06:56 14/05/2010

Quản lý trò chơi trực tuyến: Thắt hay mở?

Mạnh Chung

Game online (trò chơi trực tuyến) có thể đem lại nguồn thu lớn, tuy nhiên, mặt trái của lĩnh vực này lại đang gây ra nhiều bức xúc

Theo dự thảo, người chơi game chỉ được chơi từ 3 – 5 tiếng/ ngày. Người chơi mặc đồng phục học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ không được sử dụng trò chơi trực tuyến từ 8 giờ đến 17 giờ hàng ngày.
Theo dự thảo, người chơi game chỉ được chơi từ 3 – 5 tiếng/ ngày. Người chơi mặc đồng phục học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ không được sử dụng trò chơi trực tuyến từ 8 giờ đến 17 giờ hàng ngày.
Game online (trò chơi trực tuyến) có thể đem lại nguồn thu lớn, tuy nhiên, mặt trái của lĩnh vực này lại đang gây ra nhiều bức xúc.

Tại buổi hội thảo về quy chế quản lý trò chơi trực tuyến ngày 13/5, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn dẫn chứng, năm 2009, ngành game online đã đem lại nguồn thu cho đất nước Trung Quốc là 3,9 tỷ USD, nhưng các dịch vụ ăn theo game online lên tới 9 tỷ USD, Hàn Quốc là hơn 4 tỷ USD.

Bởi thế, với số người sử dụng Internet của Việt Nam hiện nay - khoảng 23 triệu người, theo nhận định của lãnh đạo Bộ, thì đây là lĩnh vực có thể đem lại nguồn thu lớn, giải quyết nhiều công ăn việc làm.

“Nhưng trong thời gian qua có nhiều ý kiến trái chiều không ủng hộ phát triển lĩnh vực này, vì có nhiều trò chơi mang tính bạo lực, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và gây ra những tác động xấu trong xã hội. Vì thế, việc sớm ban hành quy chế quản lý trò chơi trực tuyến là rất cần thiết”, ông Doãn nói.

Đóng cửa sau 22h

Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), đơn vị soạn thảo quy chế cho biết, trong dự thảo lần này có nhiều quy định mới có tính chất mở, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phát triển ngành game thuần Việt.

Cụ thể, với những doanh nghiệp đầu tư, tự sản xuất game online có tính thuần Việt, thuộc diện nhóm trò chơi game được ưu tiên sẽ nhận được những chính sách ưu đãi như những doanh nghiệp công nghệ cao. Vì hiện nay, ngoài Thuận Thiên Kiếm của Vinagame thì gần như toàn bộ game online đã phát hành ở Việt Nam chủ yếu là nhập ngoại.

Tuy nhiên, dự thảo cũng có những điểm mới nhằm quản lý chặt chẽ hơn với người chơi game và địa điểm kinh doanh đại lý Internet.

Theo dự thảo, người chơi game chỉ được chơi từ 3 - 5 tiếng/ngày. Các đại lý Internet chỉ được cho người chơi trò chơi trực tuyến từ 8h sáng đến không quá 22h đêm. Người chơi mặc đồng phục học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ không được sử dụng trò chơi trực tuyến từ 8h đến 17h hàng ngày; hay điểm kinh doanh Internet phải cách xa trường học (từ mẫu giáo đến phổ thông trung học) tối thiểu là 200 m …

Ngoài ra, các đại lý Internet tham gia cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến cũng phải lập sổ đăng ký sử dụng dịch vụ trong đó thống kê đầy đủ, chi tiết thông tin về người chơi và người bảo lãnh cho người chơi nếu người chơi đó dưới 14 tuổi, bao gồm họ tên, năm sinh, địa chỉ thường trú, số chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu.

Dự thảo cũng quy định rõ với những trò chơi game online không phải là các game online đơn giản (theo dự thảo, game đơn giản là game có nội dung kịch bản đơn giản, có sự giới hạn số lượng người chơi và sự tương tác giữa những người chơi chỉ ở mức độ đơn giản, ví dụ như trò cờ tướng, ô ăn quan…) thì doanh nghiệp chỉ được cung cấp dịch vụ cho người chơi từ 8h sáng đến 22h đêm.

Chưa hợp lý?

Ngay giữa hội thảo, một game thủ đã thẳng thắn phản đối quy định giới hạn giờ chơi từ 3 - 5 tiếng với từng loại game, và thời gian game online bị cấm hoạt động trong ngày là từ 22 giờ đêm hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau là hoàn toàn không hợp lý.

Anh này chứng minh, cứ ngày ngày, 8h sáng anh đi làm đến hơn 5h chiều mới về, rồi con cái, gia đình, có khi phải 22h mới rảnh để ngồi chơi game, nhưng qui định lại cấm chơi giờ này thì không biết lấy gì mà chơi, trong khi game nhiều khi là thứ giải stress cho anh.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc chiến lược Công ty VTC Intecom cho rằng, chỉ nên đưa quy định này với các đại lý Internet tham gia cung cấp dịch vụ game online, còn nếu cấm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong thời gian trên thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phát triển của doanh nghiệp và nhu cầu của game thủ, vì rất nhiều người không có điều kiện chơi trước 22 giờ.

Theo phân tích của một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ game online và game thủ, vì game online không giới hạn về lãnh thổ biên giới, nên nếu cấm doanh nghiệp cung cấp game online trong quãng thời gian trên, cộng đồng game thủ sẽ quay ra chơi game của nước ngoài. Và như thế các doanh nghiệp game của Việt Nam sẽ mất đi nguồn thu lớn, hạn chế tới khả năng tái tạo, phát triển.

Ngay như quy định, nếu phát hiện mặc áo đồng phục từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ không được chơi từ 8 giờ đến 17 giờ hàng ngày, với lý do mà ông Hải đưa ra là đây là giờ học của học sinh nên thành phần này không được chơi. Đại diện một sở thông tin cho rằng, nếu vậy thì dự thảo đã quên mất rằng, học sinh chỉ học nữa buổi chứ không phải học cả ngày mà đi cấm học sinh.

Chính với những “bất cập” chưa được hoàn thiện, theo ý kiến của cộng đồng game cũng như của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ game online, dự thảo quy chế quản lý trò chơi trực tuyến nếu không được sửa đổi sẽ khó tạo được một thị trường game phát triển và lành mạnh.