16:17 28/01/2019

Phóng sinh cá chép Táo quân sao cho đúng cách

Phương Thảo

Cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo quân sẽ bay về trời, báo cáo tất cả việc làm tốt – xấu của con người để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh.


Theo quan niệm dân gian, Táo quân là các vị thần tiên được ông Trời phái xuống để cai quản dưới hạ giới. Không những định đoạt may, rủi, phúc họa cho gia chủ, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà. Ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lên chầu trời và đến đêm Giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình.Để ông Táo có phương tiện về chầu trời, người Việt thường chuẩn bị 3 con cá chép sống (hay cá vàng) thả trong chậu nước. Sau khi cúng xong, người ta sẽ đem cá phóng sinh xuống ao, hồ hay sông. Bởi trong tâm thức người Việt, cá chép là loài đã "vượt vũ môn hóa rồng" nên được coi là biểu tượng của sự thăng hoa, an lành và sung túc. Với giới trí thức, cá chép sẽ đem đến công danh, thăng tiến và may mắn…
Phóng sinh cá chép Táo quân sao cho đúng cách - Ảnh 1.

Ảnh: Mạnh Thắng

Giải thích về lý do cũng như ý nghĩa phóng sinh cá chép, ông Nguyễn Cung Hà Phó Chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm Lý thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người; Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng văn hóa Á Đông cho biết: "Các gia đình thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp là dựa trên sự tích cá chép vượt vũ môn và hóa rồng. Trong tất cả các loài sống dưới nước chỉ có cá chép là có thể vượt qua vũ môn lên trời và hoá thành rồng được".Theo quan niệm dân gian, cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (12h trưa ngày 23 tháng Chạp) mới kịp lên thiên đình. Nhiều gia đình thường lựa chọn sông, suối, hồ nước gần nhà để thả cá. Tuy nhiên, tại các thành phố hiện nay, các sông hồ tự nhiên ngày càng trở nên hiếm hoi, hoặc được xây kè xung quanh nên không thuận tiện cho việc thả cá, dẫn đến nhiều người thả cá chép không đúng cách.Có người đứng từ trên cầu cao quăng cá, ném cá. Lại có người thả cả túi nilon bên trong có cá xuống nước… Như vậy không chỉ làm ô nhiễm môi trường mà còn sai ý nghĩa với phong tục cổ truyền thiêng liêng. Ngoài ra, khi đi phóng sinh cá các bạn cần chọn những ao, hồ nước sạch, không gian rộng và không quá ô nhiễm. Nếu thả cá suống vùng nước ô nhiễm dẫn đến cá không sống được, thì cũng mất đi ý nghĩa nhân đạo của việc phóng sinh.
Phóng sinh cá chép Táo quân sao cho đúng cách - Ảnh 2.
Phóng sinh cá chép Táo quân sao cho đúng cách - Ảnh 3.

Có nhiều người ngoài thả cá còn vứt luôn tro hóa vàng, tàn hương... xuống nước khiến việc phóng sinh mất đi ý nghĩa tốt đẹp. Ảnh: Mạnh Thắng

Hãy xuất phát từ thiện tâm, khi ra chợ cần quan sát và chọn mua những con cá chép khỏe mạnh (bơi nhanh, quẫy mạnh, không tróc vẩy) thì mới sống được lâu ở nơi nước lạ. Không nên gọi điện thoại đặt mua cá trước, mà ra chợ thấy cá thì mua tùy duyên - để tránh việc huy động người bán mua nhiều cá để đáp ứng nhu cầu.Khi thả cá bạn nên nhẹ nhàng và từ từ để tránh va chạm mạnh làm cá chết. Cách đúng nhất để phóng sinh cá đó là chọn chỗ mép nước gần, nhẹ nhàng nghiêng bát hoặc túi để cá tự quẫy, bơi vào dòng nước. Tâm thái khi đi thả cá rất quan trọng, cần vui vẻ, thoải mái đi phóng sinh. Trong lúc thả cá cũng không cần phải cầu khấn gì cả, chỉ cần đơn giản nghĩ là mình đang đơn thuần cứu vớt chúng là được.
Phóng sinh cá chép Táo quân sao cho đúng cách - Ảnh 4.

Ảnh: Mạnh Thắng

Tại Hà Nội có một số địa điểm thuận tiện cho việc thả cá phóng sinh như: sông Hồng, hồ Tây, hồ Linh Đàm, hồ Ba Mẫu, hồ Thủ Lệ… Dù thả cá chép ở đâu, hãy nhớ bảo về môi trường nước, tuyệt đối không vứt túi ni lông, chân, tàn hương hay các vật dụng thờ cúng khác xuống sông hồ. Nên chọn những hồ được xây kè cẩn thận, có bậc thang lên xuống. Nếu nơi thả cá chưa xây kè nên chọn chỗ có nền đất vững chắc.