11:31 26/07/2023

Quan hệ đồng hành báo chí- doanh nghiệp cần được xây dựng trên nền tảng văn hoá

Vũ Khuê

Sự hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp dù đã ngày càng được đẩy mạnh, nhưng chủ yếu vẫn mang tính tự phát. Do đó, cần xây dựng văn hoá hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp. Sự kết hợp giữa văn hoá báo chí và văn hoá kinh doanh để giúp hai bên cùng thắng…

Cần thắt chặt mối quan hệ báo chí- doanh nghiệp
Cần thắt chặt mối quan hệ báo chí- doanh nghiệp

Tại “Diễn đàn báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 25/7, các doanh nghiệp đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn còn đâu đó nhiều vụ việc khiến hai bên chưa hài lòng.

HỢP TÁC HAI BÊN MANG TÍNH TỰ PHÁT

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc cơ quan báo chí là cầu nối, truyền tải phản ánh kiến nghị, nguyện vọng của doanh nghiệp đến cơ quan quản lý, thì vẫn còn có một bộ phận phóng viên suy thoái, mục đích đi làm việc chưa thực sự trong sáng.

Họ đến doanh nghiệp họ tìm cách “bới lông, tìm vết”, đe doạ doanh nghiệp, gây bất lợi cho doanh nghiệp…Thậm chí, một số vụ việc nhiều báo câu kết “đánh hội đồng” doanh nghiệp… tạo tâm lý bất ổn cho nhà đầu tư và khách hàng.

Thậm chí, không ít các thông tin được phản ánh còn thiếu sự khách quan, thiếu sự tương tác với doanh nghiệp, dẫn đến doanh nghiệp mất lòng tin vào các cơ quan báo chí.

Quan hệ đồng hành báo chí- doanh nghiệp cần được xây dựng trên nền tảng văn hoá - Ảnh 1

Trước các ý kiến trên, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký VCCI, nhìn nhận giới doanh nhân Việt Nam có sứ mệnh và trách nhiệm gánh vác một phần quan trọng của nhiệm vụ phát triển kinh tế và xây dựng văn hoá kinh doanh.

Mặc dù vậy, việc khơi dậy, phát huy văn hóa kinh doanh Việt Nam trong doanh nghiệp chưa được quan tâm tương xứng. Văn hóa kinh doanh chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.

Hiện nay trong xã hội vẫn tồn tại những cách kinh doanh chưa văn hoá như: sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; lãng phí tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; buôn lậu, trốn thuế gây thiệt hại cho nguồn thu ngân sách của nhà nước... Vì lợi nhuận, một số nhà kinh doanh đã bất chấp đạo lý, kỷ cương, phủ nhận những giá trị đạo đức truyền thống, xâm phạm những chuẩn mực kinh doanh truyền thống của dân tộc.

Trong khi đó, môi trường truyền thông là một phần của môi trường kinh doanh quốc gia, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp cũng như vun đắp tinh thần kinh doanh của dân tộc, góp phần thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh. Đặc biêt, báo chí là lực lượng chủ lực trong xây dựng và phát huy môi trường truyền thông, hình thành quan điểm và dư luận xã hội, có ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động doanh nghiệp.

Nhưng đến nay, dù sự hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp đã ngày càng được đẩy mạnh, song chủ yếu vẫn mang tính tự phát. Chính vì vậy, Tổng Thư ký VCCI cho rằng, cần xây dựng văn hoá hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp.

CẦN XÍCH LẠI GẦN NHAU

Theo bà Trần Thị Lan Anh, quan hệ đồng hành của báo chí và doanh nghiệp cần được xây dựng trên một nền tảng văn hoá. Đó là sự kết hợp giữa văn hoá báo chí và văn hoá kinh doanh để giúp hai bên cùng thắng và quan trọng nhất là cùng đóng góp vào việc thực hiện được khát vọng, tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.

Đại diện VCCI đề nghị cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ nhà báo đồng hành trên 5 phương diện. Cụ thể, hai bên cần cùng nâng cao nhận thức chính trị, giữ vững lập trường tư tưởng, phát huy vai trò xung kích, thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh của doanh nhân người lính thời bình và người làm báo cách mạng.

Cùng nhau thúc đẩy văn hóa kinh doanh, văn hóa báo chí truyền thông, vun đắp đạo đức doanh nhân. Đồng hành trong việc tuyên truyền chính sách, phát huy vai trò là cầu nối giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Đồng hành trong việc hợp tác, nâng cao năng lực mỗi bên.

