Phố Wall tiếp tục giảm điểm, giá dầu lần đầu sụt xuống dưới 100 USD/thùng trong 3 tháng
Phố Wall tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (12/7) khi các dấu hiệu ngày càng nhiều của suy thoái khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trước lúc dữ liệu lạm phát được công bố...
Lúc đầu phiên, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều lình xình nhưng giảm mạnh vào cuối phiên. Báo cáo Giá Tiêu dùng của Bộ Lao động Mỹ dự kiến được công bố vào ngày thứ Tư (13/7), sau đó một loạt ngân hàng lớn sẽ báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 trong tuần này.
“Các nhà đầu tư đang chờ để xem điều gì đã xảy ra với Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lợi nhuận của các doanh nghiệp”, ông Brent Schutte, Giám đốc đầu tư tại Northwestern Mutual Wealth Management Company – có trụ sở ở Milwaukee, bang Wisconsin (Mỹ), nhận xét. "Trong vài tháng qua, chúng ta đã xoay chuyển qua lại giữa mối lo lạm phát và nỗi lo suy thoái. Điều này diễn ra gần như hàng ngà. Tôi không nghe thấy nhiều người nói về việc ‘bắt đáy’”.
Báo cáo CPI được dự báo sẽ cho thấy lạm phát Mỹ tăng nhiệt trong tháng 6. Tuy nhiên, CPI lõi – chỉ số loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng – mới là nhân tố quan trọng giúp xác định xem lạm phát đã đạt đỉnh hay chưa. Nếu lạm phát đã đạt đỉnh, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể sẽ nhẹ tay hơn trong chính sách thắt chặt tiền tệ vào mùa thu này.
Paul Kim, tổng giám đốc tại Simplify ETFs (New York, Mỹ) dự báo CPI có thể tháng 6 “có thể tăng 8% hoặc thậm chí 9%. Và với mức này, Fed chỉ có một lựa chọn”.
Mối quan ngại về động thái quá mạnh nhằm chống lạm phát của Fed có thể đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái bị đẩy lên cao hơn khi đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm đang đảo ngược mạnh nhất kể từ tháng 3/2010. Đây là một dấu hiệu tiềm tàng rủi ro trong ngắn hạn và suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Thị trường dự báo Fed sẽ nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tháng 7 – đánh dấu lần tăng lãi suất thứ ba liên tiếp.
Lúc đóng cửa, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 192,51 điểm, tương đương mức giảm 0,62%, còn 30.981,33 điểm. S&P 500 mất 35,63 điểm, tương đương 0,92%, xuống còn 3.818,8 điểm. Chỉ số Nasdaq cũng giảm 107,87 điểm còn 11.264,73 điểm, tương đương mức giảm 0,95%.
Tất cả 11 nhóm ngành chính trong S&P 500 đều giảm điểm, trong đó nhóm cổ phiếu năng lượng lao dốc mạnh nhất do giá dầu thô giảm.
Trong tuần này, một loạt ngân hàng lớn như JPMorgan Chase & Co , Morgan Stanley , Citigroup và Wells Fargo & Co. sẽ công bố kết quả kinh doanh quý 2.
Hôm qua, PepsiCo đã công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận quý vượt dự báo của các nhà phân tích. Công ty này cho biết có thể tăng giá sản phẩm trong bối cảnh nhu cầu đã phục hồi.
Giá cổ phiếu của Boeing Co tăng 7,4% sau khi nhà sản xuất máy bay này báo cáo doanh số giao hàng tháng 6 đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2019. Thông tin này, cùng với việc giá năng lượng giảm, đã giúp chỉ số S&P 1500 Air Lines tăng 6,1% trong phiên.
Tính đến thứ Sáu tuần trước, giới phân tích dự báo tăng trưởng lợi nhuận tích lũy quý 2 của các công ty trong S&P 500 đạt khoảng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức dự báo 6,8% đưa ra hồi đầu quý, theo Refinitiv.
Giá dầu giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm qua do áp lực USD tăng giá, nhu cầu giảm mạnh do các biện pháp phòng dịch Covid 19 tại Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, và mối lo suy thoái kinh tế toàn cầu.
Giá dầu thô Brent giảm 7,61 USD, tương đương mức giảm 7,1%, xuống còn 99,49 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu Brent xuống dưới 100 USD/thùng kể từ ngày 11/4. Giá dầu WTI cũng giảm 8,25 USD (tương đương 7,9%) còn 95,84 USD – cũng là mức thấp nhất 3 tháng.
Cú giảm sâu này diễn ra sau một tháng giao dịch đầy biến động khi các nhà đầu tư lo ngại rằng động thái tăng lãi suất mạnh của Fed để kiềm chế lạm phát sẽ kéo theo suy thoái kinh tế, ảnh hưởng tới nhu cầu dầu.
Kể từ khi đạt đỉnh hồi tháng 3 năm nay, giá dầu Brent đã giảm 29%, còn WTI giảm 27%.
“Giá dầu đang đối mặt với áp lực cực lớn khi vị thế phòng thủ của nhà đầu tư vẫn tiếp diễn, trong khi tâm lý người tiêu dùng chán nản khi Covid tái bùng phát ở Trung Quốc”, ông Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại BOK Financial, bình luận.
Chỉ số đồng USD – theo dõi đồng tiền của Mỹ so với một rổ 6 tiền tệ khác – cũng tăng vào đầu phiên giao dịch hôm qua, lên 108,56 – mức cao nhất kể từ tháng 10/2002.
Dầu mỏ thường được định giá bằng đồng USD, vì vậy, việc đồng bạc xanh tăng giá khiến cho mặt hàng này trở nên đắt đỏ hơn với bên mua sử dụng tiền tệ khác. Nhà đầu tư có xu hướng xem đồng USD như một “kênh trú ẩn” an toàn trong những thời điểm biến động của thị trường.