07:12 05/03/2010

Phố Wall tăng tốc về cuối phiên

Duy Cường

Ngày 4/3, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm nhờ tin hỗ trợ từ thị trường việc làm và dịch vụ bán lẻ

Nhân tố hỗ trợ mạnh nhất đến đà tăng của thị trường đến từ khối dịch vụ bán lẻ khi các hãng phân phối hàng hóa đồng loạt công bố mức tăng trưởng doanh thu vượt bậc so với cùng kỳ năm trước - Ảnh: AP.
Nhân tố hỗ trợ mạnh nhất đến đà tăng của thị trường đến từ khối dịch vụ bán lẻ khi các hãng phân phối hàng hóa đồng loạt công bố mức tăng trưởng doanh thu vượt bậc so với cùng kỳ năm trước - Ảnh: AP.
Ngày 4/3, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm sau nhiều tin hỗ trợ như số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm và doanh thu bán lẻ tăng mạnh nhất kể từ năm 2007.

Hôm thứ Năm, Bộ Lao động Mỹ cho biết, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 27/2/2010 đã giảm 29.000, xuống 469.000 người, từ mức 498.000 trong tuần trước đó. Theo số liệu của Bộ này, tính đến ngày 20/2/2010, số người đang nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ là gần 5,9 triệu.

Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, số đơn đặt hàng ở các nhà máy đã tăng 1,7% trong tháng 1/2010 - thấp hơn 0,1% so với mức dự báo của giới phân tích nhưng là mức tăng cao nhất trong vòng 4 tháng qua.

Cũng trong ngày 4/3, Hiệp hội quốc gia các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ cho hay, chỉ số đo lường doanh số nhà chờ bán trong tháng 1/2010 đã giảm 7,6% so với tháng 12/2009, xuống 90,4 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009.

Cổ phiếu khối bán lẻ nâng đỡ thị trường

Mở cửa ngày giao dịch với mức tăng khá, nhưng sau hơn một giờ mở cửa, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã mất điểm sau khi thị trường đón nhận thông tin doanh số nhà chờ bán giảm mạnh và số đơn đặt hàng tại các nhà máy tăng thấp hơn kỳ vọng.

Tuy vậy, thị trường sớm lấy lại đà tăng điểm, duy trì xu thế đi lên trong gần hết thời gian giao dịch và tăng tốc về cuối phiên. Điểm đáng chú ý là giá trị đóng cửa của các chỉ số đã cao hơn giá trị mở cửa, đây được xem là một tín hiệu tích cực của thị trường, xét về mặt kỹ thuật.

Nhân tố hỗ trợ mạnh nhất đến đà tăng của thị trường đến từ khối dịch vụ bán lẻ khi các hãng phân phối hàng hóa đồng loạt công bố mức tăng trưởng doanh thu vượt bậc so với cùng kỳ năm trước và ấn tượng nhất kể từ năm 2007.

Các cổ phiếu khối bán lẻ phiên này cơ bản đều tăng điểm, trong đó cổ phiếu Wal-Mart Stores lên 0,56%, cổ phiếu Best Buy tiến thêm 1,64%, cổ phiếu Amazon.com nhích 2,1%, cổ phiếu Buckle tăng 6,32%, cổ phiếu Wet Seal tiến thêm 3,65%, cổ phiếu Target Corp tăng 2,4%...

Trong chỉ số Dow Jones có 9 cổ phiếu giảm điểm, 1 cổ phiếu đứng giá và 20 cổ phiếu lên điểm. Chính nhờ đà tăng hơn 1% của nhiều cổ phiếu nên chỉ số này mới có được phiên tăng điểm này, trong đó cổ phiếu American Express lên 1,62%, cổ phiếu Boeing tăng 1,74%, cổ phiếu Disney nhích 3%, cổ phiếu Coca Cola tiến thêm 1,02%, cổ phiếu United Tech tăng 1,08%.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York, American Stock Exchange và Nasdaq đạt 7,38 tỷ cổ phiếu. Trên sàn New York và Nasdaq, thị trường cứ có 3 cổ phiếu tăng điểm thì có 2 cổ phiếu giảm điểm.

