08:01 21/04/2023

Phòng chống thiên tai năm 2023: Chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa

Chu Khôi

Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người thiệt mạng và mất tích; thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng, gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021…

Thiên tai ngày càng cực đoan và khó lường.
Thiên tai ngày càng cực đoan và khó lường.

Chiều 20/4, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố.

VẪN CÒN THIỆT HẠI ĐÁNG TIẾC VỀ NGƯỜI DO CHỦ QUAN

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 thiên tai diễn ra bất thường, cực đoan, trái quy luật, với 21/22 loại hình thiên tai xảy ra (trừ sóng thần), trong đó có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê.

Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người thiệt mạng, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).

 

"Từ đầu năm 2023 đến nay, đã xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển; trong đó, cuối tháng 3/2023 đã xảy ra nắng nóng vượt lịch sử cùng thời kỳ tại Hòa Bình. Thiên tai đã làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng".

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động của các ngành, địa phương và cộng đồng nên công tác phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn đã đạt kết quả toàn diện, góp phần giảm tối đa thiệt hại. Đặc biệt, công tác điều hành ứng phó với các tình huống thiên tai được chỉ đạo linh hoạt, đổi mới theo hướng chặt chẽ, quyết liệt, bám sát thực tiễn. Công tác khắc phục hậu quả được triển khai nhanh chóng, kịp thời ngay sau khi thiên tai xảy ra góp phần giảm thiệt hại tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Công tác tìm kiếm cứu nạn được thực hiện tích cực, kịp thời; toàn quốc cứu được 5.464 vụ, gồm 5.542 người và 349 phương tiện; di dời 32.142 hộ dân đến nơi an toàn, khắc phục 4.473 nhà dân và 198km đường, thu hoạch 23.540ha lúa, hoa màu; dập cháy 765 nhà và 815ha rừng; kêu gọi thông báo cho 480.248 phương tiện, gần 23 nghìn người biết thông tin của bão, áp thấp nhiệt đới để kịp thời di chuyển, tránh trú an toàn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng công tác phòng chống thiên tai vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người do chủ quan, bất cẩn trong khi thiên tai diễn biến cực đoan, bất thường; thiệt hại về người do lốc, sét năm 2022 chiếm tỉ lệ lớn (59 người, chiếm 34%).

Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung cũng như công trình phòng chống thiên tai nói riêng còn thấp. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế và chưa phù hợp.

Việc xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó với thiên tai ở một số địa phương chưa cập nhật đầy đủ, toàn diện với các kịch bản thiên tai. Trong đó phải kể đến các tình huống mưa đặc biệt lớn trong thời gian ngắn, gây ngập sâu như tại Đà Nẵng ngày 14/10/2022 và tại Hà Nội, Vĩnh Phúc đợt mưa lũ cuối tháng 5/2022.

Việc thực hiện phương châm 4 tại chỗ còn mang tính hình thức; công tác tập huấn, huấn luyện kỹ năng, trang bị công cụ, dụng cụ, phương tiện cho lực lượng xung kích tại cơ sở ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu.

THỰC HIỆN 4 GIẢI PHÁP TRONG PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, tình hình thiên tai năm 2023 có khả năng ở mức trung bình so với nhiều năm trước. Để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, công tác Phòng chống thiên tai cần tập trung vào nhiều nhóm giải pháp.

Trong đó chú trọng rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa thiên tai và tập trung vào các nhiệm vụ như xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí thực hiện chiến lược, chương trình tổng thể phòng chống thiên tai quốc gia.

Cần nâng cao chất lượng dự báo cảnh báo và theo dõi giám sát thiên tai; tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành công tác cứu hộ, cứu nạn, nâng cao năng lực cho cứu hộ cứu nạn đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của cho nhân dân.

Phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng, tập trung vào việc phổ biến quy định kiến thức liên quan đến công tác phòng chống thiên tai.

Cần huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, bố trí ngân sách tập trung xử lý dứt điểm các công trình khẩn cấp cần khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022, trọng điểm đê điều, hồ chứa nước xung yếu trước mùa mưa bão 2023.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhận định, thiên tai đang cho thấy diễn biến ngày một cực đoan, khó lường hơn.

“Trong hoàn cảnh hết sức khốc liệt đó, cộng đồng các địa phương đã rất trách nhiệm để hạn chế thiệt hại. Công tác phòng ngừa được chú trọng nhiều hơn. Việc tập huấn cũng đã sát hơn với thực tế. Công tác cảnh báo, dự báo có nhiều chuyển biến. Công tác ứng phó ngày một kịp thời. Việc khắc phục có sự tham gia của nhiều người, nhiều lĩnh vực hơn, trong đó có tổ chức quốc tế…”, Phó Thủ tướng đánh giá.

 

“Đáng tiếc nhất là vẫn còn người chết và mất tích vì thiên tai. Tổn thất này là rất lớn vì sinh mạng con người là vô giá. Bên cạnh đó, kế hoạch phòng, chống thiên tai có nơi chưa sát thực tế, có nơi còn chủ quan".

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác phòng chống thiên tai. Đó là công tác dự báo, cảnh báo đối với một số loại hình thái thiên tai chưa có độ tin cậy cao. Khả năng chống chịu trên tổng thể của Việt Nam cũng yếu hơn trước đây, mà nguyên nhân lớn là đầu tư cho công tác ứng phó thiên tai không tăng.

Chỉ đạo nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ ngành, địa phương thực hiện tốt 4 giải pháp.

Thứ nhất, thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh các chủ trương, chính sách về phòng, chống thiên tai cho phù hợp với thực tiễn.

Thứ hai, tập trung cho công tác phòng ngừa nhiều hơn.

Thứ ba, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn chế, cần tập trung nguồn lực cho công tác cảnh báo, dự báo, để dự báo, cảnh báo kịp thời hơn, bởi dự báo không đúng thì hệ luỵ khôn cùng.

Thứ tư, tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, để xây dựng ý thức chung trong cộng đồng về phòng, chống thiên tai.

“Tôi mong muốn các bộ ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế quan tâm, hỗ trợ và dành nhiều nguồn lực hơn cho công tác phòng, chống thiên tai. Đặc biệt là lồng ghép các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội với phòng, chống thiên tai. Đồng thời, có sự chăm sóc, đầu tư tốt hơn sau thiên tai cho các vùng bị ảnh hưởng”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.