14:53 13/09/2023

Quảng Ngãi sẽ “cắt suất” các đơn vị không nỗ lực giải ngân hết vốn đầu tư công

Song Hoàng

Trường hợp chủ đầu tư giải ngân không hết vốn của năm 2023 đã được bố trí, dẫn đến phải trả vốn, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở KHĐT “gác cổng”, không phân bổ phần vốn đó vào năm 2024, địa phương phải tự bố trí kinh phí để hoàn thành dự án...

Tỉnh Quảng Ngãi
Tỉnh Quảng Ngãi

Sáng 12-9, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã họp đánh giá kết quả giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 4 tháng cuối năm 2023, kể cả giải ngân vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao là 6.789 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao 6.949 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương là 4.527 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương là 2.421 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án đủ điều kiện giao vốn năm 2023 là 6.086 tỷ đồng, còn lại chưa phân khai 863 tỷ đồng.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư từ 03 nguồn thu: sử dụng đất, xổ số kiến thiết và sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước là 2.633 tỷ đồng, chiến 37,9% tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh.

Số liệu trên hệ thống TABMIS (Hệ thống Thông tin Quản lý Ngân sách và Kho bạc) do Sở Tài chính cung cấp và số liệu tổng hợp về thu từ nguồn sử dụng đất của 13 địa phương cho thấy, tổng số các nguồn thu đến ngày 31/8 là 945 tỷ đồng; số vốn đã nhập vào hệ thống TABMIS đến 31/8 là 694 tỷ đồng, chưa nhập hệ thống TABMIS là 59 tỷ đồng. Đến 31/8/2023, tổng phần vốn nhập TABMIS đã giải ngân là 567 tỷ đồng, đạt 81,6% kế hoạch vốn đã nhập.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn của tỉnh Quảng Ngãi năm 2023 tính đến 31/8 đạt mức trung bình so với bình quân chung cả nước, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, đến 31/8, toàn tỉnh giải ngân được 2.481 tỷ đồng, đạt 36,5% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 30,4% kế hoạch HĐND tỉnh giao, bằng 52,8% so với số đã nhập TABMIS.

Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân chưa cao theo giải trình của các sở, ngành, địa phương là do còn vướng các quy định của pháp luật, chính sách; vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; hoàn trả khối lượng tạm ứng, vốn kéo dài; chưa chuẩn xác trong công tác xây dựng kế hoạch và triển khai dự án của một số chủ đầu tư; vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội giao thêm trễ hạn làm ảnh hưởng chung đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, đến thời điểm này, tuy tỷ lệ giải ngân đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, nhưng Quảng Ngãi vẫn là một trong những địa phương nằm trong top trung bình khá của cả nước về công tác giải ngân tất cả các nguồn vốn. Mục tiêu của tỉnh trong năm 2023, Quảng Ngãi phải nằm trong top giải ngân khá của cả nước.

Để đạt được mục tiêu đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu từ cấp tỉnh đến cấp xã cần rà soát lại toàn bộ công việc đã triển khai, đánh giá cụ thể những khâu yếu, khâu chưa đạt để tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình dự án đầu tư, kể cả ở cấp tỉnh, huyện, xã.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu tất cả các chủ đầu tư từ cấp tỉnh đến cấp xã triển khai quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Đồng thời, yêu cầu tất cả các chủ đầu tư nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt đeo bám, sâu sát thực tế để kịp thời giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án của ngành, địa phương mình. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện để thúc đẩy tiến độ dự án.

Đi đôi với việc đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, phải gắn trách nhiệm của chủ đầu tư đối với vấn đề giải ngân. Trường hợp chủ đầu tư giải ngân không hết vốn của năm 2023 đã được bố trí, dẫn đến phải trả vốn, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở KHĐT “gác cổng” cho UBND tỉnh không phân bổ phần vốn đó vào năm 2024, địa phương phải tự bố trí kinh phí để hoàn thành dự án. Đối với chủ đầu tư là các Sở, ngành, yêu cầu phải điều chỉnh, trình cấp có thẩm quyền điểu chỉnh, cắt giảm quy mô dự án và phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh về hiệu quả của dự án sau khi đi vào khai thác.