[Phóng sự ảnh]: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 bắt đầu với môn thi đầu tiên
Sáng 27/6, kỳ thi chính thức diễn ra với môn thi Ngữ văn kéo dài 120 phút. Buổi chiều cùng ngày, thí sinh tiếp tục làm bài thi môn Toán. Ngày 28/6, buổi sáng, thí sinh làm bài thi Khoa học Xã hội hoặc Khoa học Tự nhiên, buổi chiều làm bài thi môn Ngoại ngữ…
Thời gian phát đề thi môn Ngữ văn bắt đầu từ 7h30, thời gian chính thức tính giờ là 7h35. Thí sinh sẽ làm bài thi trong vòng 120 phút. Tại Hà Nội, nơi có số thí sinh dự thi đông nhất cả nước, từ 6h sáng, nhiều thí sinh đã được gia đình đưa đến địa điểm thi. Thời tiết khu vực thủ đô sáng sớm nay nhiều nơi tạnh ráo, một số khu vực có mưa nhỏ, thuận tiện cho quá trình di chuyển của cả phụ huynh, học sinh và cán bộ coi thi.
Theo Bộ GD&ĐT, đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2024 môn Ngữ văn giữ ổn định như năm ngoái; phù hợp với các mục tiêu của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đảm khoa học, chính xác theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Tuy nhiên, đề thi năm 2024 cũng sẽ có độ phân hóa cao hơn, đặc biệt là các câu hỏi ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao.
Cụ thể, cấu trúc đề thi mốn Ngữ văn giữ nguyên hai phần là: Đọc hiểu (3 điểm), Làm văn (7 điểm) bao gồm hai câu: Nghị luận xã hội (2 điểm) và Nghị luận văn học (5 điểm).
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra trong 2 ngày 27, 28/6. Kết quả thi sẽ phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, làm cơ sở để xét tuyển đại học, cao đẳng và đánh giá chất lượng công tác quản lý, công tác dạy và học tại các cơ sở giáo dục.
Với tính chất quan trọng, phức tạp và nhạy cảm, kỳ thi luôn nhận được sự quan tâm lớn của xã hội, đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay thì việc phòng chống gian lận thi tốt nghiệp THPT bằng thiết bị công nghệ cao là vấn đề được Bộ GDĐT đặc biệt quan tâm. Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ GDĐT đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an tập huấn cho tất cả các cán bộ, giáo viên. Tiếp đó, Công an các tỉnh/thành phố tiếp tục tập huấn về nhận diện các thiết bị công nghệ cao và nguy cơ thí sinh có thể sử dụng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác thi tại các địa phương.
Với 1 kỳ thi mang tính chất toàn quốc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng 1 lần nữa nhắc lại tinh thần “4 đúng - 3 không” đã được quán triệt từ kỳ thi năm 2023 và tiếp tục lưu ý thực hiện trong kỳ thi năm nay. “4 đúng” là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường. “3 không” là: Không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường.
Thứ trưởng nhấn mạnh: "Nhiệm vụ tạo ra một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, thân thiện và nhân văn đang được đặt lên vai các thầy cô, mong rằng các thầy cô sẽ làm tốt nhất nhiệm vụ này".
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2024 là 1.071.393. Thí sinh tự do là 46.978, chiếm 4,38% tổng số thi sinh. Thí sinh đăng ký trực tuyến là 1.014.020, chiếm 94,66% tổng số thí sinh. Toàn quốc có 2.323 điểm thi (tăng 51 điểm thi so với kỳ thi năm 2023) với tổng số phòng thi là 45.149.