06:00 03/06/2022

Quá tải nghiêm trọng, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh nâng cấp theo hướng nào?

Ánh Tuyết

Theo phương án điều chỉnh quy hoạch đang lấy ý kiến, đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh sẽ đón 25 triệu khách và xây mới nhà ga hàng hoá công suất 50.000 tấn/năm với ước tính chi phí đầu tư 23.760 tỷ đồng...

Năm 2019, việc đón khách du lịch quốc tế thứ 3,5 triệu và đón 10 triệu lượt khách thông qua, cảng hàng không quốc tế Cam Ranh ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Năm 2019, việc đón khách du lịch quốc tế thứ 3,5 triệu và đón 10 triệu lượt khách thông qua, cảng hàng không quốc tế Cam Ranh ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Cục Hàng không Việt Nam đang lấy ý kiến dự thảo báo cáo giữa kỳ điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.

NHIỀU HẠNG MỤC QUÁ TẢI, KHAI THÁC VƯỢT CÔNG SUẤT TỪ LÂU

Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh hiện có 2 nhà ga hành khách, gồm nhà ga quốc nội T1 có diện tích gần 14.000 m2, công suất phục vụ 2,65 triệu hành khách/năm và nhà ga quốc tế T2 có diện tích 50.500 m2, công suất phục vụ 4 triệu hành khách/năm.

Đáng chú ý, theo Cục Hàng không Việt Nam, diện tích nhà ga hiện hữu mới đáp ứng được công suất khai thác 3.020 hành khách/giờ cao điểm, nhỏ hơn số hành khách giờ cao điểm năm 2019 là 3.900 hành khách.

Hơn nữa, theo quy hoạch được duyệt theo Quyết định số 1006/QĐ-TTg, giai đoạn đến năm 2020, lượng hành khách cảng tiếp nhận đạt 5,5 triệu hành khách/năm, định hướng đến năm 2030 lượng hành khách tiếp nhận đạt 8 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, thực tế khai thác năm 2019, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã đón 10 triệu lượt khách thông qua cảng.

Việc đón khách du lịch quốc tế thứ 3,5 triệu và đón 10 triệu lượt khách thông qua cảng hàng không quốc tế Cam Ranh ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của cảng, vượt xa so với các chỉ tiêu công suất quy hoạch được duyệt.

Vì vậy, đơn vị tư vấn cho rằng, trong thời kỳ quy hoạch để đáp ứng nhu cầu khai thác cần xây mới nhà ga T1 kết nối với nhà ga quốc tế T2 hiện hữu và xây dựng thêm nhà ga hành khách T3.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của cảng vượt xa so với các chỉ tiêu công suất quy hoạch được duyệt.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của cảng vượt xa so với các chỉ tiêu công suất quy hoạch được duyệt.

Cùng với đó, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh chưa có nhà ga hàng hóa. Trong khi đó theo số liệu thống kê năm 2019 sản lượng hàng hóa thông qua cảng là 20.675 tấn hàng hóa. Vì vậy, đơn vị tư vấn cho rằng trong thời kỳ quy hoạch cần quy hoạch xây dựng nhà ga hàng hóa để đảm bảo nhu cầu khai thác.

Bên cạnh đó, hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh chỉ có 3 vị trí đỗ máy bay; sân đỗ hiện hữu tuy đủ khả năng khai thác hành khách, nhưng cũng cần mở rộng để bổ sung vị trí đỗ cho máy bay hàng hóa và khu sửa chữa đáp ứng nhu cầu phát triển cảng hàng không giai đoạn trung hạn 2021 - 2025.

 

Như vậy trong thời gian qua, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã có sự tăng trưởng rất nhanh, nhiều hạng mục công trình bị quá tải và lượng khai thác thực tế vượt xa so với dự báo trước đây và Quy hoạch được duyệt năm 2009 không còn phù hợp với Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh có hai đường cất hạ cánh song song (02R/20L và 02L/20R), cách nhau khoảng 305m. Đường cất hạ cánh số 1 trải qua 50 năm khai thác liên tục mà chưa được sửa chữa lớn.

Vì vậy, mặt đường cất hạ cánh số 1 xuất hiện nhiều vết nứt chạy dọc có chiều rộng phổ biến từ 0,3 - 1,2cm, cá biệt có một số vết nứt rộng đến 3cm, do đó, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh phải thường xuyên duy tu, sữa chữa để đảm bảo an toàn khai thác.

Còn đường cất hạ cánh số 2 mới được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác vào tháng 10/2019 chất lượng tốt.

