18:15 06/04/2023

Quán triệt, triển khai quy định mới của Ban Bí thư về công tác báo chí - xuất bản

Nguyễn Thuấn

Trong hai ngày 5 - 6/4, tại Thanh Hoá đã diễn ra Hội nghị quán triệt, triển khai 4 quy định mới của Ban Bí thư và xây dựng kế hoạch 100 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam...

Hội nghị quán triệt, triển khai các quy định mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XIII khu vực phía Bắc.
Hội nghị quán triệt, triển khai các quy định mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XIII khu vực phía Bắc.

Tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam và Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai các quy định mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ đạo và chủ trì Hội nghị.

Tham dự hội nghị có các đại biểu lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; Tổng Biên tập của 400 cơ quan báo, tạp chí, xuất bản và lãnh đạo cơ quan chủ quản; lãnh đạo các tỉnh thành phía Bắc.

Hội nghị tập trung quán triệt, triển khai các quy định mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII gồm: Quy định số 85-QĐ/TW ngày 7/10/2022 về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội; Quy định số 99-QĐ/TW ngày 27/2/2023 về cờ Đảng Cộng sản Việt Nam và việc sử dụng cờ Đảng; Quy định số 100-QĐ/TW ngày 28/2/2023 về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo nhà xuất bản; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 28/2/2023 về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí; Xây dựng Kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925/ 21/6/2025).

Các quy định mới được quán triệt tại hội nghị là những văn bản rất quan trọng, khẳng định sự quan tâm sâu sắc, vai trò trực tiếp, toàn diện của Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; có tác động trực tiếp đến các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên trong cả nước. Nội dung các quy định được chuẩn bị công phu, chu đáo, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kế thừa và phát triển, cần được quán triệt, triển khai nghiêm túc, bài bản, thật sự đi vào cuộc sống. Hội nghị góp phần giúp các đại biểu nắm sâu, đầy đủ về những nội dung của các quy định Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành, trên cơ sở đó, vận dụng vào tình hình thực tế và triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất trong các cấp uỷ, tổ chức Đảng và hệ thống chính trị.

Quán triệt mục đích ý nghĩa của Hội nghị, ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh: "Đây là hội nghị quan trọng, giúp các đại biểu dự nắm chắc, sâu sắc các văn bản quy định mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành. Trên cơ sở đó để vận dụng vào thực tiễn cơ quan, đơn vị và tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông, hiệu quả, hiệu lực trong các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị…".

Theo ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, việc ban hành 2 quy định là Quy định 100 và Quy định 101 đã tiếp tục khẳng định và làm rõ vai trò lãnh đạo trực tiếp và thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ cơ quan báo chí, nhà xuất bản; là cơ sở chính trị để sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016, Luật Xuất bản năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản có bản lĩnh chính trị, năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức để "xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại" và "sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe dự thảo Đề án kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). Đây là sự kiện chính trị nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với báo giới cả nước.

Với bề dày truyền thống vẻ vang - 100 năm đồng hành cùng dân tộc, cùng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; với sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, báo giới cả nước có quyền tự hào về sứ mệnh nghề nghiệp cao cả của mình, về những đóng góp của mình đối với đất nước, với dân tộc.

Nhìn lại 100 năm qua để đánh giá, tổng kết, để tự hào nhưng cũng là để cùng nhau xây dựng những chiến lược, kế hoạch, để báo chí cách mạng vững vàng bước sang giai đoạn phát triển mới; cổ vũ, động viên báo giới cả nước tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu đã cùng nhau trao đổi, tìm giải pháp để triển khai thực hiện thật tốt các quy định và dự thảo Đề án.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo, kết luận Hội nghị - Ảnh: VGP/XH.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo, kết luận Hội nghị - Ảnh: VGP/XH.

Phát biểu chỉ đạo, kết luận Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, nhấn mạnh rằng các Quy định của Ban Bí thư được quán triệt hôm nay đều là những văn bản có ý nghĩa rất quan trọng, cả trong hệ thống Đảng cũng như toàn xã hội. Do đó, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tổ chức triển khai thực hiện các quy định này trong thực tế với tư cách là một bộ phận cấu thành quan trọng của công tác tuyên giáo. 

Trên cơ sở Hội nghị này, các đơn vị tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các quy định với nhiều hình thức phù hợp, giúp các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên hiểu rõ, triển khai và vận dụng các quy định một cách toàn diện, đồng bộ, nghiêm túc. 

