Nâng cao hiệu quả quản lý rác thải, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Bình Định
Dự án “Hỗ trợ triển khai Kế hoạch hành động quản lý chất thải nhựa đại dương trong bối cảnh phục hồi hậu Covid-19 tại Việt Nam” sẽ thiết lập lộ trình để tạo ra một nền kinh tế năng động hơn và bao trùm hơn. Đồng thời, phục hồi xanh cũng mang lại cơ hội to lớn cho tăng trưởng bền vững lâu dài, và tạo ra nhiều việc làm bền vững mới ở tỉnh Bình Định…
Biên bản Ghi nhớ đã được ký giữa UBND tỉnh Bình Định và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam trong khuôn khổ hội thảo “Các giải pháp tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn và nhựa tại Bình Định hướng đến giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương” vừa diễn ra cuối tuần qua. Biên bản này nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực: Kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải; Phát triển kinh tế biển; Biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học; khắc phục hậu quả bom mìn, phát triển nông thôn bền vững.
THIẾT LẬP CƠ SỞ THU HỒI RÁC THẢI NHỰA
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, nhận định rằng Việt Nam là một trong số những nước phát sinh lượng lớn chất thải nhựa ra đại dương rất lớn.
Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch cùng với gia tăng dân số làm lượng chất thải hàng ngày không được xử lý xả ra môi trường ngày một nhiều thêm, gây tác hại nghiêm trọng tới môi trường các khu vực ven biển và hải đảo, đặc biệt là làm suy giảm các hệ sinh thái biển và san hô trong các khu bảo tồn.
Riêng tại tỉnh Bình Định, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt khoảng 900 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom khoảng từ 47-90% ở khu vực thành thị; 30% tại khu vực nông thôn. Theo số liệu từ khảo sát sơ bộ của UNDP năm 2022 tại thành phố Quy Nhơn: chất thải nhựa chiếm 20% chất thải sinh hoạt; 17% chất thải rắn được tái chế.
Theo đại diện UNDP, tại Bình Định, UNDP đang làm việc với UBND TP. Quy Nhơn và Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Bình Định để triển khai xây dựng Cơ sở Thu hồi Vật liệu nhằm nâng cao giá trị của chất thải nhựa và vật liệu tái chế với sự tham gia của khu vực tư nhân và lao động thu gom rác phi chính thức (ve chai).
Dự kiến, Cơ sở Thu hồi Vật liệu (MRF) có thể xử lý tới 2-4 tấn rác nhựa mỗi ngày, điều này sẽ giúp Thành phố Quy Nhơn ngăn rác thải nhựa bị thải ra các bãi chôn lấp hoặc ra môi trường.
“Chúng tôi cũng sẽ thí điểm mô hình quản lý chất thải trong ngành thủy sản, trong đó khuyến khích ngư dân mang chất thải về bờ sau mỗi chuyến biển. Các nỗ lực chung của chúng ta dự kiến sẽ thu gom và ngăn chặn khoảng 5 tấn nhựa thải ra biển mỗi tháng”, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.
Bà Caitlin Wiesen cũng vui mừng thông báo về việc khởi động dự án mới “Hỗ trợ triển khai Kế hoạch hành động quản lý chất thải nhựa đại dương trong bối cảnh phục hồi hậu Covid-19 tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường Toàn cầu tài trợ.
Phục hồi xanh là một lộ trình để tạo ra một nền kinh tế năng động hơn và bao trùm hơn, phục hồi xanh cũng mang lại cơ hội to lớn cho tăng trưởng bền vững lâu dài, và tạo ra nhiều việc làm bền vững mới ở tỉnh Bình Định.
“Với dự án mới này, chúng tôi hướng tới tăng cường thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia (NAP) về quản lý chất thải nhựa đại dương ở cấp quốc gia với sự can thiệp thí điểm chính tại tỉnh Bình Định như một địa bàn thí điểm, đặc biệt tập trung vào giảm rác thải nhựa từ lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, với mục tiêu của dự án đặt ra là giảm thiểu 1.000 tấn nhựa đổ ra đại dương”, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.
CẢI THIỆN HỆ THỐNG QUẢN LÝ RÁC THẢI RẮN Ở BÌNH ĐỊNH
Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết trong 6 tháng năm 2022, GRDP của tỉnh tăng 7,01%, cao hơn mức trung bình của cả nước (GDP cả nước tăng 6,42%)). Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt cao nhất từ trước đến nay, đạt 1,33 tỷ USD; hàng hóa thông qua cảng biển đạt 13,6 triệu tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, Bình Định cũng như nhiều địa phương khác của khu vực miền Trung, chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lụt; hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu. Vì vậy, để phát triển ổn định và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tỉnh cần tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Theo ông Long, trước khi tổ chức ký kết Bản ghi nhớ hôm nay, UNDP Việt Nam cũng đã tích cực phối hợp triển khai Dự án làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc (KVPVP) tại tỉnh Bình Định; Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải trong ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại thành phố Quy Nhơn (Dự án DWP5C giai đoạn 2).
“Để nhanh chóng cụ thể hóa các nội dung ký kết thành các việc làm cụ thể, thiết thực, hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Bình Định, các bộ, ban, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực ủng hộ, hỗ trợ tỉnh Bình Định trong việc triển khai các dự án ODA, nhất là các dự án ODA không hoàn lại trên địa bàn tỉnh Bình Định trong thời gian tới”, ông Long đề nghị.