Phố Wall tăng tốc về cuối phiên - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến của ba chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 4/3 - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 4/3: chỉ số Dow Jones tăng 47,38 điểm, tương đương 0,46%, chốt ở mức 10.444,14.

Chỉ số Nasdaq tiến thêm 11,63 điểm, tương ứng 0,51%, chốt ở mức 2.292,31.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 nhích 4,18 điểm, tương ứng 0,37%, đóng cửa ở mức 1.122,97.

Những thông tin đáng chú ý trong tuần:

Thứ Sáu: Bộ Lao động Mỹ công bố tỷ lệ thất nghiệp tháng 2; công bố tín dụng lĩnh vực tiêu dùng.

Chứng khoán châu Á đồng loạt đi xuống

Ngày 4/3, chứng khoán châu Á đã giảm điểm trên diện rộng sau khi có chuỗi 4 phiên tăng điểm liên tiếp trước đó.

Phiên giao dịch buổi sáng, sắc xanh vẫn hiện diện trên nhiều thị trường, tuy nhiên càng về cuối ngày giao dịch, biên độ giảm ngày một gia tăng.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã dẫn đầu biên độ giảm điểm của thị trường khu vực trước sự sụt giảm của cổ phiếu khối ngân hàng, do lo ngại việc kiểm soán tăng trưởng tín dụng sẽ gây ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận.

Lo ngại lãi suất cho vay lên cao và việc hạn chế cung tiền để hạ nhiệt tốc độ tăng trường kinh tế Trung Quốc đã đẩy chỉ số Shanghai Composite mất 7,7% trong những tháng đầu năm nay.

Cùng với biên độ giảm trên 1% của thị trường Hồng Kông, Nhật, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã mất 0,6% giá trị xuống 120,11 điểm, sau khi có 4 phiên lên điểm với giá trị tăng thêm 3,3%.

Tại Nhật, chỉ số Nikkei 225 đã giảm điểm mạnh do nhiều cổ phiếu blue-chip nhiều hãng xuất khẩu lớn mất điểm vì đồng Yên lên giá so với USD. Cổ phiếu Mitsubishi Motors đã giảm tới 10,6%, cổ phiếu TDK Corp hạ 2,9%, cổ phiếu Toyota mất 1,3%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 107,42 điểm, tương đương -1,05%, xuống 10.145,72 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 1,7 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 3 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm.

Điểm qua kết quả giao dịch của các thị trường châu Á khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan giảm 0,78%. Chỉ số Straits Times của Singapore mất 0,62%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam tiến thêm 0,9%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc hạ 0,26%. Chỉ số BSE của Ấn Độ xuống 0,28%.

Thị trường Chỉ số Phiên trước Đóng cửa Tăng/giảm (điểm) Tăng/giảm (%)
MỹDow Jones10.396,7610.444,14Up 47,38Up0,40
Nasdaq2.280,682.292,31Up 11,63Up0,51
S&P 5001.118,791.122,97Up   4,18Up0,37
AnhFTSE 1005.533,215.527,16Down   6,05Down0,11
ĐứcDAX5.817,885.795,32Down 22,56Down0,39
PhápCAC 403.842,523.828,40Down 14,11Down0,37
Đài LoanTaiwan Weighted7.629,527.569,80Down  59,72Down0,78
Nhật BảnNikkei 22510.253,1410.145,72Down107,42Down1,05
Hồng KôngHang Seng20.876,7920.575,78Down301,01Down1,44
Hàn QuốcKOSPI Composite1.622,441.618,20Down    4,24Down0,26
SingaporeStraits Times2.782,56 2.765,59Down  17,20 Down0,62
Trung QuốcShanghai Composite3.097,003.023,37Down  73,63Down2,38
Ấn ĐộBSE16.927,7316.952,43Down  47,58 Down0,28
AustraliaASX4.743,804.757,60Up  13,80Up0,29
Việt NamVN-Index 507,32511.91Up   4,59 Up0,90
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomber