Quản trị tốt dòng tiền, nuôi dưỡng sự sống doanh nghiệp
Dòng tiền là nguồn sống của doanh nghiệp, duy trì dòng tiền "khỏe mạnh" quyết định sự sống còn và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp
Dòng tiền là nguồn sống của doanh nghiệp, duy trì dòng tiền "khỏe mạnh" quyết định sự sống còn và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Các đại biểu tại hội thảo "Đảm bảo tài chính bền vững cho doanh nghiệp" do Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) và Chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) cấp cao của Trường Đại học Hawaii (VEMBA) tổ chức tại Hà Nội chiều ngày 23/5 cho hay, mặc dù kinh doanh có lợi nhuận, đạt mức tăng trưởng kỳ vọng nhưng nhiều doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) luôn bối rối vì không đủ tiền mặt, mất kiểm soát dòng tiền, thậm chí đối mặt với tình trạng phá sản.
"Nút thắt" thành hay bại
Theo Giáo sư tài chính Eric Mais, Giám đốc Chương trình MBA cấp cao và các chương trình MBA toàn cầu của trường Kinh doanh Shidler, Đại học Hawaii, Hoa Kỳ, doanh nghiệp là nguồn động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, vì vậy, cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Dự báo tài chính, phân tích dòng tiền, nghiên cứu thị trường đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh doanh, quyết định sự tồn vong của các doanh nghiệp.
Dự đoán bức tranh tài chính, dù ngắn hạn trong một đến hai năm tới đối với một doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là bài toán khó cho ngân hàng.
Theo ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội, đối với ngành xây lắp, kể cả những doanh nghiệp có doanh thu ngàn tỷ, có khả năng thất thoát lớn, vì vậy, ngân hàng phải lựa chọn doanh nghiệp có danh tiếng, hệ thống quản lý, trình độ kỹ thuật, khả năng tổ chức thi công mới đưa ra quyết định.
Ông Thái đặt câu hỏi "Dưới góc độ nhà đầu tư, nên quan tâm sâu sắc hơn đến vấn đề nào liên quan đến dự báo tài chính, làm thế nào để biết rằng một báo cáo hay dự đoán tài chính của các doanh nghiệp đáng tin trong quá trình xem xét?".
"Đối với các công ty tư nhân, cần gặp ban điều hành doanh nghiệp và thảo luận về dự báo tài chính của doanh nghiệp", GS. Eric Mais cho hay. Số liệu startup cung cấp rất quan trọng, với tư cách nhà đầu tư, phải tự đặt câu hỏi số liệu có tin cậy hay không, tính xác thực, dự báo liệu có hợp lý hay không, kết hợp với phân tích ngành của nhà đầu tư.
"Trong giai đoạn đầu, nhà đầu tư sẽ xem xét mức độ tin cậy, đặc tính, trình độ, uy tín của ban điều hành, sự trung thực trong việc cung cấp số liệu, uy tín trong việc tuân thủ quy định tạo ra mức độ tin cậy cho kết quả dự báo của doanh nghiệp", ông Eric Mais nói và nhấn mạnh "Nếu là doanh nghiệp mới, chưa có lịch sử, chưa kiểm tra được uy tín của chủ doanh nghiệp, đặc biệt đối với những nhà đầu tư mạo hiểm sẽ đánh giá chất lượng của ban điều hành".
Còn theo ông Đinh Như Tuynh, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ MB, nếu loại trừ những yếu tố về mặt môi trường, chính sách, ngân hàng quan tâm nhất đến yếu tố dòng tiền của doanh nghiệp. Dù doanh nghiệp có quy mô lớn, nhưng nếu dòng tiền không chuẩn theo tính toán, doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản rất cao.
Về bản chất, "dòng tiền phản ánh các chính sách của doanh nghiệp về bán hàng, về giá và các chi phí của doanh nghiệp. Ngân hàng mong muốn có nhiều thông tin, tính toán vòng quay khoản phải thu, hàng tồn kho để tính toán dòng tiền về chuẩn", ông Tuynh nói và lý giải "bởi dòng tiền là cơ sở để ngân hàng đầu tư cho doanh nghiệp và doanh nghiệp trả nợ cho ngân hàng".
Bên cạnh đó, đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp, ngân hàng hay nhà đầu tư cũng quan tâm đến chỉ số "đốt tiền", là chi phí so với doanh thu dự kiến của doanh nghiệp.
Nếu chi phí lớn hơn so với doanh thu dự kiến của doanh nghiệp, doanh thu không đủ theo kế hoạch, như vậy, ngân hàng hoặc nhà đầu tư sẽ đánh giá khoản đầu tư, khoản cho vay đó không hiệu quả.
Kiến thức là cốt lõi
Thành lập năm 2009, chỉ sau 9 năm dẫn dắt, ông Đinh Đức Thắng, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nhựa Opec (Opec Plastics) đã đưa công ty phát triển vượt bậc với doanh thu đạt gần 500 triệu USD. Opec Plastics hiện đang là nhà phân phối hạt nhựa lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Theo ông Thắng, quan trọng nhất là nghiên cứu thị trường, nghiên cứu ngành. Sau khi dành ra 2 năm nghiên cứu ngành nhựa và hoá dầu, ông Thắng dồn hết tiền của, nhà cửa, tài sản tích góp được, lại vay mượn, huy động thêm của bạn bè và người thân trong, ngoài nước để khởi sự kinh doanh.
"Nếu chọn đúng ngành nhờ phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức, chọn được con đường đi phù hợp thì đã thành công 50%. Khi chọn đúng con đường, tập trung tất cả nguồn lực, gồm sức người, sức của, tập trung cao độ vào dự án, doanh nghiệp sẽ tiệm cận với cơ hội thành công, xác suất thành công rất cao", ông Thắng chia sẻ.
Ngoài ra, những hành trang, kỹ năng về quản trị kinh doanh, quản lý dòng tiền rất cần thiết, giúp nhà quản lý, nhà khởi nghiệp tránh được rủi ro thất bại, tự tin khởi nghiệp.
Chia sẻ quan điểm này, ông Lưu Trung Thái cho biết trang bị kiến thức cốt lõi về kinh doanh là điều cần thiết. Sau khi kết thúc chương trình VEMBA với 2 năm gắn bó, dù chỉ tiếp nhận được khoảng 30-40% lượng kiến thức các giảng viên Đại học Hawaii cung cấp, cũng đủ cho quản trị doanh nghiệp, kinh doanh thành công.
Chương trình cung cấp rất nhiều những định nghĩa căn bản, từ đó, dễ dàng cho việc tìm hiểu cặn kẽ các ngành nghề khác, hơn hết, giúp xây dựng được mạng lưới quan hệ với những người bạn và đồng nghiệp xuất sắc.