khác, chứng khoán Việt Nam đã có phiên giảm điểm mạnh cùng sự sụt giảm của thanh khoản - điều này đã vượt ngoài dự báo của nhiều công ty chứng khoán trong nước.

Chỉ số VN-Index sau một khoảng thời gian giao dịch trong biên độ hẹp đã bất ngờ giảm sâu hơn trong hai phiên giao dịch gần đây nhất.

Liên quan đến thị trường chứng khoán Nhật, chỉ số Nikkei 225 đã sụt giảm mạnh phiên đầu tuần xuống mức thấp nhất trong vòng 8 tuần qua. Thị trường bị tác động mạnh bởi thông tin liên quan đến kế hoạch kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 30/8.

Bên cạnh đó, đồng Yên lên giá so với USD cũng đã thúc đẩy nhà đầu tư tăng mạnh bán cổ phiếu của nhiều hãng xuất khẩu lớn. Các cổ phiếu blue-chip đồng loạt giảm mạnh kéo chỉ số chứng khoán giảm sâu. Lực cầu yếu ớt trước các lệnh bán được gửi lên liên tục. Với phiên mất điểm này, chỉ số Nikkei 225 đã có 9 ngày giảm điểm với mức giảm 9,1%, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 18/5.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 236,95 điểm, tương đương -2,55%, chốt ở mức 9.050,33.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan mất 3,53%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam hạ 2,77%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc xuống 1,07%. Chỉ số ASX của Australia hạ 1,39%. Chỉ số Straits Times của Singapore trượt 1,65%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc xuống 3,53%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông mất 2,56%. Chỉ số BSE của Ấn Độ giảm 1,08%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
MỹDow Jones 8.146,528.331,68Up185,16Up2,27
Nasdaq1756,03 1.793,21Up  37,18Up2,12
S&P 500879,13901,05 Up  21,92Up2,49
AnhFTSE 1004.127,17 4.202,13Up  74,96Up1,82
ĐứcDAX4.576,314.722,34Up146,03Up3,19
PhápCAC 402.983,10 3.052,08 Up  68,98Up2,31
Đài LoanTaiwan Weighted6.769,866.530,82Down239,04Down3,53
NhậtNikkei 2259.287,28 9050,33Down236,95Down2,55
Hồng KôngHang Seng17.708,4217.254,60Down453,79Down2,56
Hàn QuốcKOSPI Composite1.428,621.378,12Down  50,50Down3,53
Singapore Straits Times2.307,982.269,84Down  38,14 Down1,65
Trung Quốc Shanghai Composite3.113,933.080,56Down  33,38Down1,07
Ấn ĐộBSE13.504,2013.358,87Down145,35 Down1,08
AustraliaASX3.790,603.738,00Down  52,60Down1,39
Việt NamVN-Index438,83426,67Down  12,16Down2,77
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg