Đề xuất "tái sinh" cảng hàng không Nà Sản bằng phương thức PPP sau 18 năm đóng cửa
Sau 18 năm đóng cửa vì đường băng xuống cấp, cảng hàng không Nà Sản dự kiến được "hồi sinh" sau đề xuất đầu tư nâng cấp, cải tạo theo hình thức PPP và giao cho UBND tỉnh Sơn La triển khai thực hiện dự án...
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải về tình hình thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng cảng hàng không Nà Sản.
Sân bay Nà Sản được người Pháp xây dựng từ những năm 1950 tại địa phận xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn (Sơn La), cách thành phố Sơn La khoảng 20 km về phía Nam, nằm cạnh Quốc lộ 6.
Những năm 1960 sân bay này duy trì hoạt động nhưng sau một thời gian dừng khai thác do ít khách. Năm 1994, sân bay Nà Sản được khai thác trở lại.
Tuy nhiên, năm 2004, sân bay Nà Sản tiếp tục đóng cửa do đường cất hạ cánh xuống cấp, không đảm bảo tiêu chuẩn khai thác.
Theo Quy hoạch được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 249/QĐ-BGTVT ngày 21/1/2015, quy hoạch cảng hàng không Nà Sản giai đoạn đến năm 2020 là cảng hàng không cấp 4C, công suất 0,9 triệu hành khách/năm.
Giai đoạn đến năm 2030, Nà Sản là cảng hàng không cấp 4C, công suất 1,5 triệu hành khách/năm, khai thác máy bay A320/321 và tương đương.
Theo định hướng quy hoạch cảng hàng không Nà Sản trong quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Bộ Giao thông vận tải đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đánh giá và đưa cảng hàng không Nà Sản vào quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc.
Theo quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Bộ Giao thông vận tải đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, cảng hàng không Nà Sản là cảng hàng không cấp 4C, công suất 1 triệu hành khách/năm. Giai đoạn định hướng đến năm 2050 là cảng hàng không cấp 4C, công suất 2 triệu hành khách /năm.
Căn cứ quy hoạch cảng hàng không Nà Sản được duyệt và thực hiện nhiệm vụ được Bộ Giao thông vận tải giao, Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp với Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam và các đơn vị có liên quan lập dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Nà Sản, trong đó, tính toán, xác định quy mô đầu tư cảng hàng không Nà Sản theo đúng quy hoạch.
Gần đây, UBND tỉnh Sơn La có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng cảng hàng không Nà Sản.
Theo đó, UBND tỉnh Sơn La kiến nghị Thủ tướng chấp thuận về chủ trương đầu tư Nà Sản theo hình thức PPP và giao cho UBND tỉnh Sơn La triển khai thực hiện dự án.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án, tỉnh Sơn La sẽ cân đối, bố trí khoảng 350 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công để thúc đẩy công tác thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
UBND tỉnh Sơn La đánh giá, Cảng Hàng không Nà Sản có vai trò quan trọng trong mạng sân bay chính của khu vực Tây Bắc, đồng thời là sân bay chính trong mạng sân bay quân sự quốc gia (sân bay tuyến số 2) có vị trí quan trọng trong chiến lược phòng thủ khu vực và đất nước, góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh trong công tác tuần tra, kiểm soát vùng biên giới.
Để sớm đầu tư xây dựng cảng hàng không Nà Sản theo quy hoạch được duyệt, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao cho UBND tỉnh Sơn La là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Nà Sản theo quy hoạch được duyệt. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Sơn La làm việc với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành có liên quan để xử lý các nội dung liên quan.
Tại chương trình công tác tại Sơn La cuối tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát Cảng hàng không Nà Sản và nghe báo cáo về phương án nâng cấp, cải tạo sân bay này.
Thủ tướng nhấn mạnh, nhu cầu nâng cấp sân bay Nà Sản là rất rõ, hiệu quả cũng có thể nhìn thấy được và đến nay chúng ta cũng có điều kiện để làm việc này, nhất là với phương thức hợp tác công - tư.
Sân bay Nà Sản sẽ giúp tăng cường giao lưu, kết nối văn hóa, kinh tế, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường với hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản trong khu vực Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng… Do đó, lợi thế về kinh tế là rất rõ. Hiện nay, ngành hàng không của Việt Nam phát triển hơn, với nhiều hãng hàng không cạnh tranh lẫn nhau, giúp giảm giá vé máy bay, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đang tăng lên rất nhanh.