11:41 09/10/2022

Quét sạch môi trường, kết hợp chuyển đổi số để có nông thôn mới thông minh

Chu Khôi

Muốn làm tốt vệ sinh môi trường nông thôn, cần phải có sự đồng hành từ Trung ương tới địa phương, tránh tình trạng trên chỉ đạo xuống, dưới lại chạy lên, không sẵn sàng tham gia vào công việc xử lí rác thải, rơi vào tình huống "sống chết mặc bay"…

Chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh.
Chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh.

Tại Hội nghị trực tuyến với chủ đề: “Triển khai Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn và Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới”, một bức tranh tổng thể về nội dung này nhận được nhiều sự quan tâm. 

Theo cập nhật từ Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh  giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp trung ương, cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

 PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN SỐ Ở NÔNG THÔN

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025. 

Chương trình chuyển đổi số do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương cùng triển khai thực hiện. Mục tiêu đề ra đến năm 2025, phải phát triển chính quyền số ở nông thôn.

Theo đó, phải có ít nhất 97% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông, 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 của tiêu chí số 15 về Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao.

Chương trình cũng đề ra mục tiêu phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số. Phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn: Ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số...

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 22/8/2022 phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Điểm cầu chính của hội nghị tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điểm cầu chính của hội nghị tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 40% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung.

Đối với vấn đề môi trường, Chương trình đề ra mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai 1 - 2 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện trở lên với công nghệ phù hợp…

Đồng thời, ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường; 95% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định; 100% chất thải rắn và 50% nước thải sản xuất của các làng nghề truyền thống được thu gom và xử lý theo quy định…

XỬ LÝ RÁC THẢI CÒN NHIỀU GIAN NAN

Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều địa phương nêu lên những khó khăn trong bảo vệ môi trường nông thôn. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết Quảng Nam đang gặp khó khăn trong vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi, nhất là ở các cơ sở chăn nuôi lớn bởi khó xử lý triệt để. Khó khăn trong việc xử lí bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định. Bao bì thuốc bảo vệ thực vật là chất thải nguy hại, yêu cầu khắt khe hơn, chi phí rất lớn…

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết theo số liệu thống kê của tỉnh, 9 tháng năm 2022, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh khoảng 2.774 tấn, tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2021. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải hiện nay ước đạt 88,5%, trong đó tỷ lệ được xử lý bằng công nghệ đốt mới đạt 29,4%; chôn lấp 67,9%; tái chế chỉ đạt 2,6%.

UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư khu xử lý chất thải rắn mới cho các huyện, TP, gồm Đông Sơn, Bỉm Sơn, Sầm Sơn, Triệu Sơn, Như Xuân. "Hiện cũng có nhiều nhà đầu tư muốn vào Thanh Hoá làm công nghệ xử lý rác thải nông thôn, nhưng việc tiếp cận đầu tư còn khó khăn với những quy định của luật. Hiện còn một số bãi rác, một số điểm, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật nguy hại, nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn nhưng xử lý khó khăn", ông Giang nêu thực tế.

Do đó, ông Giang kiến nghị Nhà nước cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia xử lý chất thải rắn. Đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường tham mưu Thủ tướng có cơ chế chính sách vừa đảm bảo môi trường, vừa phục vụ tốt sản xuất kinh tế...

Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam, cho rằng nếu xử lý rác thải mà chỉ những người làm môi trường đi làm một mình thì không thể làm được, phải có sự đồng hành từ Trung ương đến địa phương, từ người giàu đến người nghèo. “Chúng ta cứ hò hét phải xử lý chất thải nhưng không làm gì cụ thể thì bao giờ mới thành công?", ông Trọng nhấn mạnh

Theo ông Trọng, cần phải làm tốt 3 vấn đề.

Thứ nhất, quy hoạch môi trường. Nếu các địa phương không có quy hoạch, không hiểu rác là gì thì không thể có quy hoạch chuẩn, có tầm nhìn xa. Mỗi tỉnh nên có ít nhất 1 khu liên hợp xử lý chất thải tổng hợp. 

 

"Đối với Chất thải và phụ phẩm nông nghiệp, cần nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng các mô hình xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn chất thải cho mục đích sản xuất nông nghiệp và các mục đích khác...".

Thứ hai, phải có công nghệ, định vị rác là tài nguyên. Đây là vấn đề công nghệ, cần thúc đẩy công nghệ để áp dụng từ thu gom, vận chuyển đến xử lý, có như vậy mới giải quyết vấn đề tuần hoàn trong xử lí rác thải. 

Thứ ba, phải có sự đồng hành từ Trung ương tới địa phương, tránh tình trạng trên chỉ đạo xuống, dưới lại chạy lên, không sẵn sàng tham gia vào công việc xử lí rác thải, rơi vào tình huống "sống chết mặc bay".

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cần tiếp tục triển khai việc cung cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn gắn với việc xử lý chất thải trong sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực nông thôn.

Đối với chất thải rắn sinh hoạt, cần xây dựng và triển khai mô hình phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với các địa bàn có mật độ dân cư khác nhau và mục đích sử dụng chất thải sau phân loại. Tổ chức mạng lưới thu gom triệt để và hiệu quả; hình thành và hoàn thiện các phương thức thu gom phù hợp với đặc thù của từng huyện, thành phố; bố trí và đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phù hợp.