21:44 14/03/2018

Quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ blockchain trong bầu cử

Diệp Vũ

Cuộc bầu cử ở Sierra Leone là một ví dụ nữa cho thấy công nghệ blockchain đang mở rộng bên ngoài thế giới tiền ảo

Sierra Leone đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) cho bầu cử - Ảnh: Reuters/BI.
Sierra Leone đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) cho bầu cử - Ảnh: Reuters/BI.

Quốc gia châu Phi Sierra Leone đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) cho bầu cử, khi một cuộc bầu cử diễn ra ở nước này vào tuần trước.

Theo tờ Business Insider, công ty blockchain đến từ Thụy Sỹ có tên Agora đã cung cấp dịch vụ cho Quận Tây của Sierra Leone, nơi có thủ đô Freetown và là khu vực đông dân nhất của nước này.

Khi mỗi lá phiếu được bỏ, lá phiếu đó sẽ được "khóa" bằng công nghệ blockchain đặc biệt.

Ứng dụng này cũng tương tự như cách thức mà blockchain mang lại sự minh bạch trong cách giao dịch bằng tiền ảo bằng cách lưu trữ dữ liệu trong một sổ cái công cộng không thể bị thay đổi. Agora hy vọng cách làm như vậy sẽ tạo ra sự minh bạch trong các cuộc bầu cử.

Trong cuộc bầu cử vừa rồi ở Sierra Leone, các lá phiếu được lưu trữ trong một mạng lưới chuỗi khối mà chỉ các quan chức bầu cử có thẩm quyền mới có thể truy cập. Mỗi lá phiếu đều được xác nhận tính hợp lệ trên mạng lưới chuỗi khối theo thời gian thực. Bởi vậy, khả năng lá phiếu bị thay đổi, chỉnh sửa được giảm xuống.

Bằng cách này, gian lận bầu cử và thao túng phiếu bầu - chuyện thường xảy ra ở châu Phi và nhiều nơi khác trên thế giới - có thể bị ngăn chặn.

"Tôi rất tin tưởng rằng cuộc bầu cử này là sự khởi đầu cho một phong trào lớn hơn nhiều về sử dụng blockchain trong bầu cử", Giám đốc điều hành (CEO) Agora, ông Leonardo Gammar, phát biểu.

Cuộc bầu cử ở Sierra Leone là một ví dụ nữa cho thấy công nghệ blockchain đang mở rộng bên ngoài thế giới tiền ảo, với tiềm năng định hình lại các cuộc bầu cử trên khắp thế giới. Agora cho biết đã đàm phán với một số quốc gia khác về việc triển khai công nghệ này trong bầu cử.

"Các bạn đang nhìn vào một quốc gia mà có lẽ bạn không thể tin sẽ là nước đầu tiên sử dụng công nghệ bầu cử minh bạch", Giám đốc hoạt động (COO) của Agora, ông Jaron Luksiewicz, phát biểu. "Một quốc gia như Sierra Leone có thể giảm thiểu khả năng gian lận trong một cuộc bầu cử có mức độ cạnh tranh cao bằng cách dùng phần mềm như thế này".

Đây là cuộc bầu cử để người dân Sierra Leone tìm ra một vị Tổng thống mới, thay thế Tổng thống Ernest Bai Karoma, người đã hết giới hạn 2 nhiệm kỳ cầm quyền.

Thủ lĩnh đối lập Julius Maada Bio giành tỷ lệ phiếu cao nhất 43,3% trong vòng bầu cử vừa rồi, nhưng vẫn đủ đa số theo quy định để chiến thắng. Bởi vậy, vòng bầu cử thứ hai, mang tính quyết định, sẽ diễn ra vào cuối tháng 3.