Với sân đỗ máy bay hiện hữu tuy đủ khả năng khai thác hành khách nhưng cần mở rộng để bổ sung vị trí đỗ cho máy bay hàng hóa và hangar (khu bảo dưỡng máy bay) đáp ứng nhu cầu phát triển cảng hàng không giai đoạn trung hạn 2021-2025. Vì vậy, những năm tiếp theo cần mở rộng sân đỗ đảm bảo đủ số lượng vị trí đỗ máy bay đáp ứng yêu cầu khai thác nhà ga hành khách.

Vì vậy, việc điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh là cần thiết, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung bộ nói chung.

SỚM NÂNG CẤP, DỰ KIẾN ĐÓN 25 TRIỆU KHÁCH ĐẾN NĂM 2030

Theo kiến nghị của đơn vị tư vấn, thời kỳ 2021-2030 sẽ xây dựng nhà ga hành khách T1 công suất 21 triệu hành khách/năm (quốc nội 8,5 triệu; quốc tế 12,5 triệu), giữ nguyên nhà ga T2 (quốc tế) công suất 4 triệu hành khách/năm.

Thời kỳ sau 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tư vấn kiến nghị cải tạo nhà ga T2 và hợp khối nhà ga T1 thành nhà ga T1 (quốc tế) mới công suất 24 triệu hành khách/năm. Đồng thời, xây mới nhà ga T3 (quốc nội) công suất 12 triệu hành khách/năm đảm bảo theo dự báo tầm nhìn đến năm 2050 đạt 36 triệu hành khách/năm.

Sau năm 2030 sẽ xây mới nhà ga T3 (quốc nội) công suất 12 triệu hành khách/năm.
Sau năm 2030 sẽ xây mới nhà ga T3 (quốc nội) công suất 12 triệu hành khách/năm.

Về lựa chọn phương án đường lăn thoát nhanh, vị trí đường lăn thoát nhanh theo phương án RET2 vị trí đường lăn thoát nhanh cách đầu đường cất hạ cánh 02R-20L và cất hạ cánh 20L/20R là 1975m và 2300m đảm bảo phát triển dài hại của cảng Cam Ranh

Theo đơn vị tư vấn, do công suất quy hoạch tối đa khu bay hiện hữu có thể đạt 50-52 triệu hành khách/năm. Vì vậy, thời gian sự cần thiết phải xây dựng đường cất hạ cánh số 3 sau khi công suất quy hoạch khu bay hiện hữu mãn tải (>50 triệu hành khách/năm) là sau năm 2050 khi có nhu cầu.

Một số chỉ tiêu điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Một số chỉ tiêu điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Tờ trình 11779/TTr-BGTVT ngày 05/11/2021 của Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ phê duyệt trong đó có Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh được đề xuất quy hoạch đến năm 2030 là sân bay 4E; công suất thiết kế đến năm 2030 đón 25 triệu hành khách/năm; diện tích đất dự kiến 657,92 ha; ước tính chi phí đầu tư 23.760 tỷ đồng. 

Định hướng đến năm 2050, cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đón 36 triệu hành khách/năm; diện tích đất dự kiến: 657,92 ha và ước tính chi phí đầu tư 12.898 tỷ đồng.

Cuối tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân chủ trì cuộc họp về điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phương án phát triển bổ sung đường cất hạ cánh số 3 đối với cảng Cam Ranh.

Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo, ý kiến của các thành viên, ông Nguyễn Tấn Tuân giao Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến về việc điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phương án phát triển bổ sung đường cất hạ cánh số 3 đối với Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.

Trong đó, cần làm rõ nội dung việc điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh và bổ sung đường bay hạ cánh số 3 là phù hợp với kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 97/TB-VPCP ngày 5/4/2022 của Văn phòng Chính phủ; phù hợp với nhiệm vụ để thực hiện định hướng phát triển Khánh Hòa theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị…

Cũng theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh, hiện còn một số đơn vị chưa đồng nhất với phương án bổ sung đường cất hạ cánh số 3 do ảnh hưởng đến đất quốc phòng, công trình quốc phòng và các dự án khác đang triển khai trong khu vực.

Đối với điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, một số đơn vị cũng đề nghị làm rõ thêm các vấn đề như đánh giá, bổ sung thêm giải pháp tổng thể vận tải hành khách khối lượng lớn; nghiên cứu các điều kiện, nguồn lực để tập trung ưu tiên đầu tư phát triển cảng; rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để có phương án quy hoạch và phân kỳ đầu tư phù hợp, bảo đảm đáp ứng mục tiêu, nhu cầu…