Đồng thời, cần xác định rõ đây cũng là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên, của từng cơ quan báo chí, xuất bản. Các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện các quy định trên; kịp thời thông tin, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện ở các cấp; kịp thời biểu dương, khen thưởng các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên thực hiện tốt, đồng thời nhắc nhở, phê bình, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả; kịp thời báo cáo, phản ánh những khó khăn, vướng mắc về Ban Tuyên giáo Trung ương để có chủ trương chỉ đạo kịp thời, sát hợp tình hình thực tế.

Dự kiến, Hội nghị quán triệt, triển khai các quy định mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XIII khu vực phía Nam sẽ diễn ra vào ngày 27-28/4 tại tỉnh Bình Dương.

Về kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh đây là sự kiện chính trị nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng của báo chí cách mạng nước ta. Vì vậy, chúng ta cần phải xây dựng Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm một cách bài bản, trang trọng và giàu ý nghĩa, thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam “Báo chí cách mạng Việt Nam phải thực sự là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa”.

Trước đó, ngày 5/4 Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn đầu đoàn công gồm lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai các quy định mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII đến thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng đoàn thăm Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng đoàn thăm Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

Đoàn công tác đã đến dâng hương tại Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp đó đoàn công tác đã đến thăm, kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Chiều cùng ngày, đoàn công tác đã đến dâng hương tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), thăm Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc).

Cũng trong chiều 5/4, Đoàn đại biểu tham dự Hội nghị triển khai các quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII được tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa đã đi tìm hiểu thực tế tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Tại Khu kinh tế Nghi Sơn, các đại biểu đã đến tìm hiểu thực tế tại Cảng tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn. Khu kinh tế Nghi Sơn có diện tích tự nhiên 106.000 ha, cách TP Thanh Hóa 40 km, cách Thủ đô Hà Nội 190 km về phía Nam, là cầu nối giữa vùng Bắc bộ với Trung bộ, Tây Bắc và Nam bộ, với thị trường Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Khu kinh tế Nghi Sơn được xây dựng với mục tiêu trở thành một khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản như công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp luyện cán thép cao cấp, cơ khí chế tạo, công nghiệp điện, công nghiệp vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu, xây dựng các khu đô thị, khu du lịch… gắn với việc xây dựng khai thác có hiệu quả cảng biển.

Các đại biểu tìm hiểu thực tế tại Cảng tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn
Các đại biểu tìm hiểu thực tế tại Cảng tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn

Hiện nay, Khu kinh tế Nghi Sơn có Quốc lộ 1A và tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đang được triển khai thi công đi qua; đường ven biển kết nối vùng kinh tế Bắc bộ và Bắc Trung bộ; đường Nghi Sơn - Bãi Trành (Như Xuân) kết nối với đường Hồ Chí Minh; đường Nghi Sơn - sân bay Thọ Xuân. Hệ thống giao thông nội bộ được kết nối liên hoàn giữa cảng Nghi Sơn với các Khu công nghiệp và khu đô thị. Cùng với đó, tuyến đường sắt Bắc - Nam cũng chạy qua Khu kinh tế Nghi Sơn có chiều dài trên 30 km; hệ thống đường sắt kết nối từ các ga hàng hóa tại cảng Nghi Sơn với ga trung chuyển, ga hành khách, đáp ứng nhu cầu vận tải cho Khu kinh tế Nghi Sơn.

Tại Khu kinh tế Nghi Sơn có Cảng Nghi Sơn và các bến chuyên dụng của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn I, Nhà máy xi măng Nghi Sơn và các bến tổng hợp, bến container có khả năng đón tàu có trọng tải đến 70.000 DWT, năng lực xếp dỡ hiện tại 30 triệu tấn/năm. Đồng thời có hàng chục bến cảng tổng hợp, bến chuyên dụng và bến container cùng hệ thống logistic được quy hoạch đồng bộ với các khu bến đang được các nhà đầu tư triển khai xây dựng.

Đến nay đã có hãng tàu CMA-CGM mở các tuyến vận tải container quốc tế từ Nghi Sơn đi Singapore; từ Nghi Sơn đi Châu Âu, Bờ Tây nước Mỹ, Châu Phi thông qua cảng trung chuyển Singapore. Bên cạnh đó, Khu kinh tế Nghi Sơn còn được kết nối với Cảng hàng không Quốc tế Thọ Xuân. Đây cũng là một thuận lợi lớn để phục vụ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Khu kinh tế Nghi Sơn hiện có 711 dự án đầu tư, trong đó có 69 dự án FDI với tổng mức đầu tư là 13,5 tỷ USD và 642 dự án trong nước với tổng mức đầu tư 170.000 tỷ đồng.