Bên cạnh việc tôn vinh, lan tỏa cái đẹp, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, bà Lan Anh cho rằng báo chí và doanh nghiệp cũng cần đồng hành trong việc đấu tranh với những sai trái, vi phạm pháp luật, hành vi tiêu cực của doanh nghiệp, doanh nhân góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, nhấn mạnh báo chí và doanh nghiệp cần xích lại gần nhau. Doanh nghiệp và báo chí là hai lực lượng quan trọng cho sự phát triển đất nước.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông

Doanh nghiệp là lực lượng quan trọng của nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, tạo sự tăng trưởng, đóng góp cụ thể vào an sinh xã hội. Báo chí là vũ khí sắc bén, là những chiến sỹ trên mặt trận văn hoá tư tưởng của Đảng; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng- Nhà nước; tiếng nói của các tầng lớp nhân dân trong đó cả những tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp.

Xét trên bình diện chung, nhìn vào bức tranh lớn thì mối quan hệ hợp tác gắn bó hữu cơ, đồng hành báo chí và doanh nghiệp qua rất nhiều năm tháng vẫn luôn là mối quan hệ tốt. Có chăng lúc này lúc khác, mối quan hệ giữa cơ quan báo chí này với doanh nghiệp nọ, giữa phóng viên này với doanh nhân kia có những điều khiến chúng ta vẫn cảm thấy phiền lòng. Nên hai phía đều cần làm tốt hơn.

“Doanh nghiệp có văn hoá kinh doanh, các cơ quan báo chí cũng có văn hoá báo chí. Doanh nghiệp có đạo đức kinh doanh, cơ quan báo chí cũng có đạo đức của người làm báo. Chúng tôi mong muốn, hai bên cùng chung tay góp phần làm lành mạnh hơn nữa mối quan hệ này, đem đến những cơ hội thiết thực cho những lực lượng là đại diện cho những nguồn lực phát triển của xã hội”, Thứ trưởng Lâm nhấn mạnh.

Đồng tình, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, nêu rõ mối quan hệ báo chí và doanh nghiệp chưa bao giờ cần thiết cũng như cần thắt chặt như bây giờ.

Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam
Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam

Báo chí cần doanh nghiệp để duy trì hoạt động của mình bằng nguồn tin từ doanh nghiệp và cũng là nguồn thu quan trọng. Doanh nghiệp cần đến báo chí như kênh thông tin chính thức thay vì để cho xã hội tìm những thông tin trên các kênh không chính thức.

Nhiệm vụ của cơ quan báo chí là cần đưa những thông tin mang tính xây dựng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhưng bên cạnh đó cần nêu lên những bất cập, sai phạm. Ngược lại, doanh nghiệp cần chủ động cởi mở, minh bạch thông tin, hợp tác với báo chí thay vì sợ báo chí.

Với cơ quan báo chí, ông Minh mong muốn cần tìm ra những biện pháp bền vững, hiệu quả nhằm tuyên truyền, đưa thông tin một cách đúng đắn. Những thông tin chính xác, minh bạch càng giúp nâng cao uy tín, giá trị của cơ quan báo chí, từ đó xây dựng niềm tin với doanh nghiệp.

Trong thời gian qua không ít vụ việc không vui xảy ra giữa doanh nghiệp và báo chí, “con sâu làm rầu nồi canh”- đây là điều đáng tiếc. “Trong nhiệm kỳ này, Hội nhà báo Việt Nam coi đạo đức báo chí là trụ cột quan trọng, cần thúc đẩy, siết chặt. Bên cạnh việc kêu gọi các cơ quan báo chí thực hiện điều này thì sẽ có những biện pháp kỷ luật nghiêm với các cá nhân, đơn vị báo chí vi phạm”, ông Minh khẳng định.

Trong khuôn khổ diễn đàn diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa 4 cơ quan: Ban tuyên giáo Trung ương, Bộ thông tin và truyền thông, Hội nhà báo Việt Nam và VCCI.

Với sự chung tay, góp sức của 4 cơ quan, kỳ vọng sẽ tạo ra những điều kiện và xung lực mới cho sự đồng hành, hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và giới báo chí – truyền thông, hướng đến cùng thành công và cùng đóng góp thực hiện mục tiêu lớn: đưa nước ta đến năm 2045 trở thành quốc gia. phát triển, thu nhập cao, phồn vinh, hạnh phúc.