23:32 17/09/2007

PVS “gỡ điểm” cho sàn Hà Nội?

Đăng Long

Trong khi một số mã lớn trên sàn Hà Nội rục rịch chuyển sàn, PVS có mặt sẽ bù đắp một phần đáng kể

PVS sẽ bù đắp một phần khoảng trống mà SSI và MPC dự kiến để lại.
PVS sẽ bù đắp một phần khoảng trống mà SSI và MPC dự kiến để lại.
Trong khi một số mã lớn trên sàn Hà Nội rục rịch chuyển sàn, PVS có mặt sẽ bù đắp một phần đáng kể.

Thời gian này, nhiều nhà đầu tư đang dõi theo kế hoạch chuyển sàn của những mã lớn như SSI của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn và MPC của Công ty Cổ phần Thủy hải sản Minh Phú. Sự ra đi của hai mã này là một “tổn thất” lớn trên sàn Hà Nội.

Cả SSI và MPC đều là những mã nằm trong tốp có tổng giá trị thị trường lớn nhất trên sàn Hà Nội thời điểm này. Tính theo giá bình quân ngày 14/9, SSI có tổng giá trị thị trường là 8,480 nghìn tỷ đồng, chỉ đứng sau ACB (trên 30,538 nghìn tỷ đồng); MPC cũng có tổng giá trị thị trường lên tới trên 3,438 nghìn tỷ đồng và chỉ đứng sau ACB, SSI, BVS, PVI, BMI và BTS.

Cả SSI và MPC đều niêm yết vào cuối năm 2006, sát nút là MPC niêm yết ngày 27/12/2006. Có thể xác định một mục đích là hai mã này đã chọn sàn Hà Nội để kịp chuyến tàu ưu đãi thuế; riêng SSI, theo Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng, còn là do một số nguyên nhân kỹ thuật như liên quan đến tư vấn niêm yết…

Trước mắt, SSI và MPC sẽ chuyển sàn, đồng nghĩa với một lượng hàng, giá trị thị trường trên sàn Hà Nội sẽ giảm bớt. Ngoài ra, đây còn là hai địa chỉ đầu tư được đánh giá cao ở tính hấp dẫn, đặc biệt là tính thanh khoản hàng đầu của SSI.

Nhưng ngày 20/9 tới, một nguồn hàng mới thực sự lớn và có tầm sẽ bù đắp lại phần “tổn thất” trên từ Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC).

Theo kế hoạch, ngày 20/9, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sẽ chính thức đưa cổ phiếu của PTSC (mã PVS) vào giao dịch với tổng khối lượng 100.000.000 cổ phiếu, tổng giá trị theo mệnh giá là 1.000 tỷ đồng.

Đó là một lượng hàng lớn. Nếu tính giá PVS theo giá trúng thầu bình quân trong đợt phát hành lần đầu (IPO) ngày 28/8/2006 tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (37.256 đồng), tổng giá trị thị trường của mã này sẽ đạt trên 3,7 nghìn tỷ đồng, đủ bù đắp khoảng trống giá trị thị trường mã MPC để lại.

Nhưng, nhiều khả năng PVS chào sàn và được giao dịch với mức giá cao hơn nhiều. Theo giá tham khảo trên thị trường tự do (OTC), nguồn Công ty Chứng khoán Sài Gòn, ngày 13/9, giá PVS được giao dịch bình quân là 107.500 đồng/cổ phiếu. Theo mức này, tổng giá trị thị trường mà PVS có thể đạt trên 10 nghìn tỷ đồng, thừa sức lấp đầy khoảng trống khi SSI ra đi.

Nếu thuận lợi, có được mức giá cao hơn như thường thấy ở mã mới chào sàn, PVS có thể lấp đầy cả khoảng trống mà MPC và SSI để lại.

Tất nhiên, trong khoảng trống dự kiến đó không chỉ có ở tổng giá trị thị trường, ở khối lượng hàng mà nhà đầu tư có thể tiếp cận, mà còn ở tính hấp dẫn của cổ phiếu, sự đang dạng trong danh mục đầu tư...

Về tính hấp dẫn, PVS cũng có khá nhiều lợi thế. Trước hết, đó là lĩnh vực hoạt động trong ngành dầu khí, một lĩnh vực đang được đánh giá cao trong danh mục của nhiều nhà đầu tư. Trong gần 20 đầu mục kinh doanh mà tổng công ty này xác định, hầu hết đều gắn với đặc thù này.

Ngoài ra, “hoạt động đầu tư tài chính đang được đẩy mạnh” (theo bản cáo bạch) cũng như hoạt động quản lý, khai thác bất động sản (tòa nhà cho thuê Petrovietnam Tower tại Tp.HCM)... Ông Phùng Tuấn Hà, Phó tổng giám đốc PTSC, cũng khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh dịch vụ quản lý và khai thác cao ốc văn phòng trong thời gian tới...

Hiện tại PTSC có vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Dầu khí Quốc gia nắm giữ 60%, cán bộ nhân viên nắm khoảng 4%, còn lại là cổ đông bên ngoài.

Trong quý I/2007, PTSC đạt lợi nhuận sau thuế là 48 tỷ đồng; và tính đến tháng 6/2007, con số này ước khoảng 100 tỷ đồng, bằng khoảng 52% kế hoạch cả năm. Dự kiến tỷ lệ cổ tức năm 2007 là 14% và năm 2008 là 16%.