07:50 11/06/2008

Quanh “đôi hài bảy dặm” của tỷ giá

Minh Đức

Hôm nay (11/6), loạt điều chỉnh mới về lãi suất, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực

Bước tăng mạnh của tỷ giá có thể sẽ làm "làm khó" việc hạch toán của nhiều doanh nghiệp.
Bước tăng mạnh của tỷ giá có thể sẽ làm "làm khó" việc hạch toán của nhiều doanh nghiệp.
Hôm nay (11/6), loạt điều chỉnh mới về lãi suất, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực.

>>“Nới” lãi suất cho vay, cấm thu phí, tăng mạnh tỷ giá

Riêng việc tăng mạnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng là một sự kiện khá đặc biệt. Qua một đêm, tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng USD với VND do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tăng 322 VND, mức chưa từng có.

Cụ thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ mức 16.139 VND/USD áp dụng cho ngày 10/6/2008 lên mức 16.461 VND/USD áp dụng cho ngày 11/6/2008.

So với mức tăng 9 - 10 VND thời gian gần đây, hay 2 - 5 VND thường thấy thời ổn định, mức tăng tới 322 VND có thể xem là một bước nhảy bằng “đôi hài bảy dặm”.

Nguyên do được nhà điều hành tỷ giá giải thích khá ngắn gọn, là “để phản ánh sát hơn tình hình cung - cầu trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, khắc phục tình trạng găm giữ ngoại tệ”.

Trong giải thích trên, có thể hiểu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đưa cơ chế “neo” tỷ giá dần đi theo tính thị trường. Mặt khác, mức tăng 322 VND qua một đêm nói trên cũng thể hiện tính linh hoạt nhất định so với yêu cầu thực tế.

Nhưng cũng từ “bước hài” đó, liệu có sự kìm nén giá VND so với USD trong thời gian qua của thị trường chính thức, khác với sự bùng nổ trên thị trường tự do?

Câu trả lời có thể tham khảo từ nhận định của nhóm nghiên cứu Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo công bố cuối tuần qua, rằng: “VND có thể mất giá nhiều hơn khi nguồn vốn đầu tư gián tiếp có dấu hiệu chậm lại, trong khi tăng trưởng nhập khẩu cần đến một nguồn ngoại tệ lớn”.

Số liệu về đầu tư gián tiếp từ đầu năm đến nay chưa có thống kê và công bố cụ thể, nhưng có thể suy luận từ sự ảm đạm và khó khăn của hoạt động đầu tư tài chính trong thời gian trên. Với nhập khẩu, chỉ riêng 14,4 tỷ USD nhập siêu trong 5 tháng đầu năm cũng đã tạo ra một áp lực lớn đối với tỷ giá.

Liên quan đến nhập siêu, tỷ giá tăng mạnh cũng được xem là một giải pháp can thiệp, hạn chế nhập khẩu và hỗ trợ xuất khẩu. Doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải tính toán lại kế hoạch, cân đối tài chính theo chi phí đắt đỏ hơn. Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có thêm điều kiện để giảm giá hàng, cạnh tranh trên thị trường thế giới...

Trở lại với giải thích của Ngân hàng Nhà nước, nguyên do chính để tăng mạnh tỷ giá là theo cung - cầu trên thị trường. Đây cũng là thực tế và khó khăn về vốn ngoại tệ ở nhiều ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây. Ngân hàng Nhà nước vẫn đang phải tiếp sức hàng tuần; lãi suất huy động USD có ngân hàng đã lên tới 8,4%/năm, dự báo chưa dừng lại.

Cũng liên quan đến cung - cầu, thời điểm này, ngay khi có cơ hội, tỷ giá của các ngân hàng thương mại dự báo cũng sẽ tăng mạnh. Khả năng có đỉnh 16.626 VND/USD mà các ngân hàng áp dụng mua vào – bán ra trong ngày 11/6, theo biên độ +/-1% với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, là không thể loại trừ.

Cung - cầu có thể tiếp tục mất cân đối, nhưng Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện can thiệp để đảm bảo thanh khoản cho thị trường ngoại tệ. Mặt khác, tỷ giá chính thống tăng cũng sẽ tạo thêm lực để lôi kéo dòng ngoại tệ từ dân cư về, thay vì tìm những điểm đến trên thị trường tự do.

Sau ngày 11/6, tỷ giá sẽ khó có thêm một bước tăng mạnh tương tự trong năm nay, bởi mức tăng so với đầu năm hiện đã ở khoảng 2% - giới hạn mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện trong năm nay. Tất nhiên, nhận định trên sẽ khác nếu mức cho phép +/-2% tăng - giảm giá VND so với USD của năm 2008 được điều chỉnh lại.

Và cũng trong ngày hôm nay, bước tăng mạnh của tỷ giá có thể sẽ làm "làm khó" việc hạch toán của nhiều doanh nghiệp, bởi vẫn còn những thói quen "sống chung" với một tỷ giá ổn định hoặc chỉ thay đổi nhẹ trong thời gian dài. Nhìn ở góc độ này, ý thức dự phòng rủi ro tỷ giá của doanh nghiệp sẽ có thêm một ví dụ cụ thể để nâng cao hơn...