10:05 14/01/2008

“Quản lý rủi ro chưa phải là ưu tiên cao nhất”

Linh San

Việt Nam không có qui định cụ thể yêu cầu các công ty niêm yết có chính sách và thủ tục về việc quản lý rủi ro

"Hiện nay, ở Việt Nam không có qui định cụ thể yêu cầu các công ty niêm yết có chính sách và thủ tục về việc quản lý rủi ro doanh nghiệp, ngoại trừ các ngân hàng".
"Hiện nay, ở Việt Nam không có qui định cụ thể yêu cầu các công ty niêm yết có chính sách và thủ tục về việc quản lý rủi ro doanh nghiệp, ngoại trừ các ngân hàng".
Ông Marius Kunneke, Giám đốc tư vấn công ty PricewaterhouseCoopers cho rằng, nhiều doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết của Việt Nam còn chưa coi quản lý rủi ro là ưu tiên cao nhất.

Ông đánh giá thế nào về việc quản lý rủi ro của các doanh nghiệp Việt Nam?

Hiện nay, ở Việt Nam không có qui định cụ thể yêu cầu các công ty niêm yết có chính sách và thủ tục về việc quản lý rủi ro doanh nghiệp, ngoại trừ các ngân hàng. Các qui định về quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam đã được nêu ra trong Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán.

Trong năm qua, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định 15 và Quyết định 12 về việc yêu cầu quản trị doanh nghiệp đối với các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Những qui định này là một bước tiến quan trọng, mặc dù còn chưa rõ ràng về quản lý và kiểm soát rủi ro nội bộ.

Vậy quản lý rủi ro đối với các công ty đã niêm yết và chuẩn bị niêm yết trên thị trường chứng khoán thì sao, thưa ông?

Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị niêm yết để thu hút vốn và nắm bắt cơ hội kinh doanh và nhiều nhà đầu tư đang tham gia vào thị trường. Đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư, sự thích hợp của các thủ tục, chính sách và quá trình của việc quản lý rủi ro không phải là ưu tiên cao nhất.

Đối với một công ty quốc tế lớn, việc đưa ra một quyết định đầu tư sai lầm không gặp phải khủng hoảng vì họ sẽ đánh giá được tất cả việc đầu tư dựa vào danh mục cơ bản và sự kết hợp giữa danh mục đầu tư có rủi ro thấp và rủi ro cao. Họ sẽ sử dụng những danh mục đầu tư ban đầu như là một cơ hội để nắm rõ về môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Tuy nhiên, những nhà đầu tư mới của Việt Nam khi đầu tư vào thị trường chứng khoán có thể gặp rủi ro nếu các công ty không có được kết quả tài chính như mong đợi.

Thực hiện quản lý rủi ro doanh nghiệp tại các công ty trong nước và các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có gì khác nhau không, thưa ông?

Nhiều công ty quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam có các qui định về quản trị doanh nghiệp rất cao, và có những hình phạt nghiêm khắc đối với giám đốc khi họ không hoàn thành nhiệm vụ.

Các công ty này đã phát triển qui tắc về quản lý rủi ro doanh nghiệp và áp dụng ở tất cả những nơi mà họ hoạt động kinh doanh, bao gồm cả Việt Nam. Tất cả công ty quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam sẽ phải tuân thủ các qui tắc và chính sách của tập đoàn và báo cáo thường xuyên với tập đoàn về rủi ro.

Còn đối với doanh nghiệp Việt Nam, vì không có qui định nào yêu cầu các công ty niêm yết ở Việt Nam phải thực hiện quản lý rủi ro doanh nghiệp, nên điều đó đòi hỏi các cấp quản lý phải suy nghĩ kỹ về cơ hội và rủi ro, nhất là sau khi Việt Nam đã là thành viên của WTO.

Tuy nhiên, không có một giải pháp chung cho các doanh nghiệp để phát triển một mô hình quản lý rủi ro. Tùy thuộc vào qui mô và lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động mà xây dựng một mô hình quản lý rủi ro với chi phí hợp lý nhất. Việc thực hiện quản lý rủi ro doanh nghiệp có thể kéo dài trong vài năm, tùy thuộc vào sự phát triển nhanh và liên tục.