PVD lên tiếng vụ nguyên Chủ tịch bị bắt nhưng cổ phiếu vẫn không ngừng giảm
Cổ phiếu PVD lao dốc mạnh sau tin nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Văn Khạnh bị bắt
Tổng công ty Cổ phần khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (mã chứng khoán: PVD) vừa có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HOSE) về việc nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị bị bắt.
Cụ thể, ngày 18/12/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đỗ Văn Khạnh - nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP). Việc khởi tố này để phục vụ hoạt động điều tra các sự việc xảy ra trong quá trình ông Khạnh làm lãnh đạo tại Tổng công ty PVEP giai đoạn tháng 8/2010 – tháng 11/2015.
Theo PVD, ngày 30/11/2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm của ông Đỗ Văn Khạnh và yêu cầu PVD thực hiện các thủ tục bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị mới theo đúng các quy trình và quy định hiện hành.
PVD khẳng định việc khởi tố nói trên hoàn toàn không liên quan đến thời gian ông Khạnh làm việc tại Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí từ tháng 12/2015 đến 30/11/2018 và không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay của công ty.
Dù lên tiếng song cổ phiếu PVD vẫn liên tục giảm, phiên 19/12, PVD mất 4,5% xuống còn 15.800 đồng/cổ phiếu, sau 4 phiên giảm liên tiếp trước đó.
Ông Đỗ Văn Khạnh sinh ngày 17/3/1961 tại Thái Thuỵ, Thái Bình. Ông Khạnh bắt đầu làm việc cho ngành dầu khí từ năm 1984 và có trình độ chuyên môn là Tiến sĩ địa chất dầu khí.
Ông Khạnh dành cả cuộc đời gắn bó với dầu khí, trong đó nơi gắn bó lâu nhất là PVD. Ông làm việc tại PVD từ năm 1994 cho đến năm 2010 thì chuyển sang PVEP. Tuy nhiên đến năm 2015, ông Khạnh lại trở về PVD giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị đến tháng 11/2018.
Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí hoạt động trong lĩnh vực khoan và dịch vụ khoan dầu khí.
Từ năm 2016, công ty mẹ PVD bắt đầu kinh doanh sa sút với kế quả doanh thu 98 triệu USD, giảm tới 75,4% so với mức doanh thu 402,6 triệu USD của năm 2015. Lợi nhuận sau thuế của PVD chỉ còn vỏn vẹn 3,46 triệu USD, giảm tới 95% so với cùng kỳ.
Năm 2017, PVD chỉ còn lợi nhuận 45 tỷ đồng trong khi doanh thu sa sút chỉ còn 3.700 tỷ. Năm 2018, PVD còn sa lầy hơn khi hai quý đầu năm công ty đã lỗ 331 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực hoạt động, PVEP là một trong những khách hàng lớn của PVD nhưng đang là "con nợ" của công ty này. Tính đến hết quý 3/2018, PVD đã trích lập dự phòng 319 tỷ đồng cho khoản nợ 460 tỷ của nhóm PVEP.